Bà giáo già xóa mù quanh sạp báo

(Dân trí) - Bộ sách “Học vần Tiếng Việt qua tranh” và băng nhạc gồm những bài hát, dân ca minh họa cho bài học trong sách - món quà tặng của bà giáo già Nguyễn Thị Thanh Hà - đã được thầy trò lớp học tình thương khu phố 4, Phường 2, Quận 6 TPHCM hân hoan đón nhận.

Cô giáo trẻ yêu nghề

 

Thanh Hà lớn lên trong những ngày chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Là con trong một gia đình nho giáo, nữ sinh Thanh Hà thi vào trường sư phạm liên khu IV trong vùng tự do của ta. Năm 1953, Hà thành cô giáo dạy cấp II tại quê nhà Hà Tĩnh.

 

Trong thời gian làm cô giáo trường làng, Hà tranh thủ học thêm rồi đỗ thủ khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thời đất nước chia cắt, cô giáo Hà chuyển lên dạy ở một số trường THPT lớn của thủ đô. Sau ngày nước nhà thống nhất, vào TPHCM, cô giáo Hà làm chủ nhiệm khoa Thư viện trường Cao đẳng Sư phạm rồi làm Phó phòng giáo dục một quận đông dân, quận 6.

 

Với đồng lương ít ỏi, đời sống gia đình thiếu trước hụt sau. Để nuôi 6 đứa con học xong Đại học, cô Thanh Hà cùng với chồng là thầy Nguyễn Khắc Thi (dạy trường Đại học Tổng hợp TPHCM) đã từng phải làm thêm nghề nuôi thỏ ở Hà Nội, nuôi lợn ở TPHCM…

 

Trong những ngày giặc càn quét, cô phải đưa đám học sinh thân yêu mà cô xem như là con của mình tạm xa Hà Nội, chạy giặc lên vùng trung du Sen Hồ tỉnh Hà Bắc. Vừa làm thầy, vừa làm mẹ, vừa chăm lo cho các em miếng ăn, chỗ ngủ… dẫu vất vả trăm bề nhưng cô giáo trẻ vẫn không phiền lòng.

 

Đã từng dạy những lớp học như thế, quan niệm về tình thương học trò, yêu nghề ngày càng rõ. Coi sự nghiệp giáo dục như là cái nghiệp đã thấm vào máu, càng thôi thúc cô dồn tâm lực vào việc xây dựng những lớp học tình thương, một khi đã có điều kiện.

 

Khi nghề trở thành nghiệp

 

Trong căn nhà ở 235/32 Cao Văn Lầu, quận 6, trời vừa tảng sáng, cô đã thức dậy đến toà soạn để lấy báo về phân phát cho các em nhỏ bán báo dạo. Về hưu năm 1981, bà giáo già 36 tuổi Đảng tiếp tục chủ nhiệm CLB Hạnh Phúc, CLB ông bà cháu, Hội Phụ nữ, Hội người cao tuổi… Mặc dù tuổi già sức yếu, công việc bận rộn, cô giáo Hà vẫn dành thời gian viết sách cho trẻ lớp tình thương.

 

Trong các ngỏ hẻm của vùng cư dân quận 6, dù không muốn nhưng cô Hà vẫn gặp nhiều người không biết đọc, viết kể cả người Hoa lẫn người Việt. Cô đã đề nghị Hội Phụ nữ và Quận đoàn quận 6 thành lập đội thiếu niên bán báo phường 2. Từ đây, lớp học tình thương đầu tiên của khu phố hình thành với 80 em, vượt định mức ban đầu là 30 em.

 

Đến nay, khu phố 4 đã có 3 lớp học tình thương với sĩ số là 120 em. Khó khăn thật sự của cô là duy trì lớp và nâng dần chất lượng học tập của các em. Mái tóc của cô ngã màu, nét mặt đã in đậm những nỗi gian khó , vất vả của tháng ngày làm việc bươn chải trong cuộc sống.

 

Những đứa trẻ đánh giày, bán báo, bốc vác… da đen nhẻm, còn ham chơi. Bằng con mắt nghề nghiệp, cô dày công biên soạn bộ bài chữ hình dẻ quạt, đáp ứng nhu cầu, vừa chơi, vừa học. Cô soạn đĩa dân ca ba miền và ca Huế trên sông Hương để bài Ngữ văn lớp 7 được phổ cập hơn.

 

Với người lớn ít thời gian học, bài học phải là một câu ca dao, hò vè có vần điệu dễ thuộc, dễ nhập tâm, rồi hiểu để nắm vững cơ chế ghép vần Tiếng Việt. Học chữ a có bài: Ai lên Phú Thọ thì lên / Lên non cổ tích, lên đền Hùng Vương. Học chữ g có câu: Gần mực thì đen / Gần đèn thì sáng …

 

Bộ sách “Học vần Tiếng Việt qua tranh” được Nhà xuất bản Giáo dục xem xét và cấp giấy phép xuất bản. Không dừng lại ở hàng trăm tranh vẽ màu minh hoạ sinh động do chính tay cô giáo Hà thực hiện, việc học vần bằng sách này còn là học vần qua thơ, qua nhạc, qua múa và các trò chơi vận động khác… Chính cô giáo Hà dạy thực nghiệm trong những lớp xoá mù của mình, giúp hàng trăm người sáng ra.

 

Từ sạp báo bên hông chợ Lớn, cô phát hiện bệnh “mù” lịch sử dân tộc. Nhận thấy nhiều bạn hàng của mình biết sử Tàu qua phim bộ. “Còn lịch sử việt Nam sẽ ra sao?” - cô Hà suy nghĩ. Từ tình huống sư phạm đó, cô đã nghĩ ra hình thức lên lớp mới. Trên báo Bình Dương chủ nhật, đăng đều đặn truyện lịch sử Việt Nam của cô giáo Hà. Trong buổi học tình thương, cô đem những tri thức lịch sử đến với trẻ thơ một cách dung dị mà thấm đượm lòng tự hào dân tộc. Hơn 300 bài viết như thế đã manh nha cho tập sách “Giai thoại lịch sử Việt Nam” của cô.

 

Nói về CLB Ông bà cháu, vai trò và công lao của cô Hà không nhỏ chút nào. Cô thu nhận những em bán vé số ngoài bến ô tô, tối ngủ ở đống rác đường Cao Văn Lầu, bến xe chợ Lớn về dạy học. Dạy cái chữ cũng chưa đủ, phải làm sao nuôi cho các em sống. Cô gửi các em vào trại mồ côi - mái ấm Hướng Dương. Vận động ông bà sống mẫu mực, con cháu noi theo.

 

Dạy cái chữ kết hợp dạy cách làm người. Câu lạc bộ Ông bà cháu thành lập được 12 năm, không em nào rơi vào tình trạng xấu, xã hội đen, xì ke, ma tuý… Nhiều em đã đi bộ đội như Hậu, đi dân phòng như Hùng, học đại học như Đức, Thuỷ, Phát đi học sửa xe…

 

Hằng ngày, bà giáo già vẫn miệt mài viết từng câu chữ, nắn nót từng bức tranh để đem ánh sáng văn hoá đến với những mảnh đời bất hạnh. Lo ngại cho tuổi già, sức yếu, các con của cô Hà muốn mẹ nghỉ ngơi. Những lúc ấy, cô đều cười: “Cái nghề đã ngấm vào máu, nên công việc tự nhiên đến đấy thôi”. 

 

Ngô Công Quang 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm