Ba người thầy giúp thay đổi cuộc đời Phó giáo sư người Việt tại Mỹ
(Dân trí) - PGS Hồ Đắc Nguyên Ngã đang giảng dạy tại ĐH San Francisco State, Mỹ, kể câu chuyện về những người thầy đã để lại dấu ấn, góp phần làm nên con người anh ngày hôm nay.
Anh Hồ Đắc Nguyên Ngã là cựu sinh viên ngành Xây Dựng tại Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, tốt nghiệp MBA tại Viện Công Nghệ Châu Á, Thái Lan và Tiến sĩ ngành Marketing tại ĐH Utah, Mỹ.
Người thầy vô danh
Nói về những người thầy trong cuộc đời mình, anh Hồ Đắc Nguyên Ngã nhắc đến một "người thầy vô danh". Hay nói đúng hơn, anh không biết thầy giáo (hay cô giáo) ấy là ai. Nhưng thầy đã "một lần lướt qua" đời anh.
Trong suốt thời gian học cấp 2, anh Ngã cho rằng văn chương của mình rất tệ vì các bài tập làm văn của anh luôn chỉ được trên dưới 5 điểm.
Sau này, anh thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Khi đó, ban A có 4 môn thi là Toán (hệ số 3), Vật Lý (hệ số 2), Ngữ văn và tiếng Anh (hệ số 1). Kết quả, anh Ngã đậu cấp 3 nhờ vào môn Ngữ văn. Còn ở bài thi Toán, anh Ngã chỉ hiểu được đúng 1 trong 5 câu, kết quả là môn Toán đạt 2,25 điểm. Môn Lý và Tiếng Anh, điểm của anh cũng không cao. Riêng môn Ngữ văn, anh Ngã được 8,5 điểm, số điểm giúp anh đỗ vào ban A.
Điểm 8,5 Ngữ văn đó làm anh thay đổi hoàn toàn nhận thức về khả năng văn chương của mình. Anh biết rằng, văn của mình không đến nỗi tệ.
Tuy nhiên, khi lên cấp 3, điểm Ngữ văn của anh Ngã vẫn quanh quẩn bên con số 5. Anh nhớ có lần làm bài luận về tác phẩm thơ Thu Điếu của Nguyễn Khuyến. Anh cho rằng, Nguyễn Khuyến sử dụng bài thơ này để nói về cục diện đất nước ở thời kỳ đó. Anh nhận được điểm 5 từ cô giáo với lời phê "Nguyễn Khuyến không có ý như vậy". Anh không hiểu sao cô lại biết ông Nguyễn Khuyến không có ý như thế.
Đến khi lên đại học, anh mới biết rằng trước đó mình thường bị điểm kém Ngữ văn vì đã không làm giống văn mẫu.
Anh Ngã cho rằng, người thầy mà anh không biết tên, đã cho anh 8,5 điểm Ngữ văn trong kỳ thi cấp 3 năm ấy là người duy nhất chấm văn của anh không theo văn mẫu. Điểm 8.5 môn Ngữ văn duy nhất trong cuộc đời học sinh đã cho anh niềm tin rằng, văn của mình không tệ và anh tự tin để viết rất nhiều thứ khác nhau từ bài báo khoa học cho đến các chia sẻ trên website cá nhân.
Và trong cuộc đời mình, anh vẫn luôn từ chối viết, nói, làm và suy nghĩ theo khuôn mẫu.
Người thầy "đuổi" anh khỏi trường
Lần đầu tiên, anh Ngã ra khỏi Việt Nam là qua Viện Công nghệ Châu Á (Asian Institute of Technology - AIT) tại Thái Lan để học MBA theo chương trình học bổng Swiss-AIT-Vietnam. Giáo sư trong trường đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, có một thầy đến từ Việt Nam là thầy Đỗ Bá Khang, người hướng dẫn anh làm luận văn tốt nghiệp.
"Nhưng chuyện mà tôi nhớ nhất về thầy là chuyện thầy đuổi tôi ra khỏi AIT. Đó cũng là tác động lớn nhất của thầy lên con đường tôi đi", anh nói.
Trước khi tốt nghiệp, anh Ngã được một thầy khác đề nghị ở lại AIT làm tiếp nghiên cứu sinh tiến sĩ. Lúc đó anh vui lắm, vì có học bổng để tiếp tục học lên cao hơn. Trong buổi tiệc mừng tốt nghiệp trong trường, anh Ngã kể chuyện này với thầy Khang.
"Thầy xua tay rồi bảo, cậu học ở đây như vậy là đủ rồi. Cậu có ở lại thêm vài năm nữa cũng không học được gì mới đâu. Cậu nên qua Mỹ học tiếp đi. Đó mới là nơi phù hợp với cậu", anh nhớ lại.
Nước Mỹ lúc đó không có trong tầm nhìn của anh Ngã. "Nó là một cái gì đó xa xôi lắm", anh nói. Khi ấy anh mới biết sử dụng tiếng Anh được không lâu, qua AIT học MBA đã là "xa lắm rồi". Nhưng những lời thầy nói đã làm anh suy nghĩ.
Từ đó, anh Ngã thay đổi tầm nhìn của mình, để rồi, thay đổi luôn con đường đi. Theo anh, nhiều khi con đường chúng ta đi, chuyển sang một hướng rất khác chỉ vì một lời nói.
"Việc tôi lập nghiệp ở Mỹ, khởi đầu là từ câu nói đó của thầy. Sau này đi dạy, tôi cũng rất cố gắng đẩy các sinh viên của mình ra khỏi vùng an toàn", anh chia sẻ.
Người thầy không chức danh
Anh Ngã cho biết, bố là người dạy anh nhiều điều nhất trong cuộc đời. Trong những điều học được từ bố, có lẽ quan trọng nhất là tinh thần luôn vượt qua mọi khó khăn, không bao giờ lùi bước.
Hồi nhỏ, mỗi lần anh thất bại chuyện gì, bố anh luôn nói "ví thử đường đời bằng phẳng mãi, anh hùng hào kiệt có hơn ai". Nghe xong, anh lại bắt đầu những thử thách mới, với niềm tin và sự động viên từ bố.
Không chỉ dạy bằng lời nói, cuộc đời bố là một minh chứng sống. Cũng như nhiều người trưởng thành trong buổi giao thời, bố anh trải qua nhiều mất mát, nhưng luôn vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
"Mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi lại nhớ đến câu nói của bố mà tiếp tục tiến về phía trước", anh cho rằng bố cũng là một người thầy lớn không chức danh trong cuộc đời mình.