Thi cử là kết quả của quá trình học tập thế nhưng nhiều thí sinh và cả phụ huynh lại tin vào trò “may, rủi”. Thế nên, trong đợt thi ĐH, nhiều người đặt ra chế độ kiêng khem rất khắt khe vì cho rằng, “có kiêng có lành”.
Hôm qua (4/7), đã bước vào ngày thi đại học chính thức thế nhưng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn xuất hiện phụ huynh, sĩ tử đều cầu may vì họ cho rằng muộn còn hơn không.
Con trai vừa vào phòng thi, bác Nguyễn Đức Cảnh, quê Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) lập tức gọi xe ôm lên Văn Miếu để… sờ đầu rùa hộ con. Bác nói: “Chiều 3/7 bố con tôi đã lên Văn Miếu nhưng đường tắc, đến muộn giờ nên không được vào. Cả tối qua cháu nó cứ trằn trọc vì chưa được sờ đầu rùa nên giờ cháu vào thi tôi tranh thủ đi cầu cho con”.
Sau môn thi đầu tiên, nhiều thí sinh vẫn tranh thủ đi Văn Miếu cầu may.
Ngay sau khi thi môn Toán, thí sinh Bùi Thị Hà, quê Nam Định, thi vào trường ĐH Sư phạm I và mẹ cũng lập tức mua ít lễ lạt vào Văn Miếu cầu may. Cô cho rằng vì chưa đi sờ đầu rùa nên làm Toán không được như ý.
Trong lúc con thi, mẹ Hà đã chuẩn bị sẵn đồ lễ có đủ hoa quả, rượu, tiền vàng… hết hơn 100.000 đồng. Người phụ nữ này vội vàng xua tay như sợ “động chạm”: “Tính tiền nong lúc này không tốt, mình đi cầu muộn nên phải lễ lạt đầy đủ thì lời cầu mới thiêng”.
Việc đi cầu may ở Văn Miếu xem ra còn dễ hiểu vì ít nhất đó cũng đã là trở thành truyền thống trước ngày thi. Thế nhưng, rất nhiều người còn mê tín hơn khi đưa ra chế độ kiêng khem rất hà khắc trong đợt thi thố.
Những ngày thi, nhiều thí sinh còn không động đến những món ăn như trứng, lạc, chuối, đỗ đen... vì nghĩ rằng “ăn vào đen chết”. Còn những món như chè đậu đỏ, xôi đỗ xanh, đậu phụ… lại rất được ưa chuộng.
Nguyễn Văn Hải, quê ở Hà Nam, thi vào trường Bách khoa cho biết, từ hôm lên Hà Nội đến giờ cậu không hề động đến những món ăn như trứng, lạc… “Em khoái nhất là món trứng nhưng từ hôm lên đây thì em kiêng, ra hàng cơm bụi thèm đến mấy cũng không dám gọi. Thì mọi người vẫn nói ăn trứng thì lĩnh điểm không, ăn lạc thì lạc đề nên tránh vẫn hơn”. Hải cho biết, buổi sáng trước khi đi thi, cậu đều ăn xôi đỗ cho “yên tâm”.
Hàng xôi đậu đỏ trước điểm thi trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) đông nghẹt thí sinh.
Nắm bắt được nhu cầu của thí sinh, tại nhiều địa điểm thi, hàng xôi đỗ đỏ cũng nhanh chóng mọc lên. Sáng nay, trước giờ thi môn Hoá, hàng xôi trước cổng trường THPT Quang Trung (Đống Đa) đông nghịt người chen chân vì có món… xôi đỗ đỏ. Chỉ mới hơn 6 giờ, hàng xôi đã hết veo.
Cô bán xôi hồ hởi: “Hôm qua tôi ế cả thúng xôi lạc nên chiều tối phải đi mua mấy cân đỗ đỏ về đồ. Xôi đỗ đỏ rất khó ăn, ngày thường chẳng ai ăn món này nhưng các cháu đi thi vẫn giành nhau”.
Đến những hàng cơm bụi quanh các điểm thi thì sẽ biết thí sinh kiêng khem như thế nào. Hàng cơm của cô Dinh đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), hai món trứng và lạc rang vẫn đầy khay vì không có người ăn. “Có đứa lỡ gọi cơm lạc liền bị bố mẹ mắng xa xả "mày muốn chiều làm lạc đề à con" và bắt gọi đĩa khác. Thậm chí có người cũng ăn kiêng hộ con, lạ thật”, cô Dinh nói.
Sau ngày thi đầu tiên, Hoài, thí sinh ở Hải Phòng thi vào trường ĐH Thương mại cùng mấy người bạn trong xóm trọ rủ nhau đi ăn chè đậu đỏ lấy hên cho môn thi tới. Chưa dừng lại ở đó, cô nữ sinh này cho biết thêm mẹ cô còn chuẩn bị rất tỉ mỉ để con gái tránh đen đủi. “Hôm qua em làm Toán chưa hết, mẹ em nói chắc sáng ra đường gặp phải… đàn bà. Còn sáng nay, mẹ em dặn bước chân ra khỏi nhà thì không được bước chân trái trước, còn gặp đàn bà con gái thì phải tránh nếu không thì sẽ rước xui xẻo vào người”.
Hoài bộc bạch: “Em chẳng tin vào trò may rủi này lắm, nhưng em nghĩ có kiêng thì có lành, ít nhất cũng yên tâm hơn về mặt tinh thần”.
Hoài Nam