Bí quyết cân bằng học tập và ngoại khóa của cựu SV Ngoại thương tiêu biểu
(Dân trí) - Phạm Phong, một cựu sinh viên tiêu biểu trường Ngoại thương chia sẻ chi tiết những trải nghiệm và phương pháp cân bằng giữa học tập và hoạt động ngoại khóa.
Chia sẻ với PV Dân trí, Phạm Phong tâm sự: "Bài viết này dành cho các bạn trẻ không phải là một người "sinh ra đã giỏi". Lấy ví dụ là chính bản thân mình, ban đầu mình không phải là một bạn học khá, cụ thể mình đã có những kỳ học đau đớn đen tối với những điểm số nát bét (GPA 2.7x, một kỳ có đến 2 điểm C và 1 điểm D).
Và điểm số của mình chỉ được cải thiện dần khi mình có được những phương pháp phù hợp và đúng đắn (GPA 4 năm của mình là 3.7/4, không phải là cao so với nhiều bạn khác nhưng ở mức mình hài lòng).
Bài viết cũng dành cho những người đặt mục tiêu cao trong việc cân bằng học tập và ngoại khóa. Dĩ nhiên, không phải ai học tốt, hoạt động ngoại khóa giỏi thì sẽ thành công và hạnh phúc. Mình biết rất nhiều người điểm số không tốt, không ngoại khóa nhiều nhưng vẫn thành công. Hay nhiều người bỏ ngang đại học mà giờ mình còn phải đuổi theo chán.
Còn có những người thành tích một núi, người ngoài ngưỡng mộ nhưng bản thân họ thì lại luôn bất an, lo lắng và thậm chí tự gọi mình là loser (người thua cuộc). Vì vậy mình không bàn luận về việc như nào sẽ được coi là tốt, là hướng đi đúng đắn. Quan trọng là các bạn hiểu bản thân mình cần gì, muốn gì và hạnh phúc với điều đó là được".
Dưới đây là những bí quyết của cựu nam sinh trường Ngoại thương:
Thói quen quan trọng giúp bạn nhanh đến đích
Đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng theo phương pháp SMART
Trước khi bắt tay vào làm một việc gì, các bạn hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ xem mục đích mình làm công việc đó là gì, và kết quả mình mong muốn ra sao.
Mình vẫn hay nói việc này kiểu như mình giải một bài toán, nếu bạn cứ lao đầu vào giải đề mà không biết yêu cầu của đề bài/ kết quả cần giải ra của bài toán là gì thì chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn và không biết kết quả mình làm ra có thực sự đúng hay không, có thực sự là cái mình cần hay không.
Việc này nói nghe tưởng chừng dễ nhưng lại rất khó. Các bạn có thể ngồi tịnh tâm, chọn những thời điểm thích hợp và viết ra những mục tiêu của mình (viết ra đâu cũng được nhưng phải viết, đừng để nó trong đầu). Hãy phân chia càng cụ thể, càng rõ ràng càng tốt và hãy phân chia thành những nhóm mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn; và nhớ đặt mục tiêu trong một khoảng thời gian phù hợp để có thể review lại và cải thiện (có thể đặt là một giai đoạn, một kỳ học hoặc một năm học).
Một phương pháp đặt mục tiêu mà mình hay áp dụng là phương pháp SMART (kể cả hiện tại khi đã đi làm mình vẫn dùng). SMART là viết tắt của 5 tính chất mà một mục tiêu phải có: cụ thể (specific), tính toán được (measurable), có khả năng thực hiện (achievable), phù hợp (relevant), và kiểm soát thời gian (time-bound). Nếu muốn tìm hiểu thêm các bạn có thể search google là ra rất nhiều.
Sau khi đã viết ra, các bạn có thể chia sẻ với bạn bè, dán giấy nhớ ở bàn học để tự nhắc nhở bản thân, hay là cất giữ cho riêng mình thì tùy nhé. Ở trên mình đang để theo thứ tự tạo ra động lực từ nhiều đến ít (việc chia sẻ mục tiêu của mình như là một lời cam kết cũng là một cách tạo động lực cho bản thân).
Lập kế hoạch chi tiết
Khi đã có mục tiêu rồi thì việc quan trọng tiếp theo các bạn nên làm là xây dựng cho mình kế hoạch phù hợp để đạt được mục tiêu đó một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Các bạn cứ hiểu kế hoạch này như là con đường để dẫn bạn đến mục tiêu vậy. Mình sẽ chia sẻ cách lập kế hoạch chi tiết hơn ở từng phần bên dưới.
Phương pháp học tập hiệu quả
Đặt mục tiêu GPA
Ở trên mình đã đề cập đến việc đặt mục tiêu rồi nên ở phần này từ mục tiêu đó chúng ta áp dụng. Hãy tìm hiểu kỹ các mức xếp loại tốt nghiệp, về điểm số, về điểm rèn luyện, và những điều kiện khác. Ví dụ, nếu bạn đặt mục tiêu tốt nghiệp Xuất Sắc: GPA của bạn phải tối thiểu đạt 3.6; Điểm Rèn luyện từ Tốt (80 điểm) trở lên; Không được có nhiều hơn 4 hay 6 tín chỉ điểm F…
Sau đó, bạn tính toán kiểm soát tình trạng bản thân đang ở đâu so với đích mục tiêu để phấn đấu.
Phân loại từng nhóm môn học
Sau khi đã có mục tiêu, hãy tiếp tục làm thao tác phân loại. Trong số những môn học còn lại, tự các bạn hãy đánh giá xem đâu là môn học sẽ tốt cho mình nhiều sau này (cái này tùy vào chuyên ngành của các bạn), đâu là môn mà mình có thể đạt điểm A nếu mình tập trung nguồn lực và phân nó thành 2 (hoặc 3) nhóm.
Ví dụ: Nhóm môn học phải được A; nhóm môn học cần tối thiểu B; nhóm môn học được C cũng chấp nhận (nếu quá tuyệt vọng).
Khi bạn làm đến bước này thì mọi thứ đã rõ ràng hơn khá nhiều, bạn biết mình cần tập trung nguồn lực vào đâu, cần phải cố gắng ở đâu và những chỗ nào mình không nên mất quá nhiều thời gian vào nó (vì dù nó có thấp thật thì vẫn trong tầm kiểm soát và tính toán trước của bạn).
Tính toán chi tiết điểm thành phần của từng môn
Hầu hết các môn đều chia theo tỉ lệ: 10% điểm CC, 30% điểm GK và 60% điểm CK. Cũng làm thao tác tương tự như ở trên, môn nào đặt mục tiêu A thì bạn phải tính toán làm sao để nó đi đúng kiểm soát của mình. Ví dụ có điểm CC và GK rồi thì xem CK mình phải đạt tối thiểu bao nhiêu. Còn mấy môn đã đặt mục tiêu từ đầu là B hoặc C rồi thì các bạn chỉ cần cố gắng đạt điểm tối thiểu (tùy vào thời gian và nguồn lực lúc đó nữa), vì 7.0 là được B rồi nhưng A thì phải là 8.5, một khoảng cách rất lớn đó. Thời gian đó mình có thể làm những việc khác mà mang lại được hiệu quả nhiều hơn.
Hãy hỏi kinh nghiệm của những người đi trước
Kinh nghiệm xương máu của mình là bạn hãy xin kinh nghiệm của những người đi trước. Mình đã từng xem thường việc này và lãnh trọn 1 điểm D và vài điểm C. Mình nghĩ lý do ở đây đơn giản là mỗi thầy cô có những cách dạy khác nhau, và kiến thức các thầy cô muốn truyền đạt đến sinh viên có thể cũng khác nhau dù cùng một môn.
Nếu các bạn cứ tự theo ý mình mà phớt lờ đi những ý mà thầy cô muốn truyền đạt (những kiến thức vận dụng thực tế) mà cắm đầu vào học sách giáo trình thì có thể đó sẽ là một cách học sai.
Hỏi ở đây là hỏi về phạm vi học, những kiến thức nên tập trung, cách làm bài thi,... chứ đề thi thì mỗi năm một khác.
Trong quá trình học
Môn nào muốn được A thì phải học nghiêm túc, không còn cách nào khác đâu. Các bạn có thể ngồi lên những dãy phía trên, trong quá trình học hãy chịu khó phát biểu (nhiều thầy cô có cộng điểm vào điểm CC, GK hoặc thậm chí CK cho những bạn hay phát biểu), ghi nhớ lại những điểm mà thầy cô nhấn mạnh, và có thời gian thì nên ghi chép bài đầy đủ.
Mình biết là để nghiêm túc một môn không phải dễ (đặc biệt là môn nào mình không thích) nhưng mà tất cả sẽ quay về bước bạn đặt mục tiêu môn nào A, môn nào B, môn nào C…
Cách ôn thi hiệu quả
Hãy dành thời gian phù hợp ôn tập trước mỗi kỳ thi, thường là từ 1-3 tuần (tùy vào mức độ khó và độ quan trọng của bài thi). Nhưng đừng nước đến chân mới nhảy (thực ra mình cũng thi thoảng vậy nhưng không thường xuyên, hoặc có những môn mình đã học chắc rồi không cần ôn tập nhiều thì cho phép bản thân làm vậy).
Tiếp theo, hãy đọc kỹ yêu cầu, hướng dẫn của giảng viên và khoanh vùng những nội dung kiến thức cần phải học kỹ. Và đọc lại, lưu lại những điểm quan trọng/hay quên/hay sai bằng highlight để khi xem lại sẽ nhanh và tập trung hơn.
Nếu có đề cương, hãy làm đề cương đó bằng cách viết câu trả lời hoàn chỉnh. Nếu bạn viết ra thì sau gặp lại câu hỏi đó tốc độ làm bài của bạn sẽ tăng lên đáng kể đó. Và cũng nhớ được lâu hơn là chỉ ôn miệng hoặc ôn nhẩm.
Và cuối cùng, nếu có một người bạn cùng tiến hay nhóm bạn gì đó thì hay tổ chức học nhóm. Có cơ hội thì hãy thử giải thích, giảng bài cho một bạn khác và tranh luận cùng nhau. Việc này sẽ giúp bạn có động lực hơn vì không cô đơn và sẽ hiểu được bản chất một cách kỹ lưỡng hơn.
Hoạt động ngoại khóa hiệu quả
Vẫn là chuyên mục đặt mục tiêu, hãy đặt rõ bạn muốn hoạt động tại tổ chức nào, hoạt động nhiều hay ít, có giữ chức vụ chủ chốt nào trong tổ chức đó hay không, và thứ mình đóng góp được cũng như mong muốn nhận lại được từ tổ chức đó là gì.
Khi có bức tranh toàn cảnh rồi thì cứ thế mà làm. Như mình thì mình muốn làm vị trí chủ chốt ở các tổ chức mình sinh hoạt, và tham gia ngoại khóa được càng nhiều càng tốt. Nên có cơ hội và sắp xếp được thời gian là mình tham gia hết.
Quan trọng không kém, hãy tìm cho mình một người mentor (người cố vấn) tốt để chỉ dạy cho mình. Và kiếm cho mình những người bạn đồng hành cùng mình trong tổ chức đó. Khá bất ngờ là hầu hết những người bạn thân của mình cho đến hiện tại lại là những người mà mình quen được thông qua quá trình hoạt động ngoại khóa. Và mình nghĩ là nhiều bạn khác cũng giống như mình.
Là sinh viên chạy "deadline" các hoạt động ngoại khóa thì áp lực thật nhưng sau này ra trường bạn mới thấy nó rất nhỏ bé. Vì thế, hãy coi như đây là một cơ hội tốt để mình được trau dồi bản thân, học hỏi cái mới và giúp bạn tạo được những mối quan hệ tốt đẹp. Đây cũng là cách để rèn luyện khả năng chịu đựng áp lực của bản thân, và sau này đi làm sẽ không bị bỡ ngỡ quá nhiều.
Bản thân mình cũng phát triển và trưởng thành hơn rất nhiều thông qua việc hoạt động ngoại khóa ở FTU. Nên dù ai nói ngả nói nghiêng, mình vẫn rất tự hào về món đặc sản này của trường.
Cách để cân bằng giữa học tập và ngoại khóa
Chìa khóa để cân bằng vẫn là "đặt mục tiêu". Bước này là bước dành cho bạn nào mục tiêu vào cả 2 thứ trên thôi. Đến bước này thì các bạn liên kết nó lại, khi đó các bạn sẽ thấy một hình ảnh của bản thân mà mình đang hướng đến và cố gắng phấn đấu để trở thành.
Thứ hai, hãy biết thứ tự ưu tiên. Mọi nguồn lực đều có hạn, thời gian, sức lực, sự tập trung, sức khỏe, tiền bạc,... của chúng ta cũng vậy. Vậy nên, trong những mục tiêu mình đề ra (trong trường hợp này là học tập và hoạt động ngoại khóa) bạn cần biết đâu là mục tiêu chính mà mình cần ưu tiên hơn.
Không tránh khỏi việc chúng ta đặt mục tiêu chưa chính xác, chưa phù hợp với nguồn lực bản thân. Nên việc này sẽ giúp chúng ta không bị mất phương hướng và không bị nhụt chí khi chúng ta thất bại.
Thứ ba, hãy nghỉ ngơi khi cần thiết. Làm gì thì làm nhưng hãy biết lắng nghe cơ thể khi cần thiết, nhắc lại là chỉ những khi cần thiết. Nếu ngày nào cơ thể cũng muốn nằm dài lướt mạng xã hội facebook, tinder thì không được đâu. Mệt mỏi, stress,... những lúc đó hãy để cơ thể nghỉ ngơi, tìm người để lắng nghe chia sẻ và tìm lại động lực.
Lời khuyên cho các bạn
Hãy đọc sách
Cái này sẽ hơi khó đối với những bạn không có thói quen hoặc sở thích đọc sách. Nhưng nếu có thời gian, hãy thử tìm đọc một vài cuốn sách vì nó sẽ cho bạn những gợi ý để áp dụng vào bản thân. Một vài cuốn sách mà có tác động tích cực đến mình hồi còn là sinh viên: Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, 7 thói quen để thành đạt.
Hãy học ngoại ngữ
Không phải cứ giỏi ngoại ngữ là bạn sẽ thành công, lương cao... Mình có nghe được một so sánh của một thầy giáo và mình thấy rất hay, đó là ngoại ngữ giống như một cái vốn. Việc bạn có giàu hay không còn phụ thuộc vào bạn sử dụng vốn đó như thế nào. Nhưng mà nhiều vốn chắc chắn tốt hơn là ít vốn.
Và thời đại toàn cầu hóa như bây giờ, việc các bạn biết ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) gần như đã là bắt buộc với phần đa các công việc văn phòng. Vậy nên khi còn là sinh viên, khi còn có nhiều thời gian cho việc học, hãy cố gắng học ngoại ngữ. Không cần biết quá nhiều ngoại ngữ, nhưng hãy cố gắng học nó đến cấp độ có thể dùng được.
Hãy trải nghiệm nhiều nhất có thể
Có cơ hội hãy đi thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều, và nếu được hãy tham gia tình nguyện xã hội. Mặc dù bản thân mình chưa giúp được nhiều nhưng các bạn sẽ nhận ra được nhiều điều, và có nhiều trải nghiệm đáng nhớ, mình tin là vậy.
Và đừng ngại giao tiếp, làm quen, kết bạn. Bạn không thể biết rằng liệu cái đứa ngày xưa mình vô tình quen lại là một đối tác, một người bạn đồng hành hoặc có thể là người bạn đời trong tương lai hay không đâu. Có nhiều mối quan hệ (theo hướng tích cực) sẽ giúp chúng ta nhiều thứ sau này khi mà ra ngoài xã hội.
Ba điều luôn cố gắng: cầu tiến, nhiệt tình, trách nhiệm
Các bạn hãy luôn giữ cho mình thái độ cầu tiến, sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm với mỗi công việc mình làm. Đây là 3 thứ mình luôn cố gắng trong thời gian học đại học (mặc dù nhiều lần vẫn làm chưa tốt) và đã có được những đền đáp xứng đáng. Hãy cứ cố gắng và rồi ngày mình hưởng quả ngọt sẽ đến sớm.
Một số thành tích tiêu biểu của Phạm Phong
- Tốt nghiệp Á khoa chuyên ngành Tiếng Nhật Thương Mại K55 ĐH Ngoại thương (FTU).
- Đã từng giữ chức vụ Lớp trưởng; Trưởng Ban, Chủ tịch CLB Tiếng Nhật FTU; Ban chi ủy CBSV 2 FTU.
- Tiếng Nhật JLPT N1; Tiếng Anh TOEIC 915; Chứng chỉ Kế toán tiếng Nhật cấp 3.
- Đạt học bổng khuyến khích học tập FTU 4/8 kỳ.
- Giải nhì Cuộc thi Hùng biện Tiếng Nhật Nasic Cup 2018.
- Đạt Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt cấp thành phố 2019"; "Chiến sĩ tình nguyện 2017"; "Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" năm 2017, 2018, 2019, 2020; "Sinh viên tiêu biểu K55 FTU" của thầy Hiệu trưởng; "Sinh viên có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên" của Đoàn thanh niên FTU.
- Đạt học bổng Chính phủ Nhật Bản 2021 (MEXT) cho chương trình học Thạc sĩ.