Công tác xã hội trong việc hỗ trợ những phận đời lầm lỗi
(Dân trí) - Thầy trong sắc phục công an, mang hàm Thiếu tá. Trò đủ mọi lứa tuổi, điểm chung của họ là mù chữ và đang phải trả giá cho những lỗi lầm của mình.
12 năm "đưa đò" trong trại giam
Thượng tá Đào Anh Sơn, Phó Giám thị Trại giam số 3 - Bộ Công an (đóng trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết, lớp học văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân được đơn vị triển khai thực hiện từ năm 2010. Thực tế nhiều người trước khi vào đây có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số không biết chữ hoặc tái mù chữ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức pháp luật, dẫn tới phạm tội.
Lớp học xóa mù không chỉ dạy chữ mà còn góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội quy định trại giam và điều đặc biệt là qua đó, giúp các phạm nhân nhận thức được lỗi lầm của mình, cảm hóa và nuôi dưỡng lòng hướng thiện, để từ đó thêm quyết tâm và động lực để cải tạo, sớm trở về hòa nhập với xã hội.
Thiếu tá Nguyễn Bá Đường - cán bộ Đội giáo dục hồ sơ, người đã có thâm niên 12 năm trực tiếp đứng lớp ở lớp học đặc biệt này. Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, anh được tuyển dụng vào ngành công an. Nhưng như cái duyên với nghề giáo, anh tiếp tục gắn bó với bảng đen, phấn trắng. Chỉ khác rằng, thầy trong sắc phục công an, trò là những người đã từng trót nhúng chàm...
"Tôi nghĩ rằng đã là "người thầy" thì dù hoàn cảnh nào cũng phải tận tụy với "trò" và không ngại khó, ngại vất vả. Các học viên của tôi có nhiều đặc thù hơn, bởi vậy cũng cần sự nhẫn nại, tỉ mỉ nhưng cũng phải nghiêm khắc hơn", Thiếu tá Nguyễn Bá Đường chia sẻ.
Năm nay, lớp xóa mù khai giảng vào cuối tháng 10, với 50 học viên, người lớn nhất 63 tuổi, người trẻ nhất vừa bước qua tuổi 24. Sau hơn nửa tháng, những bàn tay đã qua cái buổi lóng ngóng ban đầu, có thể đưa những nét chữ mềm mại, tròn trịa hơn. Một số học viên có thể ghép vần, ê a, đọc từng câu chữ. Để đạt được kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực lớn của cả thầy và trò.
Thiếu tá Nguyễn Bá Đường chia sẻ: "Đối với nhiều học viên, đặc biệt là học viên lớn tuổi, thích đi lao động hơn đi học chữ, bởi một buổi học được tính như một buổi lao động cải tạo. Chúng tôi phải khơi gợi, giải thích để các học viên hiểu về chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, về cái lợi của việc biết chữ. Cái quan trọng là ngoài nghiệp vụ sư phạm, người thầy phải tạo được không khí vui vẻ, nắm bắt tâm lý của trò để có thể động viên, khích lệ và hỗ trợ kịp thời...".
Các lớp xóa mù chữ thường kéo dài 9-10 tháng, học viên được tổ chức thi, sát hạch và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Kết thúc khóa học, các học viên đều đọc thông, viết thạo, diễn đạt khá tròn trịa suy nghĩ của mình bằng câu chữ và thực hiện được những phép tính cộng, trừ đơn giản.
12 năm gắn bó với nghiệp xóa mù chữ, nhiều học viên của Thiếu tá Nguyễn Bá Đường đã mãn hạn tù nhưng vẫn giữ liên lạc với thầy. Thỉnh thoảng, anh vẫn nhận được những bức thư viết tay của học viên cũ, thông báo công việc, cuộc sống mới. Dòng chữ chưa hẳn đã tròn, đẹp nhưng nét viết đã tự tin hơn. Với anh, đó là món quà quý giá nhất của một người thầy trong lớp học đặc biệt này.
Khai mở giấc mơ hướng thiện
Phạm nhân L.N.B. (dân tộc Mông) là học viên lớn tuổi nhất lớp học, năm nay đã 63 tuổi. Nhà B. ở xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, từ nhỏ không có điều kiện đến trường, tiếng Kinh cũng nói không thành thạo. Vì nghèo, và quan trọng nhất là thiếu hiểu biết pháp luật, B. nhận lời đi xách thuê ma túy cho người khác và phải nhận mức án 8 năm tù. Đến nay, phạm nhân B. đã thi hành được 6 năm, chỉ còn 2 năm nữa là có thể trở về với gia đình.
Được đưa vào danh sách đi học xóa mù chữ, phạm nhân B. lo lắng lắm, mình già rồi, học làm gì nữa?. Nhưng cán bộ quản giáo, thầy giáo đứng lớp động viên, học chữ để còn đọc sách, đọc báo, để biết cái gì đúng mà theo, cái gì sai mà tránh. Học để biết điều hay lẽ phải, sau này về còn bày dạy cho các con, các cháu, để chúng không bước lầm đường như ông. Vậy là L.N.B. đi học.
Ở cái tuổi này, học chữ đối với phạm nhân L.N.B. là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, hơn nữa bất đồng trong ngôn ngữ cũng chính là rào cản để phạm nhân này tiếp thu lời giảng. Bàn tay sần sùi, chai sạn quen với cầm dao, cầm rựa phát rẫy trở nên lóng ngóng khi cầm phấn, cầm bút. "Phát rẫy cả buổi không mỏi bằng cầm bút", L.N.B. thật thà.
"Phải cố gắng chứ. Hôm nay viết chữ chưa tròn thì ngày mai chữ tròn hơn, ngày kia chữ đẹp hơn. Học chữ để còn viết thư về cho vợ và các con, còn phải thi đua với các cháu nữa", "thầy giáo" Đường động viên. Phạm nhân L.N.B. lại cúi xuống trang giấy, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nhẫn nại đưa từng nét bút.
Phạm nhân L.V.U. (dân tộc Thái, quê ở tỉnh Thanh Hóa) là một trong những học viên trẻ tuổi của lớp học, năm nay 27 tuổi. U. bảo bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 2 anh em không lớn. Hồi nhỏ, U cũng được đi học nhưng một trận ốm nặng, kéo dài đến 3 năm, cậu mặc cảm khi quay lại trường, vậy là bỏ luôn.
Mẹ mải mướt mưu sinh, U. lớn lên như cây cỏ rồi nghiện lúc nào không hay. Không trình độ, không chữ nghĩa, không việc làm, không thu nhập, U. theo chân bạn bè đi vận chuyển ma túy để có thể thỏa mãn cơn nghiện của mình. U. bị bắt, phải chịu mức án 20 năm tù, hiện cậu mới thi hành được 1 năm, 9 tháng. Đường về với U. vẫn còn xa lắm.
Hồi mới vào trại, L.V.U. buồn, nản, hay gây sự với bạn cùng buồng. Nhưng được các cán bộ quản giáo động viên, cậu dần bình tâm lại và tích cực lao động, cải tạo, bởi đó là cách duy nhất rút ngắn con đường về của mình. Rồi U được đi học. Trong sâu thẳm, ước mơ được biết chữ của U. chưa bao giờ lụi tàn. Nam phạm nhân nắm bắt cơ hội hiếm có này và nỗ lực, miệt mài học tập. Trẻ tuổi, có quyết tâm nên khả năng tiếp thu kiến thức của L.V.U. được đánh giá là nhanh hơn các học viên khác.
"Có lẽ cũng phải lâu nữa em mới được trở về báo đáp mẹ nhưng biết chữ rồi, em sẽ cố gắng viết thư gửi về cho mẹ yên tâm. Em cũng thích đọc sách lắm, thầy bảo trên thư viện của trại nhiều sách hay, biết chữ rồi, lên đó tha hồ mà đọc", L.V.U. tâm sự.
Cuộc sống của U. không còn bó buộc trong những bức tường trại giam, những buổi động cải tạo. Biết đọc, biết viết, chân trời mới - chân trời tri thức và khát vọng hoàn lương sẽ mở ra trong L.V.U. cũng như những học viên ở lớp học đặc biệt này.