Bằng ĐH mất giá - Bài 2: Trường dạy chay, nhà tuyển dụng chạy dài

Vẫn còn nhiều trường đại học chăm chăm vào các ngành ít tốn tiền, dễ sinh lợi, bất chấp bằng mất giá, sinh viên ra trường thất nghiệp.

Mổ xẻ nguyên nhân gia tăng sinh viên (SV) ra trường thất nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo đại học (ĐH) và việc làm đều cho rằng phần lớn là do chương trình đào tạo nặng lý thuyết, ít thực hành, xa rời ứng dụng; kế hoạch chỉ tiêu đào tạo của các trường không gắn với nhu cầu thị trường lao động. Phát biểu tại Diễn đàn các bên liên quan trong giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức cuối tháng 12-2014 tại Hà Nội, TS Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, đặt thẳng vấn đề: Nguyên nhân chính là do nhu cầu bằng cấp ĐH đã bão hòa, bằng ĐH đã gần mất hết giá trị.

“Chỉ cần một micro là dạy ầm ầm”

Phân tích giá trị bằng ĐH giảm thấp trong mắt nhà tuyển dụng, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng do chương trình đào tạo ở nhiều trường ĐH còn nặng lý thuyết, việc ứng dụng vào công việc thực tiễn không cao. “Nhiều trường có ngành nghề đào tạo truyền thống lẫn những trường mới mở đều chăm chăm vào những ngành ít tốn tiền, dễ sinh lời và ít đầu tư thiết bị thực hành. Những ngành nghề này chỉ cần một ông thầy với một cái micro là dạy ầm ầm” - TS Dũng bày tỏ.

TS Phạm Thị Ly cũng cho rằng hiện nay đại bộ phận hoạt động đào tạo của các trường ĐH đều theo lối truyền thống, không có sự phân biệt rõ ràng về sứ mệnh và thiếu gắn kết với việc làm; nhấn mạnh lý thuyết hàn lâm mà ít tạo cơ hội cho SV trải nghiệm. “Chừng nào lối dạy chay, chủ yếu đáp ứng nhu cầu bằng cấp của người học vẫn có đất sống thì chừng đó các trường chưa có động lực thay đổi” - TS Ly sốt ruột.

Đồng tình với các phân tích trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, phân tích thêm hiện các nhà tuyển dụng đòi hỏi ngày càng cao các kỹ năng mềm nhưng đây là điều mà nhà trường và cả SV chưa quan tâm đầy đủ. “Các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc độc lập, sự sáng tạo… được nhà tuyển dụng đánh giá cần thiết hơn cả bằng cấp. Tuy nhiên, vấn đề này ở các trường triển khai còn mang tính… sơ khai. Nên đây là điều còn nhiều lo ngại, là điều các doanh nghiệp than phiền nhiều nhất” - ông Tuấn cho biết.

Chỉ học lý thuyết, ít thực hành là một nguyên nhân khiến bằng ĐH mất giá.
Chỉ học lý thuyết, ít thực hành là một nguyên nhân khiến bằng ĐH mất giá. Trong ảnh: SV Trường CĐ nghề TP.HCM trong giờ học thực hành. (Ảnh: P. Điền)

Nhắm mắt đào tạo

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến SV ra trường thất nghiệp nhiều, theo TS Dũng là do kế hoạch chỉ tiêu đào tạo của các trường hằng năm không gắn kết với nhu cầu thị trường lao động. “Việc cấp chỉ tiêu đào tạo không bám sát thị trường lao động khiến nguồn nhân lực thừa. Chẳng hạn thời gian vừa qua nguồn nhân lực thừa đã diễn ra ở những nhóm ngành kinh tế, tài chính, sư phạm khiến Bộ GD&ĐT phải tuýt còi” - TS Dũng bức xúc.

Trước tình trạng nơi đào tạo thì vẫn cứ nhắm mắt đào tạo trong khi đầu ra và nhu cầu thị trường lại bão hòa, thậm chí dư thừa, gây lãng phí. “Lẽ ra phải có một cơ quan, tổ chức đứng ra điều tiết, dự báo thị trường lao động cần gì, cần bao nhiêu, trình độ như thế nào, kỹ năng gì… Từ đó sẽ đưa ra các chỉ tiêu đào tạo tương ứng mới không làm rối loạn đào tạo. Thế nhưng vấn đề này nhiều năm nay nêu ra rồi để đó để năm sau lặp lại như cũ” - TS Dũng phân trần.

Cũng đề cập cung-cầu thị trường lao động, ông Tuấn nhìn nhận cơ cấu đào tạo ngành nghề của các trường ĐH và thị trường lao động luôn có sự vênh nhau. Cụ thể cơ cấu ngành kỹ thuật chiếm khoảng 35% trên nhu cầu thị trường việc làm, tuy nhiên trong nhiều năm gần đây các trường ĐH lại tập trung đào tạo khối ngành kinh tế, tài chính dẫn đến sự dư thừa. “Chưa kể có sự ngộ nhận học ngành kinh tế có thu nhập cao hơn các ngành khác nên nhiều người đổ xô đi học. Thực tế các ngành kinh tế cần nhiều kỹ năng đặc biệt chứ không dựa hẳn vào tấm bằng” - ông Tuấn nhấn mạnh.

“Xuống dốc không thắng”

Đào tạo xa rời thực tế khiến người tốt nghiệp ĐH thất nghiệp; đào tạo không cần biết đến nhu cầu dẫn đến dư thừa nhân lực ĐH. Thực trạng trên khiến xã hội báo động: Bằng ĐH đang mất dần giá trị. Dẫn chứng cho lập luận này, TS Ly nêu thực trạng “xuống dốc không thắng” của bằng cấp hệ tại chức. Nhiều địa phương đã “nói không” với bằng ĐH hệ tại chức. “Tình hình cử nhân thất nghiệp, lạm phát bằng cấp, năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực, số người vào ĐH bắt đầu giảm từ ba năm qua cùng lúc với số lượng du học tự túc tăng nhanh là những hiện tượng cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH đã giảm sút rất nhiều” - TS Ly phân tích.

Ở góc nhìn của một chuyên gia về việc làm, ông Tuấn cho rằng nếu tính người có bằng ĐH trên tổng số dân thì tỉ lệ người có bằng ĐH tại nước ta vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp giải thể, thu hẹp sản xuất nhiều khiến nhu cầu tuyển dụng chậm lại trong khi tốc độ đào tạo ngày càng tăng. Từ đó ông Tuấn thừa nhận có tình trạng thừa nhân lực trình độ ĐH theo kiểu cục bộ.

“Những người tốt nghiệp ĐH đều dồn về các thành phố lớn. Tại TP.HCM trong vòng ba năm qua, mỗi năm SV ĐH, CĐ tốt nghiệp ra trường khoảng 70.000 người. Trong khi nhu cầu tuyển dụng trình độ ĐH, CĐ chiếm khoảng 25% trong tổng nguồn cầu 270.000 chỉ tiêu lao động/năm” - ông Tuấn dẫn chứng.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài số SV chính quy ra trường mỗi năm còn có SV hệ liên thông, liên kết, tại chức và SV các tỉnh, thành tốt nghiệp đổ về khiến áp lực việc làm tại các đô thị lớn cạnh tranh gay gắt. Nguồn cung trình độ ĐH bị dư là không thể tránh khỏi.

 

Quan hệ trường ĐH - xã hội lỏng lẻo

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng trên thực tế chưa bao giờ có sự gắn kết thực sự giữa kế hoạch phát triển giáo dục ĐH với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Sự bùng nổ các cơ sở ĐH trong tám năm qua chỉ xuất phát từ một xu thế chung nhất là đại chúng hóa giáo dục ĐH mà không tính đến khả năng và nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Mặt khác, đào tạo ở các trường ĐH vẫn quanh quẩn ở việc cung cấp cho người học cái mà nhà trường có chứ không phải cái mà nền kinh tế và SV cần.

Trong quý III-2014 có khoảng 174.000 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “đói” lao động. Đó là một sự thật đáng buồn. Thất nghiệp khi đã có bằng ĐH theo tôi có hai nguyên nhân chính. Một là học lý thuyết suông mà không thạo bất kỳ một nghề nghiệp gì cả. Hai là SV quan niệm phải vào biên chế nhà nước (dù phải “bôi trơn” tới hàng trăm triệu đồng) mới “yên tâm công tác”. Đó là suy nghĩ rất lệch lạc trong nền kinh tế thị trường.

GS-NGND Nguyễn Lân Dũng

 

Theo Huy Hà - Phong Điền

Pháp luật TPHCM

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm