Bi kịch của các thần đồng Trung Quốc
13 tuổi, Ning Bo vào trường ĐH Khoa học và Kỹ thuật, một trong 10 trường hàng đầu của Trung Quốc. Năm 19 tuổi, Ning Bo trở thành giảng viên ĐH trẻ nhất Trung Quốc. Ở tuổi 38, Ning đột nhiên trở thành... sư thầy.
Hành động của Ning đã châm ngòi cho những cuộc tranh cãi trên khắp đất nước về việc giáo dục những đứa trẻ được gọi là thần đồng.
Cùng với 16 bạn trẻ khác đều dưới 15 tuổi, Ning được chọn vào học khoa đặc biệt do ĐH Khoa học và Kỹ thuật mở ra từ năm 1978 chuyên giảng dạy cho những người có khả năng đặc biệt.
Bà Wang Huidi, giảng viên của khoa đặc biệt, cho biết việc giảng dạy các thiên tài trẻ tuổi này không đơn thuần chỉ là bài giảng trên lớp. Bà Wang kể: “Ngoài việc giám sát học hành, tôi phải quan tâm tới cuộc sống hàng ngày của các em. Thậm chí tôi phải chuẩn bị sữa cho chúng uống trước khi tới lớp”.
Theo bà Wang chính phương pháp giáo dục này đã biến thần đồng thành những “em chã” không thể tự quyết định được mọi chuyện trong cuộc sống của mình.
Cũng như bà Wang, nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối phương pháp giáo dục thiên tài bằng cách tống chúng vào ĐH khi còn quá trẻ. Ông Lin Fenglan, chuyên gia về giới trẻ, giải thích: “Mặc dù rất thông minh, nhưng nhận thức tâm lý của chúng vẫn ở mức độ của một đứa trẻ bình thường. Vì thế, thần đồng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như việc giao tiếp ở trường ĐH của những người lớn tuổi hơn”.
Câu chuyện của Wei Yongkang là một bằng chứng nữa về sự can thiệp không đúng lúc của người lớn đối với thần đồng. Bố mẹ Wei theo cậu tới ĐH Xiangtan (tỉnh Hunan) suốt 4 năm học cho tới khi cậu 14 tuổi. Khi Wei vào Học viện Khoa học Bắc Kinh học ngành y vào năm 2000, bố mẹ để cậu ở một mình trong ký túc xá.
Ba năm sau, Học viện này gửi trả Wei về nhà vì cậu không thể sống được trong môi trường ĐH. Wei tâm sự: “Tôi chỉ biết học, còn mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày đều do mẹ tôi chăm chút”.
Chính sự quan tâm này đã biến Wei thành một kẻ ngây ngô trong cuộc sống và thậm chí cậu không biết phải tự mình mặc áo ấm trong mùa đông.
Tuy nhiên, không phải mọi người vào ĐH từ khi còn rất trẻ đều gặp những vấn đề như Ning và Wei. Zhang Yaqin, bạn học của Ning, hiện là Phó Chủ tịch toàn cầu của hãng Microsoft, tự biết lo cho cuộc sống riêng của mình khi ở trường ĐH nên không gặp khó khăn trong cuộc sống sau này. Zhang cho biết: “Tôi nhiều hơn Ning 4 tuổi, tôi tự làm mọi thứ trong khi vẫn học rất tốt”.
Ông Chen Yi, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học và Kỹ thuật, cho biết có hơn 85% thần đồng ở trường này tiếp tục học lên cao nữa sau khi tốt nghiệp ĐH, 1/3 trở thành tiến sĩ, tỷ lệ cao nhất ở các trường ĐH Trung Quốc. Vai trò của cách giáo dục đặc biệt là không thể phủ nhận, nhưng nhiều người tiếp tục chỉ trích phương pháp đào tạo này.
Mỗi năm ở Trung Quốc có trên 10 trẻ em trở thành sinh viên ĐH. Dư luận xã hội ngay lập tức gán cho những sinh viên trẻ này nhãn hiệu “thần đồng”. Mùa hè vừa qua, việc cậu bé Zhang Xinyang, đến từ tỉnh Panjing, mới 10 tuổi đã thi đậu vào ĐH Kỹ thuật và Giáo dục Tianjin, đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc.
Zhang Xinyang hiện là sinh viên trẻ nhất Trung Quốc. Được hỏi có xem mình là thiên tài không, Zhang Xinyang nói: “Tôi học nhanh bởi vì tôi tập trung hơn người khác. Nếu mọi người cũng tập trung như tôi họ sẽ học tốt hơn.
Tôi không nghĩ có thần đồng trong cuộc sống”. Dù Zhang Xinyang phủ nhận sự tồn tại của thần đồng, nhưng các chuyên gia ở Viện nghiên cứu tâm lý ước tính ở Trung Quốc có khoảng 3 triệu trẻ em có khả năng đặc biệt.
Theo họ cần xây dựng hệ thống giáo dục đặc biệt dành cho những trẻ em này, nhưng cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy, cũng như việc tạo ra môi trường sống thích hợp với lứa tuổi của chúng.
Theo Tiền Phong