Gia Lai:
Bị hiệu trưởng liên tục xúc phạm, cô giáo viết đơn nghỉ việc
(Dân trí) - Bức xúc vì liên tục bị hiệu trưởng xúc phạm, trù dập, cô Trần Thị Huyền - công tác tại Trường Mẫu giáo Đăk Djrăng (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên nhưng không được giải quyết thấu đáo, khiến cô Huyền chán nản và viết đơn xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, lá đơn xin nghỉ của cô Huyền không được Phòng Giáo dục huyện Mang Yang chấp nhận.
Vừa qua, báo Dân trí nhận được đơn phản ánh của cô giáo Trần Thị Huyền - công tác tại Trường Mẫu giáo Đăk Djrăng (huyện Mang Yang, Gia Lai). Cô Huyền cho biết, từ tháng 8/2013 đến nay, cô Phạm Thị Ánh Ngọc về làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đăk Djrăng thì môi trường làm việc của giáo viên trong trường khá căng thẳng, mệt mỏi và có nhiều bất cập trong cách quản lý.
Cô Huyền cho biết, mặc dù là hiệu trưởng một trường mầm non, nơi uốn nắn những mầm non tương lai của đất nước, nhưng trong giao tiếp, cô Ngọc luôn xưng hô “mày - tao” với giáo viên. Đặc biệt, trong các cuộc họp, cô Ngọc luôn thể hiện “quyền lực” của mình để răn đe các giáo viên khi dùng những câu nói như: “Các đồng chí chỉ là những cây khô, tôi muốn bẻ gãy lúc nào thì bẻ” - nói trong họp hội đồng giáo viên đầu năm học (khoảng tháng 9/2014).
Còn trong cuộc họp ngày 3/10/2014, cô Ngọc tiếp tục có những lời xem thường các cô giáo như: “Từ trước tới nay các đồng chí như con ngựa hoang, muốn làm gì thì làm, làm xong không chịu trách nhiệm…”.
Ngay đến việc nhận lương, khi thủ quỹ nhận về thì Hiệu trưởng không cho phát ngay mà phải chờ “lệnh” của Hiệu trưởng và phải đợi đến cuối tháng.
Trong vấn đề tài chính, mặc dù trường công lập, có nhiều học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết phụ huynh là nông dân nhưng trường lại có nhiều khoản thu ngoài quy định như: tiền trả cho cô trông buổi trưa là 195 nghìn đồng/cháu/tháng; tiền phụ phí giấy vệ sinh, nước lau nhà, xà bông và ga là 50 nghìn đồng/cháu/tháng; tiền khuyến học là 30 nghìn đồng/cháu; tiền làm mái che học sinh người Kinh đóng là 340 nghìn đồng/cháu; đồ dùng học tập là 150 nghìn đồng/cháu người Kinh còn, còn các cháu người dân tộc thiểu số là 70 nghìn đồng/cháu…
Theo quy định thì cứ 3 tháng và cuối năm trường phải công khai tài chính, các khoản thu - chi cho toàn bộ cán bộ giáo viên trong trường biết. Tuy nhiên, sau khi thu rất nhiều khoản ngoài quy định, nhưng suốt năm học 2014-2015, Hiệu trưởng không hề công khai tài chính.
Trước những bất cập trên, cô Huyền và một số giáo viên khác đã nhiều lần góp ý với Hiệu trưởng để mong có sự thay đổi tốt hơn. Nhưng các cô giáo lại bị trù dập, chèn ép.
“Tôi thi giáo viên dạy giỏi, tôi viết sáng kiến kinh nghiệm xong gửi lên hiệu trưởng và được duyệt. Khi cô Ngọc và cô Tình dự giờ nói tôi dạy rất được. Nhưng khi xét thì tôi bị rớt, tôi thắc mắc thì cô Ngọc nói tôi không dạy trong chương trình. Trong khi đó tất cả những gì tôi dạy đều nằm trong sáng kiến kinh nghiệm đã nộp lên cho hiệu trưởng duyệt và đồng ý cho tôi dạy. Khi tôi nói vậy thì cô Ngọc quay sang nói “Dạy không được thì rớt, dạy không hay thì rớt”, cô Huyền bức xúc.
Không chỉ cô Huyền tố cáo bị hiệu trưởng trù dập trong nhiều vấn đề, mà một số giáo viên khác cũng có tố cáo tương tự như trên: “Tôi lớn tuổi hơn cô Ngọc mà cô cũng xưng hô mày - tao với tôi, luôn dùng lời nói nặng nề…”, các giáo viên cho biết.
“Tôi là giáo viên, tôi rất yêu nghề giáo, nhưng lại liên tục bị hiệu trưởng xúc phạm, trù dập, ngay đến cả việc giáo viên chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện mỗi khi về trường chính vì tôi dạy ở điểm trường nhưng cũng bị cô Ngọc cấm. Vì vậy, tôi đã nhiều lần phản ánh với Phòng Giáo dục nhưng không được, tôi đành viết đơn xin nghỉ việc vì làm việc trong môi trường rất nặng nề nhưng lại không được phòng chấp nhận”, cô Huyền chia sẽ.
Trao đổi với chúng tôi, cô hiệu trưởng Phạm Thị Ánh Ngọc cho biết năm học 2014-2015 trường có 316 trẻ, 16 giáo viên (trong đó có 9 giáo viên hợp đồng). Những khoản tiền trên thu là để phục vụ cho trẻ. Trước việc tất cả các khoản trên cô Ngọc thu và chi đều không có hóa đơn được cô lý giải là bản thân cô chỉ làm vì dân, nên không nghĩ tới.
Còn việc không công khai tài chính, cô Ngọc cho rằng mình nhiều việc quá nên quên, không nhớ. Về việc xưng hô “mày - tao”, cô Ngọc lý giải chỉ là cách gọi “thân tình” của cô với đồng nghiệp. Việc có ví các cô giáo như “ngựa hoang” hay không thì cô không còn nhớ.
Lý giải việc bị cô Huyền tố cáo, cô Ngọc cho rằng, sau 1 tháng đi kiểm tra, cô Ngọc phát hiện có 5 đối tượng (giáo viên - PV) không có làm gì, không trang trí lớp, không nộp sáng kiến kinh nghiệm nên cô Ngọc có nhắc nhở thì cô Huyền đã lôi kéo 8 cô giáo khác đến nhà thầy Phó Trưởng Phòng Giáo dục để nói. Và cô Ngọc cho rằng việc làm của cô là vì dân, nhưng không ngờ lại có người “để ý” đến cô.
“Chị rất xấu hổ khi có một đội ngũ giáo viên như thế”, cô Ngọc nói.
Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Điệp - Trưởng phòng Giáo dục huyện Mang Yang cho biết, Phòng đã làm việc với cô hiệu trưởng Phạm Thị Ánh Ngọc và cô giáo Trần Thị Huyền. Cô Ngọc có khai với hội đồng sư phạm là bản thân cô nóng tính, phát ngôn không chuẩn.
Còn cô Huyền là người nhiều chuyện, tố cáo cô Ngọc không đúng, nếu cô Huyền muốn nghỉ thì phải tách đơn xin thôi việc và đơn tố cáo ra chứ không được để chung. Còn khoản thu chi tài chính thì Phòng không kiểm tra.
Khi PV chưa trao đổi xong việc hướng giải quyết của Phòng, bất ngờ ông Điệp nổi nóng quát nạt và nói bận họp không làm việc nữa.
Thiên Thư