Bí quyết giúp con phát triển tư duy toán từ mẫu giáo
(Dân trí) - Hầu hết các trẻ đã có những hiểu biết đơn giản về toán trước khi đi học do tiếp xúc với cha mẹ, người thân và tự học từ thế giới bên ngoài. Vậy làm cách nào để phát huy khả năng tư duy toán học của trẻ? Tiến sĩ toán học Chu Cẩm Thơ, trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ bí quyết này.
TS Chu Cẩm Thơ cho biết, trong các nghiên cứu của Berch (1998), Bruer (1997), Case (1998), Gersten và Chard (2001), và một số tác giả khác cho thấy, hầu hết trẻ em đã có những hiểu biết đơn giản về toán học do tiếp xúc với cha mẹ, người thân, thế giới bên ngoài từ trước độ tuổi đi học. Đối với chúng, không cần thiết phải có một định nghĩa chính xác “số” là gì, “phép tính” là gì, “hình” là gì. Vì đối với trẻ nhỏ, sự trực quan là công cụ hiệu quả nhất giúp chúng hiểu và biết áp dụng kiến thức vào thực tiễn học tập. Do đó, cần giáo dục toán học sớm cho trẻ thông qua các hoạt động chơi mà học.
Để chia sẻ với phụ huynh về cách phát triển tư duy toán học của trẻ, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ đã đưa ra một số tình huống giáo dục toán học trong gia đình cho trẻ em mẫu giáo giúp cha mẹ có thể chơi cùng con mà không phải tuyệt đối là một hoạt động học toán ép buộc.
Hình thành biểu tượng về sự tương ứng
Trong tình huống này, nhờ các hoạt động có vẻ phi Toán học (tô màu, tìm đường đi, nối hình nhờ các số), trẻ sẽ dần dần có thói quen làm việc nhờ nhận ra quy luật về sự tương ứng. Có thể là tương ứng màu sắc với hoạt động, tương ứng lôgic,…. Qua đó, trẻ được rèn luyện óc quan sát, phân tích, tổng hợp.
Ví dụ 1. Tô màu các bức tranh
Cha mẹ cùng trẻ vẽ con gà, đánh số theo thứ tự bước thực hiện. Trẻ vừa nắm được quy luật vẽ hình, vừa thấy được mối quan hệ giữa số và thực tiễn của vẽ hình (hình 1). Có thể dùng hoạt động này cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Hình 1. Các bước vẽ con gà
Ví dụ 2. Tìm đường đi trong mê cung (cho trẻ từ 4 tuổi trở lên)
Tình huống như sau: “Tèo bị lạc vào khu rừng số. Em hãy giúp Tèo tìm đường quay lại cửa rừng!”. Cha mẹ tạo ra bức tranh (xem bức tranh – hình 2), từ đó có thể tiến hành trò chơi theo mô tả, chẳng hạn: Tèo đứng ở vị trí số 9, các số được đánh theo thứ tự giảm dần từ 9 đến 0 trên đường đi, cửa rừng nằm ở vị trí số 1 như bức tranh sau:
Hình 2. Tìm đường trong mê cung
Ví dụ 3. Vẽ hình nhờ nối các số (Vẽ cô gái (Hình 3), cho trẻ từ 4 tuổi trở lên). Ví dụ này giúp bé làm quen với các số, thấy số gần gũi và thú vị.
Hình 3.
Ví dụ 4. Tô màu theo bảng màu (cho trẻ từ 5 tuổi) ([6]). Có thể thay đổi phép tính bởi các số để bé bắt đầu từ dễ đến khó:
Hình 4. Vẽ con chim cú mèo
Tình huống hình thành biểu tượng về số, về hình.
Dùng hoạt động chơi với que diêm, que tính,… để tạo số, tạo hình. Qua đó vừa rèn luyện kĩ năng xếp hình, sự khéo léo, tư duy hình học, tư duy về số cho trẻ ([5]).
Ví dụ 5. Chơi với que diêm
a) Ghép số theo mẫu:
Hình thành thói quen tìm quy luật
Trong tình huống này, có thể dùng các trò chơi “đếm cách” (tương tự trò 5, 10, 15, 20; có thể thay số khác), vẽ hình theo quy luật để rèn cho trẻ khả năng tìm quy luật.
Ví dụ 6. Điền số tương ứng theo hình:
Cha mẹ có thể tạo ra nhiều quy luật đơn giản trong cuộc sống để chơi cùng trẻ. Chẳng hạn: “Năm nay bố hơn mẹ một tuổi, năm sau bố hơn mẹ mấy tuổi”; “Con hơn em hai tuổi, con 5 tuổi em 3 tuổi, con 6 tuổi thì em mấy tuổi?”.... Để giúp trẻ nhận biết hình học, có thể vừa chơi vừa diễn tả cấu trúc hình cho trẻ.
Chẳng hạn, có thể lấy hộp sữa, hộp đựng đậu cô ve để nói về hình trụ (cho các hộp này lăn trên sàn), quả bóng để nói về hình cầu (lăn mọi phía),…hộp quà để nói về hình lập phương,…
Những lúc vui chơi cùng con, cha mẹ chú ý dùng câu đố (hoặc khuyến khích trẻ đố lại mình) để tạo điều kiện cho trẻ khám phá ra quy luật, đặc điểm của hình, của sự vật hiện tượng. Khi gặp những đồ vật tương tự, trẻ cần được nhắc nhở để có những liên tưởng và luyện tập.
Hồng Hạnh (ghi)