Gia Lai:

Bể bơi được đầu tư hàng trăm triệu đồng, chưa sử dụng đã bị hư hỏng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nhiều bể bơi ở Gia Lai được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhằm giúp các trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, một số bể bơi hoạt động chưa hiệu quả, có bể bỏ hoang nhiều năm vì hư hỏng.

Nhằm phòng, chống nguy cơ đuối nước ở trẻ em, tỉnh Gia Lai đã xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi cho học sinh ở các trường học trên địa bàn. Các bể bơi được đầu tư với kinh phí 300-700 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, một số bể bơi bị hư hỏng, bỏ hoang nhiều năm.

Gia-lai-be-boi-bo-hoang-hu-hong_Pham-Hoang1-jpeg

Bể bơi tại trường tiểu học Anh Hùng Núp bị hư hỏng nhiều năm (Ảnh: Phạm Hoàng).

Huyện Chư Pưh đã xây dựng 7 bể bơi ở trường học vào các năm 2018 và 2020, với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Các bể bơi thông minh này có diện tích 150-300m² và được trang bị máy lọc nước, máy bơm nước, mái che...

Huyện Chư Pưh còn hỗ trợ thêm 18 triệu đồng/bể bơi để mua dung dịch vệ sinh, thay nước, điện.  

Tuy nhiên, trong 7 bể bơi trên địa bàn huyện, có 3 cái bị hư hỏng, phải chờ kinh phí để sửa chữa, có bể bơi vừa lắp đặt, chưa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, bỏ hoang nhiều năm.

Gia-lai-be-boi-bo-hoang-hu-hong_Pham-Hoang2-jpeg

Bể bơi này vừa xây dựng xong thì bị mưa bão phá hư và bị bỏ hoang hơn 4 năm nay (Ảnh: Phạm Hoàng).

Cụ thể, năm 2018, Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai) xây dựng bể bơi thông minh với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Bể bơi hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động thì bị giông bão phá hỏng phần mái che.

Vì không có kinh phí sửa chữa nên bể bơi này bị bỏ hoang nhiều năm, dẫn đến  hư hỏng phần mái che, nhà vệ sinh, bình lọc… Cỏ dại và dây leo mọc lan khắp khu vực bể bơi.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Anh Hùng Núp, cho biết: "Tôi nhận công tác năm 2021, đã thấy bể bơi bị hư hỏng. Qua nắm thông tin, bể bơi bị bão năm 2019 phá hư phần mái. Nhiều năm qua, nhà trường đã báo cáo để xin kinh phí sửa chữa. Mới đây, huyện đã cấp 270 triệu tiền sửa bể bơi, mái che, hàng rào, nhà vệ sinh và phòng học.

"Để sửa chữa tất cả các hạng mục trên thì kinh phí không đủ. Chính vì vậy, đơn vị thi công đang xin ý kiến sửa lại bể bơi và một số hạng mục cần thiết trước. Tôi kiến nghị, sau khi sửa chữa bể bơi, xem xét bố trí người dạy hoặc chi phí để thực hiện việc dạy bơi cho học sinh ngoài giờ", thầy Thuận cho hay. 

Tương tự, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) được lắp đặt bể bơi vào năm 2018. Tuy nhiên chỉ mới hoạt động một thời gian ngắn, bể bơi ở trường này bị hư hỏng, sau đó, bị bỏ hoang nhiều năm. Hiện tại, bể bơi chỉ còn là nơi tích tụ nước mưa.

Bể bơi tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cũng bị giông bão phá hư phần mái cách đây vài tháng và đang kiến nghị xin kinh phí sửa chữa.

Gia-lai-be-boi-bo-hoang-hu-hong_Pham-Hoang4-jpeg

Huyện Chư Pưh đã cấp kinh phí để sửa chữa lại các bể bơi (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh, cho biết chỉ có một số hồ bơi bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng. Các bể bơi khác đang hoạt động có hiệu quả. Nguyên nhân của các bể bơi hư hỏng là do ảnh hưởng mưa bão; thiếu nguồn kinh phí để duy trì hoạt động.

Ngoài Trường Tiểu học Anh Hùng Núp, huyện đã cấp thêm cho Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân 125 triệu đồng và Trường TH Phan Chu Trinh 45 triệu đồng để sửa chữa hư hỏng ở các bể bơi. Nguyên nhân việc chậm sửa chữa là do dịch Covid và nguồn kinh phí còn khó khăn.

Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ có hướng dẫn cụ thể và giải quyết vướng mắc trong lúc hoạt động tại các bể bơi. Đồng thời, các trường cũng huy động thêm nguồn xã hội hóa để tăng cường công tác giáo dục phòng, chống đuối nước và dạy bơi cho học sinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm