Áp dụng công nghệ loại bỏ báo cáo trùng lặp tại hội thảo khoa học trẻ

Huy Khánh

(Dân trí) - Nhờ áp dụng công nghệ này, Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần này đã loại được 25% những bài báo cáo trùng lặp gửi về tham dự. Con số tổng kết là 431 bài báo cáo tham dự hội thảo này.

Ngày 20/9, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 với chủ đề "Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số".

Điểm khác biệt so với hội thảo lần này so với lần tổ chức đầu tiên là các bài viết được gửi đến phản biện kín qua 2 vòng và được kiểm tra đạo văn bằng phần mềm Turnitin. Vì vậy, một số lượng không nhỏ các bài viết đã bị loại bỏ vì mức độ trùng lặp khá lớn (trên 25%); hoặc không đảm bảo về nội dung.

Áp dụng công nghệ loại bỏ báo cáo trùng lặp tại hội thảo khoa học trẻ - 1

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN phát biểu tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 (Ảnh: Bảo Anh).

Thông tin tại hội thảo, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN cho biết, Ban tổ chức hội thảo nhận được 431 bài báo cáo nghiên cứu khoa học thuộc 3 lĩnh vực chính: kinh tế - tài chính, xã hội - nhân văn và khoa học - kỹ thuật.

Trong đó, 364/431 bài báo cáo là người học tham gia gửi (chiếm 84%). Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của sinh viên với chủ đề của hội thảo. Hội thảo cũng thu hút 27 bài báo cáo của thanh niên trẻ đến từ Úc, Hungary, Singapore và Trung Quốc.

Qua 2 vòng phản biện kín, Hội đồng chuyên môn đã lựa chọn được 128 công trình đảm bảo chất lượng để đăng trong kỷ yếu của Hội thảo và sẽ được xuất bản bởi NXB ĐHQG Hà Nội.

Tại hội thảo chính thức ngày 20/9, gần 30 công trình tiêu biểu ở mỗi lĩnh vực đã được lựa chọn để trình bày tại phiên buổi sáng của hội thảo.

Áp dụng công nghệ loại bỏ báo cáo trùng lặp tại hội thảo khoa học trẻ - 2

Các nhà khoa học trẻ tự tin trình bày nghiên cứu tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 (Ảnh: Bảo Anh).

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết đánh giá, hội thảo thu hút nhiều đề tài có tính ứng dụng cao có khả năng đóng góp cho các lĩnh vực, ngành nghề trong cuộc sống.

"Kết thúc Hội thảo, T.Ư Hội SVVN sẽ tiếp tục phối hợp với các tập thể, cá nhân có chuyên môn tham gia hỗ trợ, hoàn thiện các công trình, đề tài hướng đến việc công bố quốc tế", anh Triết thông tin.

Anh cho biết, Hội thảo Khoa học trẻ toàn cầu sẽ tiếp tục được tổ chức ở những năm tiếp theo với vai trò và sứ mệnh là cầu nối, điểm gặp gỡ của các trí thức trẻ, sinh viên Việt Nam và các nhà chuyên môn.

Tại hội thảo này, nhóm nội dung tập trung nhiều nghiên cứu nhất của Hội thảo là quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh, mạnh và sâu rộng ảnh hưởng như thế nào tới hành vi, ứng xử, cũng như tâm sinh lý của thanh niên, sinh viên Việt Nam.

Những nghiên cứu này đã chỉ ra việc áp dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số như: việc sử dụng văn bản điện tử, xây dựng mô hình "bảo tàng mini", mô hình hỗ trợ tâm lý bằng liệu pháp âm nhạc, xây dựng hệ thống thí nghiệm tổ chức dạy học, mô hình xây dựng người ảnh hưởng trên mạng xã hội...

Bên cạnh đó, từ góc độ xã hội học, có nhiều chủ đề khai thác sâu những khó khăn, thách thức của thanh niên trong chuyển đổi số như: mức độ cảm nhận hạnh phúc cá nhân của sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội đến quan điểm chính trị của thanh niên, cái tôi của sinh viên trên mạng xã hội, quan niệm về giá trị của Gen Z Việt Nam, công cụ ChatGPT với giới trẻ...

Áp dụng công nghệ loại bỏ báo cáo trùng lặp tại hội thảo khoa học trẻ - 3

Ban tổ chức hội thảo trao giải cho 4 bài báo cáo xuất sắc nhất (Ảnh: Bảo Anh).

Ban tổ chức đã trao giải cho 4 bài báo cáo xuất sắc nhất, gồm: "Đề xuất mô hình tích hợp quản trị vườn thông minh theo chuẩn sensorthings (cảm biến) API và công nghệ lora, trường công nghệ thông tin - truyền thông" (Trường Đại học Cần Thơ); "Sự phản kháng của người tiêu dùng đối với hình thức tiếp thị liên kết trên mạng xã hội" (Trường Đại học Mở TPHCM); bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số: vai trò của thanh niên công an nhân dân" (Học viện Cảnh sát Nhân dân) và "Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường" (nhóm tác giả Trường Đại học Hà Nội, Học viện Ngoại giao và trường THPT Chu Văn An Hà Nội).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm