Bàn cách nâng cao năng lực sư phạm của giảng viên
(Dân trí) - Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên”, nhiều nhà giáo cho rằng, năng lực sư phạm của nhiều giảng viên hiện nay còn nhiều hạn chế, cần khắc phục sớm trước khi sách giáo khoa mới ra đời.
Sáng nay 6/12 tại Trường Đại học Đồng Tháp diễn ra hội thảo “Nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên”. Hội thảo thu hút nhiều trường ĐH đào tạo ngành Sư phạm trên cả nước tham gia như trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH An Giang... Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia của Nhà giáo Nhân dân, PSG. TS Đặng Quang Việt; TS. Nguyễn Hải Thập - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí cơ sở giáo dục; NGƯT, PGS. TS Phạm Hồng Quang và hơn 100 thầy cô giáo đang công tác tại các trường ĐH.
BTC cho biết, hội thảo sẽ kéo dài trong 2 ngày, từ 5 - 6/12. Theo đó, hội thảo sẽ “mổ xẻ” về thực trạng năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo giáo viên qua các bài tham luận, như: Khái quát chung về nghiệp vụ sư phạm của giảng viên và một số ý kiến trao đổi của TS Nguyễn Thị Hoa - Cục Nhà giáo và CBQLCSGD; Nâng cao năng lực sư phạm để đổi mới phương pháp giảng dạy của ông Đỗ Mạnh Cường - Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Kỹ thuật TPHCM; Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên qua tổ chức hội thi nghiệp vụ sư phạm của TS. Đỗ Hồng Đức - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Bắc; Một số giải pháp phát huy năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực vận dụng phương pháp dạy học cho giảng viên của Thạc sĩ Huỳnh Cát Dung - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM... Ở cương vị chủ nhà, Trường ĐH Đồng Tháp chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức hội thi “Giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm” năm học 2014 -2015.
Tại buổi hội thảo, nhiều nhà giáo thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên còn nhiều hạn chế là do chương trình đào tạo của ngành giáo dục lâu nay theo “phương châm” đào tạo một lần sử dụng suốt đời hay tinh thần tự bồi dưỡng, rèn luyện của giảng viên còn thấp; và do nhiều lí do người giảng viên đã trở thành "ông thợ dạy học"; Hoặc chính đồng lương còn quá thấp, buộc các thầy cô giáo phải làm thêm… không có thời gian, tâm huyết đầu tư vào bài giảng... Đây chính là những nguyên nhân làm năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên ngày một đi xuống.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều nhà giáo đưa ra các giải pháp cụ thể như: Cách tuyển giảng viên phải cho cán bộ được tuyển đến thực tập ở trường mầm non, trường THPT 2 năm sau đó mới trở về trường học tiếp cao học… Hoặc phương pháp lấy “giảng viên già, kèm giảng viên trẻ” mà trường ĐH Sư phạm TPHCM đã xây dựng và áp dụng lâu nay; Cải thiện đồng lương và tạo điều kiện thuận lợi giảng viên nghiên cứu, tự trao đổi bản thân; xây dựng hội thi “Giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm”… Đặc biệt là xây dựng được quy chuẩn như thế nào là một giảng viên; cấp bậc giảng viên công khai rõ ràng...
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến Ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |