Bí quyết dạy trực tuyến môn Ngữ văn và tiếng Anh hiệu quả
(Dân trí) - Để mang lại hiệu quả trong quá trình dạy online môn Văn, thầy cô cần đầu tư thời gian, công sức thiết kế lại bài giảng trực tuyến.
Ngày 3/10, hội thảo online "Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0" với chủ đề "Kinh nghiệm dạy trực tuyến môn Ngữ văn và tiếng Anh" đã diễn ra với hàng trăm giáo viên tham dự. Hội thảo do Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức.
Tránh lạm dụng công nghệ khi dạy trực tuyến môn Ngữ văn
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết cho biết, đối với môn Ngữ văn, giáo viên không thể đưa nguyên bài giảng đã thiết kế cho việc dạy trực tiếp vào trong dạy học trực tuyến bởi hình thức học này có đặc điểm riêng, khả năng chú ý của học sinh cũng giảm do nhiều yếu tố chi phối và tác động.
Do đó, để mang lại hiệu quả trong quá trình dạy online môn Văn, thầy cô cần đầu tư thời gian, công sức thiết kế lại bài giảng trực tuyến.
"Khi thiết kế bài giảng, thầy cô cần phân loại và xác định các đơn vị kiến thức trong bài giảng thành các phần như: phần kiến thức học sinh tìm hiểu trước ở nhà; phần kiến thức giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu trên lớp; phần kiến thức tương tự những nội dung đã giảng, giáo viên giao cho học sinh về nhà thực hiện như một bài tập ứng dụng. Tất nhiên, những bài ứng dụng đó thầy cô phải chữa và chốt lại ý vào buổi học ngày hôm sau. Việc tạo ra phân khúc thời gian tương ứng với từng đơn vị kiến thức cơ bản sẽ giúp cho giờ học trực tuyến trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả và hữu ích hơn".
Bên cạnh đó, để tạo nên sự hấp dẫn cho bài giảng, giáo viên nên ứng dụng công nghệ để đưa thêm những tài liệu minh họa phù hợp. "Khi giảng bài, tôi thường chọn các hình ảnh, âm nhạc và thậm chí trích đoạn của các bộ phim có liên quan đến tác phẩm đang học để trình chiếu cho các em.
Một hình ảnh thôi, có khi đã làm dậy nên cảm xúc và sự thông hiểu tác phẩm. Ví dụ, khi dạy về tác phẩm "Rừng Xà Nu", tôi rất thích hình ảnh cây mọc nhanh nhất rừng, vươn đến ánh sáng. Dạy về một bài thơ Đường, với hình ảnh tháng ba hoa khói chảy xuống Dương Châu, tôi tìm được một tấm bản đồ dòng Trường Giang cổ.
Tấm bản đồ ấy cho thấy rõ độ dốc của dòng sông, thấy những địa danh trong bài thơ. Nhìn vào đấy, học sinh có thể hình dung không chỉ vượt ra khỏi văn bản để đi đến không gian thơ ấy mà còn ngược được cả thời gian về khi tác phẩm ra đời", cô Tuyết phân tích.
Quan niệm dạy Văn là đưa học sinh đến với nghệ thuật ngôn từ, đến với "Chân - Thiện - Mỹ", theo cô Trịnh Thu Tuyết, thầy cô cần quan tâm đến ngôn ngữ trực quan, tránh lạm dụng ưu thế của hình thái học trực tuyến, trong đó có hiện tượng giáo viên trình chiếu nội dung bài giảng dày kín chữ lên màn hình cho học sinh chép thay vì vừa viết vừa giảng.
Trên thực tế, do một số vấn đề mà nhiều học sinh không chép bài, chụp luôn màn hình, về nhà có khi không xem lại, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp thu tri thức. Do đó, thay vì đưa bảng trình chiếu, cô Tuyết đề xuất việc sử dụng màn hình Word gõ chữ và giảng cho các em; vừa thuận tiện cho thầy cô, đồng thời giúp học sinh hệ thống kiến thức một cách khoa học.
"Với tôi, công nghệ hiện đại chỉ sử dụng làm phương thức giúp cho phương pháp truyền thụ thêm sinh động chứ không nên dựa dẫm, coi đây là phương tiện chính để chuyển tải nội dung bài học. Điều này không chỉ khiến giáo viên, mà còn làm học sinh trở nên lười biếng, trì trệ và ỷ lại" - Tiến sĩ Thu Tuyết nhấn mạnh.
Cũng theo cô Tuyết, trong quá trình tổ chức giờ học Ngữ văn theo hình thức trực tuyến, vấn đề lớn mà ai cũng gặp phải đó chính là khó khăn khi giáo viên tương tác với học trò. Do nhiều yếu tố tác động như đường truyền, trang phục… khiến trẻ nảy sinh tâm lý ngại tương tác, trao đổi.
Xuất phát từ thực tế này, để đem lại hiệu quả cho quá trình học trực tuyến, thầy cô và học sinh cần thống nhất, đặt ra những quy định mang tính nguyên tắc ngay từ buổi học đầu tiên. Ví dụ, khi vào phòng học, thầy cô nên yêu cầu các em phải tắt mic, bật camera. Khi bật chế độ video, giáo viên có thể gợi ý cho học trò thay hình nền bằng những hình ảnh phù hợp; vừa giúp các em thoải mái, vừa có thể hạn chế tối đa những vấn đề nảy sinh trong quá trình học.
Thêm vào đó, để nâng cao tương tác trong giờ học Ngữ văn, thầy cô cần phân loại và xác định từng đơn vị kiến thức có thể tương tác theo hai mảng: tương tác với kiến thức mà các em tự chuẩn bị trước ở nhà; và tương tác với kiến thức phát sinh trong quá trình hướng dẫn học sinh đọc - hiểu.
Cuối cùng, nhà giáo cần kết hợp một cách nhịp nhàng, hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực với việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy để cả cô và trò đều giảm mệt mỏi, cảm thấy thoải mái.
Những phương pháp dạy học tích cực mà Tiến sĩ Thu Tuyết đề cập đến bao gồm: phương pháp hoạt động nhóm; phương pháp giải đáp, tạo tình huống; phương pháp bể cá; phương pháp khăn trải bàn… "Có nhiều phương pháp, hình thức có thể khác nhau nhưng nhìn chung, chúng đều có chung một bản chất. Do đó, trong quá trình dạy và học, giáo viên cần hiểu và áp dụng phương pháp thực sự phù hợp với học sinh", cô Tuyết bày tỏ.
Rèn luyện tinh thần tự giác khi học tiếng Anh trực tuyến
Tại buổi hội thảo, Thạc sĩ Hà Ánh Phượng cũng có những chia sẻ về kinh nghiệm dạy học trực tuyến môn tiếng Anh.
Thừa nhận trong bối cảnh dịch bệnh, công tác triển khai dạy và học trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn, do đó, theo cô Phượng, đội ngũ nhà giáo cần nỗ lực, cố gắng và cống hiến hết mình.
"Theo tôi, để khắc phục những khó khăn chủ quan xảy ra trong quá trình học trực tuyến, trước tiên, giáo viên cần xây dựng nội quy và văn hóa trực tuyến trong lớp học. Nội quy chính là những nội dung mà thầy cô và học trò cùng nhau thảo luận và đưa ra sự thống nhất, ví dụ như: học sinh phải vào lớp đúng giờ, chuẩn bị bài đầy đủ, không sử dụng đồ ăn khi đang học, tuân thủ theo yêu cầu và chỉ dẫn của cô…".
Đặc biệt, giáo viên cần làm chủ các ứng dụng công nghệ cơ bản. Làm chủ ở đây là việc sử dụng một vài ứng dụng, không cần quá nhiều, nhưng cần thực sự thành thạo để có thể áp dụng trong quá trình giảng dạy, làm đa dạng hoạt động học tập hơn cho học sinh.
Để tổ chức một giờ học trực tuyến tiếng Anh hiệu quả, giáo viên thầy cô phải thực sự chú ý đến sự tập trung của học sinh.
"Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động mang yếu tố cá nhân như: ghi tên học sinh trên bảng, quay bánh xe có ghi tên học sinh để gọi các em trả lời… để thu hút sự chú ý của học trò trong buổi học.
Bên cạnh các hoạt động cá nhân, người dạy cũng cần quan tâm đến việc triển khai những hoạt động mang tính hợp tác. Để làm được điều này, có thể sử dụng một số ứng dụng như: padlet, google classroom, whiteboard… Thầy cô cũng có thể sáng tạo, biến các nội dung khô khan như: từ vựng, cấu trúc trong tiếng Anh thành các trò chơi trí tuệ thông qua quizizz, blooket…" - cô Hà Ánh Phượng đề xuất.
Không chỉ dạy học, cô Phượng còn áp dụng nhiều phần mềm để phục vụ quá trình đánh giá, kiểm tra. "Tôi thường sử dụng ứng dụng Quizlet giúp học sinh ôn từ, dùng Flipgrid video để dạy cách phát âm và dùng máy chấm điểm môn đọc thay vì phải tự nghe video các em gửi về và chấm. Máy chấm chính xác và công bằng hơn mình. Trong lớp tôi, có em học sinh chỉ đọc đúng có 7 từ trong đoạn văn ngắn, có máy chấm và sửa cho các em, các em ý thức sửa hơn", cô nói.
Quan niệm "Một giáo viên hạnh phúc là giáo viên có thể xây dựng được tính tự học của học sinh dưới sự giúp đỡ của công nghệ", Thạc sĩ Hà Ánh Phượng chia sẻ, thầy cô nên sử dụng mô hình lớp học đào tạo ngược để rèn luyện tinh thần tự giác cho các em.
Theo đó, thầy cô hoàn toàn có thể gửi video bài học trước cho học sinh để các em nghiên cứu, hôm sau chia sẻ trên lớp, giáo viên là người tổng hợp và đưa ra kết luận cho mỗi bài học. Làm được điều này, học sinh trở nên tự giác, giáo viên cũng cảm thấy thoải mái, bớt áp lực hơn rất nhiều.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các hoạt động mà HOCMAI cam kết đồng hành cùng chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.