Bàng hoàng khi học trò… xem nhẹ tính mạng

(Dân trí) - Mới đây dư luận không khỏi bàng hoàng khi nghe tin học trò dùng dao lam rạch tay để phản đối cô giáo, rồi một học trò khác vì làm mất tiền quỹ lớp đã tìm đến cái chết.

“Sức đề kháng” của học trò trước những khó khăn trong học tập, cuộc sống dường như đang ngày càng yếu ớt, dễ tổn thương đến mức người lớn… phải bàng hoàng lo lắng. 

Đắng lòng học trò phản ứng bằng… cái chết

Mới đây xảy ra vụ việc em T.Y, học sinh (HS) lớp 11, Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi dùng dao lam rạch cổ tay ngay trong giờ học. Lý do là em Y phản ứng cách dạy của cô giáo dạy Sinh và lo lắng mình làm ảnh hưởng đến bạn bè cùng lớp. 

Mục đích của Y. có thể là không muốn mình làm liên lụy đến các bạn trong lớp (cô giáo từ chối dạy thêm cho lớp vì xích mích với Y.), ở đây có thể do giáo viên (GV) còn thiếu sự khóe léo với học trò thế nhưng phản ứng dùng dao lam rạch tay của Y. vẫn làm nhiều người ngỡ ngàng.

Việc học kiến thức vẫn đang át các kỹ năng tại các trường phổ thông.
Việc học kiến thức vẫn đang "át" các kỹ năng tại các trường phổ thông.

Đau lòng hơn là trường hợp em C.T., HS Trường THCS Trung Lập, huyện Củ Chi, TPHCM tìm đến cái chết vì làm mất tiền quỹ lớp không có trả. Vì làm mất 600 nghìn đồng, em sợ bạn bè cười chê, sợ bố mẹ rầy và không tìm được cách giải quyết khác, em đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Cái chết của em làm gia đình, thầy cô và bạn bè bè bàng hoàng trong nỗi đau tận cùng.

Đây không phải lần đầu chúng ta gặp tình trạng HS giải quyết khó khăn, ức chế trong cuộc sống và học tập bằng cái chết. Trước đó, đã có những sự việc tương tự xảy ra.

Đầu năm 2012, một nữ sinh ở Thái Bình đã nhảy lầu tự tử cũng trong giờ học khi bị cô la rầy và yêu cầu chép phạt. Sau đó không lâu, 3 nữ sinh học lớp 7 ở Đắk Nông cùng uống thuốc độc pha trong nước cam quyên sinh để rồi mọi người đoán già đón non lý do các em chết là làm mất sổ đầu bài.

Không chỉ trong mối quan hệ ở trường lớp, trong cuộc sống các em cũng có thể dễ dàng tìm đến cái chết vì các lý do như mâu thuẫn bạn bè, gặp khó khăn trong tình cảm tuổi mới lớn hay những khúc mắc với bố mẹ, mọi người xung quanh. 

HS yếu kỹ năng ứng phó

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay, ở độ tuổi mới lớn, hưng phấn trong thần kinh rất mạnh, đôi khi lấn át cả quá trình ức chế nên các bạn trẻ dễ mất kiểm soát bản thân và có những hành động khó ngờ. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất với những vấp váp đầu đời và cũng là tuổi "ương ngạnh" nên với người lớn luôn có "dấu cách". 

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất theo ThS Khắc Hiếu là do các em thiếu hụt trầm trọng kỹ năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống, cảm thấy bế tắc vì không có kỹ năng giải quyết vấn đề nên dễ rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng mà không thể tự kéo mình lên. Chỉ một lời phê bình của GV, hay mất mấy trăm nghìn tiền quỹ lớp, thi trượt đại học hay các lý do dường như rất nhỏ nhặt khác cũng đủ để nhiều bạn trẻ kết thúc cuộc sống của mình. 

Học trò tại TPHCM tham gia vào chương trình kỹ năng thực hành xã hội do giáo viên tổ chức. 
Học trò tại TPHCM tham gia vào chương trình kỹ năng thực hành xã hội do giáo viên tổ chức. 

“Những lý do nhỏ nhặt đó, các em hoàn toàn có thể vượt qua được, có thể giải quyết được nếu như được người lớn hướng dẫn. Nhưng không ai chỉ bảo cho các em kỹ năng này cả. Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao HS học rất nhiều bài vở, kiến thức nhưng những kỹ năng cơ bản nhất trong cuộc sống lại không có?”, thầy Hiếu xót xa.

Vị chuyên gia tâm lý này nhấn mạnh, nếu không tự giải quyết được, các em cần biết cách chia sẻ, tìm đến sự trợ giúp của người khác cũng là cách giải quyết để tránh được những vụ tự tử thương tâm. 

Nhiều người cũng bày tỏ, hiện nay không ít học trò được nuôi dưỡng như "gà công nghiệp", không có cơ hội trải nghiệm, cọ xát với thực tế mà toàn được người lớn đứng ra làm và giải quyết hộ từ những việc nhỏ nhất. Điều cần thiết với các em là được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề đó chứ không phải là người khác làm thay để khi gặp sự cố để các em không phải lúng túng hay có suy nghĩ tiêu cực. 

Theo thầy Nguyễn Thành Nhân - chuyên gia của Trung tâm đào tạo Tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương, hiện nay trẻ thiếu kỹ năng thực hành xã hội, được bố mẹ bao bọc nhưng lại thiếu đi sự chia sẻ với chính những người thân bên cạnh mình. Khi gặp những khúc mắc trong cuộc sống, không có kỹ năng giải quyết và cũng không có người để chia sẻ nên các em dễ co cụm, dẫn đến suy nghĩ bi quan. 

Ngoài ra, nhiều trẻ thiếu khả năng chấp nhận sự thất bại và không được học cách vượt qua thất bại đó nên khi gặp vấn đề, các em có phản ứng tiêu cực như một cách để bảo vệ cái tôi của mình. 

Những năm gần đây, ngành giáo dục đang từng bước thực hiện lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các môn học. Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều "lỗ hổng" trong quá trình này như chưa có giáo trình căn bản, đội ngũ GV là "sản phẩm" của ngành giáo dục trước đó nên bản thân họ đôi khi cũng thiếu hụt kỹ năng sống và xử lý tình huống.

Cũng không thể không nhắc đến những tác động khách quan từ bên ngoài xã hội đến HS nên gia đình và nhà trường đều than việc giáo dục đạo đức, kỹ năng cho các em hiện nay là một bài toán cực kỳ khó.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm