“Bệnh thành tích” gây khó khăn cho đổi mới giáo dục phổ thông
Ngày 9/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TW đã tổ chức hội thảo “Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay, thời cơ, thách thức và những vấn đề đặt ra” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia giáo dục.
Hội thảo đã nêu một số vấn đề thảo luận như cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân, những thay đổi thi cử, sách giáo khoa nên duy trì một hay nhiều bộ sách, vai trò của người thầy, giải pháp nào cho “bệnh thành tích”… Ông Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định, trước đây chương trình GDPT trả lời câu hỏi: “Học cái gì?”, thì nay chương trình đã được nâng tầm thành một kế hoạch giáo dục thực sự.
Nhưng theo ông Trần Kiều, điểm kém nhất của chúng ta là phân luồng sau THCS chưa tốt. Ở Trung Quốc, sau THCS họ có tới 17 chương trình, trong khi Việt Nam chỉ có 1 chương trình duy nhất với mô hình trường THPT duy nhất. Ở góc độ đổi mới thi cử và đánh giá, TS. Nguyễn Thị Lan Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phân tích: Với chất lượng hệ thống đánh giá lạc hậu cùng một số hiện tượng tiêu cực trong đánh giá và thi cử nên nhìn chung, dư luận xã hội luôn nghi ngờ với những kết quả mà Bộ công bố hàng năm. Chẳng hạn, năm học 2012 - 2013, đại đa số học sinh tiểu học có học lực giỏi (quận Cầu Giấy, Hà Nội có 93,8% học sinh giỏi); cấp THCS có 93,6% học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên...
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Lan Phương, nguyên nhân sâu xa dẫn đến bệnh thành tích trầm kha ở ngành Giáo dục bắt nguồn từ tâm lí ứng thí, sính bằng cấp. Sau đó là chính sách đề cao thành tích, nhưng không có cơ chế đảm bảo chất lượng, kiểm soát việc thực hiện và không có chế tài khi làm sai chính sách. TS. Nguyễn Thị Lan Phương đề xuất hai giải pháp: Phải xây dựng văn hóa đánh giá ở các cơ sở giáo dục, coi đó là yếu tố quan trọng góp phần khắc phục bệnh thành tích; Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần kiên quyết giữ quan điểm đánh giá thực chất chất lượng giáo dục, đồng thời xây dựng cơ chế, chế tài kiểm soát chất lượng…
Theo Tuấn Dũng
CAND