TS Hoàng Xuân Sính:

Bán trường là... tất yếu!

Trước mùa tuyển sinh 2014, rộ lên thông tin nhiều trường ĐH ngoài công lập đã phải sang tên đổi chủ. Lý giải về điều này, những người trong cuộc nói gì?.

Trước mùa tuyển sinh 2014, rộ lên thông tin nhiều trường ĐH ngoài công lập (NCL) đã phải sang tên đổi chủ. Lý giải về điều này, những người trong cuộc nói gì?.

 

TS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long nói: Điều này không mới vì tôi đã dự báo từ lâu, sau chuyến vi hành tới các trường NCL ở khu vực phía Bắc.

 

Theo bà, vì sao nhiều trường NCL lại có kết cục như vậy?

 

Vì không tuyển sinh được! Trường Đông Á (Bắc Ninh) chẳng hạn, ai dám gửi con đến học giữa đồng không mông quạnh; Trường Lương Thế Vinh (Nam Định), dù có đủ trường đẹp, thư viện, ký túc xá nhà xưởng đầy đủ, học phí rẻ nhưng ai sẽ đến học khi bên cạnh nó có tới 3 trường ĐH công lập (CL)…

 

Xem ra, như bà nói bán trường đổi chủ là tất yếu?

 

Tất yếu, hàng tháng phải bỏ tiền túi ra trả giáo viên ai chịu được? Việc sang tên đổi chủ trường học ở VN hay quốc tế đều thế- hết tiền thì phải đổi chủ. Tôi đã từng ngồi hội đồng quản trị 2 trường ĐH ở Pháp. Lấy một trường làm ví dụ, khi kinh tế thế giới khủng hoảng, từ 800 sinh viên, trường này tụt xuống còn 200 và phải đem bán đấu giá. Chủ mới có tiền, mua lại. Nói thật, cái anh tư bản, cái gì kéo dài là nó không chấp nhận!

 

Vậy vì sao, trong hoàn cảnh đó, ở VN, có những trường NCL vẫn đứng vững được, lấy ĐH Thăng Long của bà làm ví dụ.

 

Tôi đứng được vì có ba điều sau đây: Một là, tôi có tiền (do người bạn tốt của tôi tung vào cứu nguy lúc chúng tôi ngắc ngoải); hai là, chúng tôi vượt qua được một yếu tố cơ bản vẫn bóp chết các trường NCL trong khó khăn- nội bộ đánh nhau. Mấy ông hiệu phó lúc nào cũng bảo tôi: Chị nên nhớ chị là lãnh đạo phải nhịn nhục; thế là, từ trên đến dưới người ta nổi sung, tôi đều chỉ “vâng” hoặc im lặng; điều thứ ba, mình phải vươn lên, khẳng định chất lượng với người học.

 
Xem điểm thi tại trường ĐH dân lập Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: Như Ý)
Xem điểm thi tại trường ĐH dân lập Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: Như Ý)

 

Giải thể một trường ĐH không thể giống một doanh nghiệp

 

Các trường có tiền vẫn sụp đổ, ông nghĩ sao về điều này, thưa ông Vũ Văn Hóa (Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ  Hà Nội)?

 

Điều này xảy ra lâu rồi, và không mới; lấy ví dụ, một trường ĐH ở Phú Thọ đã được “bán” đi “bán” lại mấy lần. Ở các nước thì gọi đó là chuyển quyền sở hữu từ trường này sang trường khác, có thể do năng lực quản lý của người tiền nhiệm; đặc biệt, do năng lực tài chính. Điều đáng nói là, ở VN, khi xét duyệt điều kiện thành lập trường thì chúng ta hầu như chỉ xét năng lực tài chính trong khi điều đó không quan trọng bằng năng lực quản lý một trường ĐH; ví dụ, phải có một đội ngũ nhà giáo có kinh nghiệm, đội ngũ giảng viên chuẩn…; trong khi, nếu cần năng lực tài chính thì chỉ cần có một chủ doanh nghiệp có tiền là được. Việc chuyển nhượng là bình thường tuy nhiên không nên xảy ra quá nhiều, vì một trường ĐH mà cứ “bán” đi “bán” lại như một hàng hóa thông thường thì sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn con người.

 

Hiện chúng ta có 450 trường ĐH, CĐ; nếu tính theo địa giới hành chính thì có tới 6-7 trường trong 1 tỉnh thì làm sao có người đi học?

Một trường ĐH mà cứ “bán” đi “bán” lại như một hàng hóa thông thường thì sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn con người. - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Vũ Văn Hóa

 

Giải thể là tất yếu, nhưng những con người là “nạn nhân” của sự tất yếu đó nên được đối xử thế nào?

 

Bộ GD&ĐT cần có giải pháp, vì giải thể một trường học, không giống giải thể một doanh nghiệp mà là một việc quá lớn, liên quan đến nhiều người. Bộ phải can thiệp để bảo lãnh cho sinh viên, gửi họ sang trường khác học để có thể hoàn thành khóa học. Hơn ai hết “sản phẩm” đặc biệt này là con người và đồng thời cũng là nguồn nhân lực quan trọng.

 

Theo Hồ Thu

Tiền Phong