Biên soạn Bộ SGK riêng cho TPHCM: Cần thiết nhưng phải chờ chương trình khung

(Dân trí) - Trong năm học này, ngành giáo dục TPHCM đặt ra mục tiêu tổ chức nghiên cứu, biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) mới. Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh cũng như các chuyên gia giáo dục.

Trong mục tiêu năm học 2015-2016 có đề ra chủ trương biên soạn bộ SGK phổ thông của thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn thành phố và bám sát chương trình khung Quốc gia đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt chấp thuận cho phép biên soạn. Chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lí thuyết, nhẹ về thực hành.

Đem vấn đề biên soạn SGK của TPHCM hỏi các phụ huynh thì chúng tôi nhận được nhiều phản ứng trái chiều cũng như nhiều băn khoăn. Chị Dương Kiều Quế Anh, phụ huynh ở quận 10 cho biết: “Nếu TPHCM có thêm bộ SGK thì liệu có chồng chéo với SGK của Bộ GD?

Liệu phụ huynh có phải tốn thêm tiền để đầu tư vào tiền sách cho con mà không biết nội dung có khác gì với SGK hiện hành không? Mong rằng sách nhiều nội dung mà học xong ứng dụng được vào cuộc sống”.


Học sinh tại một trường THCS học với sách tài liệu dạy Vật lý do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn và thí điểm

Học sinh tại một trường THCS học với sách tài liệu dạy Vật lý do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn và thí điểm

Còn anh Huỳnh Ngọc Tiến phụ huynh ở quận 3 thì chia sẻ rằng: “Chưa rõ SGK mà TPHCM biên soạn như thế nào nhưng điều tôi quan tâm là làm sao nội dung chương trình có thể rút gọn và giảm tải nhiều hơn cho học sinh.

Tôi hoàn toàn ủng hộ nếu sách có liên quan đến văn hóa, lịch sử cũng như nêu bật những nét văn hóa truyền thống của người TPHCM để học sinh có thể hiểu hơn về nơi mình đang sống”.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết chủ trương biên soạn SGK mới đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt chấp thuận nên sở sẽ chuẩn bị từng bước chứ không thể ngồi chờ khi có chương trình khung mới bắt đầu làm. Việc chuẩn bị này phải có kế hoạch chi tiết và cẩn thận. Đầu tiên là chọn xây dựng bộ sách ở cấp nào trước, đối tượng viết sách là những ai, kinh phí như thế nào.

Kế hoạch biên soạn sách cũng lấy ý kiến của hội đồng chuyên môn mỗi môn học, là những thầy cô nhiều năm trực tiếp đứng trên bục giảng sẽ biết nên chọn kiến thức nào để đưa vào, học sinh vướng mắc chỗ nào. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng sẽ mời thêm đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học thẩm định để dư luận, phụ huynh, học sinh và giáo viên an tâm. Dự kiến trong 2 năm nữa, bộ SGK này sẽ phục vụ cho học sinh TPHCM.

Trước đó, TPHCM đã đưa vào thử nghiệm các sách tài liệu dạy học vật lý ở lớp 6, 7, 8, sau đó là môn toán. Đánh giá về bộ tài liệu này, trưởng bộ môn Vật Lý của một trường THCS ở quận 1 cho biết: “Song song với chương trình SGK hiện hành của Bộ GD, tài liệu này đã hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên như những hình ảnh sinh động liên quan đến bài học, những ví dụ cụ thể, từ đó học sinh thích thú, ham học hơn và điều quan trọng là gắn được những bài học với thực tiễn cuộc sống”.

Bên cạnh sử dụng những kiến thức chuẩn của SGK với những bài tập hay thì cuốn tài liệu này đã gần như bổ sung đầy đủ về những kiến thức mới ngày nay được cập nhật về Vật lý để đưa vào giảng dạy cho học sinh cũng như có thể áp dụng vào kỹ năng sống. Tuy nhiên, bộ tài liệu này có giá khá đắt khi lên tới 40.000 đồng/quyển.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận định: "Quốc hội đã thông qua chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách/SGK nên việc biên soạn các bộ sách đáp ứng chương trình phổ thông mới là cần thiết. Nếu nhiều cá nhân, tập thể muốn viết SGK là dấu hiệu đáng mừng.

Nhưng việc biên soạn SGK chỉ có thể bắt đầu thực sự khi chương trình tổng thể được thông qua và cũng phải đợi đến khi có chương trình các môn học thì việc biên soạn SGK mới thực sự bắt đầu: không có chương trình khung các môn học thì không thể nói đến chuyện biên tập SGK.

Tôi cho rằng về mặt lý thuyết thì càng nhiều bộ SGK thì sự lựa chọn của trường học và giáo viên, học sinh lựa chọn càng tốt hơn. Nhưng tôi chắc rằng lúc đầu mà có được vài bộ SGK thì đã là quá tốt rồi.

Việc tổ chức biên soạn SGK phải do các nhà xuất bản hoặc các cá nhân, tập thể biên soạn nhưng các chủ thể biên tập SGK không thể là các Sở GD-ĐT bởi vì họ chính là người chỉ đạo và cho phép các hiệu trưởng phổ thông dùng sách nào nên nếu họ tổ chức biên tập thì các hiệu trưởng sẽ chọn sách nào để giảng dạy.

Các Sở giáo dục chỉ nên giới thiệu những giáo viên có khả năng biên soạn cho các cá nhân, tổ chức biên soạn SGK mà thôi.”

Hà Minh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm