Bàn cách đưa kiến thức Toán ở bậc ĐH, CĐ vào ứng dụng thực tiễn

(Dân trí) - Ngày 14/4, tại ĐH Phú Yên, Viện Toán học phối hợp với Hội Toán học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Giảng dạy Toán học trong trường ĐH, CĐ. Vấn đề được tập trung thảo luận là thời gian giảng dạy và cách đưa kiến thức toán áp dụng vào thực tiễn.

Hội thảo lần này thu hút hơn 80 đại diện của các học viện, đại học, cao đẳng trên cả nước. Đây là cơ hội để các nhà khoa học cũng như các đại diện các trường đại học, cao đẳng cùng nhau thảo luận nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn về thực trạng của việc giảng dạy toán trên giảng đường hiện nay.


Hội thảo khoa học “Giảng dạy Toán học trong trường Đại học, Cao đẳng” được tổ chức tại trường ĐH Phú Yên ngày 14/4.

Hội thảo khoa học “Giảng dạy Toán học trong trường Đại học, Cao đẳng” được tổ chức tại trường ĐH Phú Yên ngày 14/4.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là vấn đề cắt giảm số giờ học của môn toán tại các trường đại học, cao đẳng.

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phùng Hồ Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam nói: “Hiện nay trào lưu, khuynh hướng chung của các trường ĐH, CĐ là cắt số giờ giảng dạy của môn toán. Chính khuynh hướng này đã dẫn đến việc dạy và học môn toán khá nặng nề. Còn đối với nhiều trường mà không đào tạo cử nhân thạc sĩ về toán, thì toán chỉ xem là môn bổ trợ thôi, môn phụ thôi. Đây là vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm, và sẽ cùng nhau bàn luận tìm hướng giải quyết…”.

Theo các mô hình dạy và học ở một số trường đại học uy tín trên thế giới thì họ rất chú trọng đến việc giảng dạy môn toán, số giờ để dạy môn toán là khá nhiều. Nhưng cách dạy của các trường này thì không đi quá sâu vào chuyên ngành mà luôn mang tính ứng dụng nhiều hơn.


Một giờ học toán tại ĐH Xây dựng Miền Trung.

Một giờ học toán tại ĐH Xây dựng Miền Trung.

Về vấn đề này, ông Hải nói thêm: “Muốn môn Toán đi vào ứng dụng thực tiễn thì công tác giảng dạy của các thầy cô giáo nên tìm cách hội nhập hơn, chẳng hạn như học tập cách giảng dạy ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, để cho sinh viên của mình tự đem kiến thức toán áp dụng vào thực tiễn. Từ đó mỗi sinh viên thấy được việc học toán không chỉ đem lợi ích cho riêng ngành toán mà còn phục vụ cho các ngành khác nữa”.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Mậu, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Đào tạo đại học gắn với những đơn đặt hàng theo từng mục tiêu một. Vì vậy không thể đánh đồng việc giảng dạy giống nhau được. Ví dụ như: đối với Toán ở các trường chuyên thì phải học đến mức trở thành những nhà khoa học chuyên nghiên cứu. Nhưng ở các trường dạy Toán cho ứng dụng thì phải có tính chất thực hành sao cho có ích cho vận hành công việc sau này. Từ đó chúng ta thấy rằng, Toán học cho mỗi trường, mỗi ngành nghề có tiêu chí, mục tiêu khác nhau. Và mình phải căn cứ vào đó để có cách giảng dạy.

Nhấn mạnh vai trò của Toán trong các trường ở khối kỹ thuật, Tiến sĩ Bành Đức Dũng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM kiến nghị: Theo ý kiến cá nhân tôi thì không thể cắt giảm các môn học toán, đối với đại học kỹ thuật thì càng không. Giả sử như sinh viên kỹ thuật không có nền tảng về toán tốt thì rất khó để học các môn chuyên ngành khác. Như hiện tại trường chúng tôi, thì mỗi sinh viên phải học ít nhất là 12 tín chỉ toán.

Việc học toán đối với nhiều sinh viên là khó tiếp thu vì vậy để môn học này đến gần với sinh viên hơn thì chúng ta cần cụ thể hóa ứng dụng toán áp dụng vào thực tiễn. Để Toán học mang những giá trị chung khi ứng dụng vào từng lĩnh vực như kỹ thuật, y học, sinh học…

Trung Thi