Khổ học thành tài:

Bị liệt vẫn trở thành kỹ sư điện tử

(Dân trí) - “Cuộc sống của những người như anh không quá bi luỵ về chuyện mất mát lớn mà cam chịu số phận. Lúc nào anh cũng cố làm sao thoát được vỏ bọc hiện hữu trong cái nhìn của những người xa lạ, cố kịp bước chân theo những người lành lặn…”.

Đó là cảm nhận của tôi khi có dịp tiếp xúc với anh Nguyễn Anh Dũng. 

 

Nỗi đau trên lưng mẹ

 

Mẹ anh sinh ra 4 người con trai. Khi người con thứ hai, sinh năm 1958, bị liệt hai chân  năm 1 tuổi, sau trận sốt dịch thì mẹ anh tin rằng tạo hoá chẳng bao giờ ban tặng cho người đời niềm hạnh phúc trọn vẹn. Bà đặt tên con – Nguyễn Anh Dũng với mong mỏi con của mình sẽ chống chọi được nỗi khiếm khuyết về hình thể.

 

Năm Dũng 8 tuổi, từ ngôi nhà 31 Lý Thường Kiệt, Hà Nội mẹ anh và người nhà thay phiên nhau cõng Dũng đến trường. Vì bé nên Dũng chưa cảm nhận hết nỗi đau của người thân và của cả chính mình khi không thể tung tăng, chạy nhảy như những đứa trẻ khác. Thậm chí đôi lúc anh có cảm giác thích thú khi được bố mẹ hay người khác cõng trên lưng.

 

Cho đến năm học cấp III trường Việt Đức, năm Dũng bắt đầu nghĩ đến cuộc đời, tương lai ở phía trước và anh bắt đầu thấy lo sợ cho chính mình. Anh nói, lần đầu tiên anh cảm nhận rõ ràng nhất sự suy sụp, buồn chán đó là lúc anh biết tin mình không đủ điều kiện sức khoẻ để thi vào đại học. Một chuỗi ngày u ám đã vây bủa anh.

 

Niềm tin chiến thắng

 

Thầy cô thời phổ thông vẫn luôn giữ ấn tượng về cậu học trò  ngồi xe lăn với gương mặt thông minh, luôn thể hiện sự vượt trội trong các cuộc thi đua học tập.

 

Không khóc cho nỗi buồn thân phận, anh đi học nghề điện. Nghề gì cũng tốt, miễn là anh chứng tỏ được năng lực, đảm bảo cuộc sống của mình. Có kiến thức chuyên môn, anh xin vào làm ở Hợp tác xã Hồ Gươm 202 – cơ sở sản xuất của Hội người mù Hà Nội. Với khả năng chuyên môn, thông minh, sáng tạo anh được mọi người tín nhiệm bầu làm kỹ thuật trưởng, phụ trách khâu chuyên sản xuất biến thế điện.

 

Đến năm 1982, Công ty Điện tử Giảng Võ đón nhận anh với mức lương kỹ sư 3. Năm nào anh cũng được khen thưởng về những sáng kiến kỹ thuật, được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua (1984, 1985). Thấy anh có năng lực, cơ quan cử anh đi học. Anh đã thi vào Đại học Bách Khoa, khoa vô tuyến điện với số điểm đáng ngạc nhiên – 24 điểm cho 3 môn toán, lý, hoá. Với người bình thường, sau một thời gian dài mưu sinh, đạt được kết quả như vậy đã là một sự nỗ lực, rất cao, đối với anh Dũng đó còn là sự khẳng định mình, niềm tự hào nữa.

 

Mối tình với cô nàng se hương

 

Trong một lần đến cơ sở làm hương của người bạn, anh thấy một cô gái có duyên đang mê mải se hương. Anh mạnh dạn làm quen và may mắn được cô gái tên Sinh, quê Hưng Yên, đáp trả bằng tấm lòng chân tình.

 

Mến cô  bộ đội phục viên thương người, cảm chàng trai ý chí, nghị lực – họ đã nên vợ nên chồng năm 1991. Vừa học, vừa làm, vừa nuôi vợ nuôi con; nhìn vào ai cũng thấy mừng thậm chí còn “ghen tị” với niềm hạnh phúc của anh chị. Giờ anh đã có hai cậu con trai bụ bẫm, thông minh đang học lớp 9 và lớp 5.

 

Những lúc rảnh anh chạy xe ôm và bán xổ số giúp vợ. Anh làm tất cả mọi việc, thậm chí làm nhiều hơn những người lành lặn khoẻ mạnh khác, miễn là kiếm ra đồng tiền bằng lao động chân chính.

 

Vẫn cái giọng đùa vui, hóm hỉnh – anh làm tôi nhớ đến lời một chị sinh hoạt cùng anh trong Câu lạc bộ Hi Vọng rằng, anh là người hào hoa. Chẳng thế mà chị nhà yêu anh đến nỗi  chỉ lo người phụ nữ khác... "cướp" mất anh.

 

 

Hàn Nguyệt