Từ ngoài đường chính của TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) chạy vào hơn 500m, căn nhà cấp bốn cũ nát của ông Hồ Văn Tứ lọt thỏm giữa một khu vườn yên tĩnh thuộc tổ 12, khu phố Hồng Lư (phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ). Khi đến nhà, tôi gặp mấy người hàng xóm đến nhà chúc mừng hai con trai sinh đôi của ông là Hồ Tú Ân và Hồ Tú Ẩn chuẩn bị lên đường nhập học.
Hai anh em song sinh Hồ Tú Ân và Hồ Tú Ẩn (đeo kính) với 6 giấy báo nhập học trên bàn.
Chia sẻ niềm vui về chuyện đỗ 6 trường đại học, hai em Hồ Tú Ân và Hồ Tú Ẩn cho biết vừa nhận được giấy báo của cả 6 trường này.
Theo đó, cậu em trai Hồ Tú Ẩn đỗ trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) với 27,1 điểm khối D *; ĐH KHXH & NV TPHCM (22 điểm khối D) và ĐH Quảng Nam (20,5 điểm khối A).
Còn người anh Hồ Tú Ân đỗ trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) với 27,3 điểm khối D *; ĐH Sư phạm TPHCM (21 điểm khối D) và ĐH Quảng Nam (21 điểm khối A).
(
* Với Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp THPT, hai anh em Ân và Ẩn đã đăng ký xét tuyển vào ngành Quản lý Nhà nước . Đây là năm đầu tiên ngành này thực hiện phương thức tuyển sinh mới với hình thức xét tuyển dựa trên điểm trung bình các môn Văn, Sử và điểm trung bình kết quả học tập 5 học kỳ ở cấp THPT của học sinh).
Hai anh em sinh đôi Tú Ân và Tú Ẩn cùng bố mẹ và chị gái đầu.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1952) - mẹ của Ân và Ẩn không giấu vẻ lo âu: “Nghe tin hai cháu đỗ đại học vui thì ít nhưng lo nhiều vì hoàn cảnh nhà khó khăn quá chú à. Mai mốt không biết vợ chồng tôi có lo nổi cho hai đứa ăn học không nữa...”.
Bà Thảo cho biết, hai vợ chồng sinh được tất cả 4 người con, không may người con đầu là Hồ Thị Kim Thoa bị tâm thần từ nhỏ nên nay đã gần 40 tuổi nhưng bà vẫn phải chăm sóc như một đứa trẻ. Nhà chỉ còn người con trai thứ hai đi làm nuôi cả gia đình nhưng lao động phổ thông nên thu nhập cũng bấp bênh. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên đến nay dù đã 35 tuổi nhưng anh vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Sau khi đọc bài viết trên báo điện tử Dân trí, nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn liên hệ để động viên, chia sẻ với hai anh em sinh đôi Hồ Tú Ân và Hồ Tú Ẩn. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của hai em: 01682 944 335 (số điện thoại của bác Hồ Văn Tứ là bố hai em). Địa chỉ: Tổ 12, khu phố Hồng Lư, phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. |
Vì nhà không có điều kiện để sách vở vào tủ học tập nên hai anh em sắp xếp lại cho ngăn nắp để chuẩn bị nhập trường.
Nhà không có ruộng, chỉ có mảnh vườn trồng rau đậu đắp đổi qua ngày. Nhà có giàn hoa thiên lý trong vườn, mỗi buổi sáng ông bà cần mẫn hái rồi mang ra chợ bán rồi gạo, cá về ăn qua bữa. Khi không có việc, bà Thảo lại tranh thủ ra chợ buôn rau kiếm thêm ít tiền lo cho gia đình. Còn ông Tứ ở nhà chăm sóc mấy chậu hoa mai để cuối năm đem bán kiếm tiền sắm tết.
Trong căn nhà cấp 4 dột nát nhưng cũng không có tiền để sửa sang lại, mỗi mùa mưa đến là cả nhà lo sợ bị sập bất cứ lúc nào. Điều an ủi đối với hai vợ chồng bà là hai đứa con sinh đôi chăm học, là học sinh giỏi của Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam).
Gia đình ông Hồ Văn Tứ là diện hộ nghèo mấy chục năm nay ở địa phương. Ngay cả ngôi nhà mà vợ chồng ông bà đang ở vẫn là gia sản của cha mẹ mình để lại. Gần 40 năm lấy nhau, ông bà vẫn chưa thể nào xây được một ngôi nhà tươm tất để trú nắng che mưa. Ông Tứ tâm sự, trước đây sức khỏe còn tốt có thể lo cho cả nhà nhưng mấy năm nay bị thần kinh tọa, tê bại, sức khỏe không còn cho phép nữa nên cuộc sống rất khó khăn.
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Tứ.
Ông Hồ Văn Tứ (sinh năm 1950) tâm sự: “Nhà có mảnh vườn nhưng lại nằm trong quy hoạch, mấy năm nay tôi xin phường cắt bớt một miếng để bán sửa sang lại nhà cửa, lo cho hai con ăn học nhưng không được. Giờ hai đứa lại vào đại học nữa nên không biết lấy gì lo đây”.
Còn bà Thảo thì nghẹn lòng khi tâm sự với tôi: “Giờ cho hai đứa nghỉ học hay một đứa học một đứa nghỉ thì tội cho chúng nó quá, thôi thì đến đâu hay đến đó vậy. Nguyện vọng của con mình đã đạt được, đó là ước mơ của con nên mình cũng phải cố thôi”...
Nghe tin Ân và Ẩn sắp vào TPHCM nhập học, một người hàng xóm tặng ít tiền làm lộ phí cho hai cháu.
Khi được hỏi về bí quyết để học giỏi và đỗ đại học, hai anh em cho biết, cũng như các bạn khác, ngoài thời gian nghe thầy cô giảng bài thì bám chắc sách giáo khoa, xem thời sự, đọc sách báo, tập phân tích, bình luận... Ngoài thời gian học, còn phải sắp xếp thời gian tham gia các phong trào xã hội, ngoại khóa...
Những thành tích hai em đã đạt được trong những năm học phổ thông.
Chia sẻ với PV về việc chọn trường để nhập học, Hồ Tú Ân cho biết em chọn ngành học Sư phạm Ngữ Văn (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) vì em muốn trở thành thầy giáo để sau này về địa phương dạy học. Tuy nhiên, việc chọn ngành cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em chọn ngành Sư phạm để được miễn đóng học phí nhằm giảm bớt một phần gánh nặng cho gia đình.
Trong khi đó, Hồ Tú Ẩn quyết định lựa chọn ngành Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành (ĐH KHXH & NV TPHCM). Ẩn cho biết, muốn vào ở TPHCM cho có anh có em và dì đùm bọc giúp đỡ nhau. Hơn nữa, học ngành Du lịch cũng là để thỏa niềm mong ước được đi đó đây để khám phá các vùng đất.
Hai em còn cho biết, sau khi nhập học sẽ kiếm
việc làm thêm ngoài giờ học, miễn là có tiền trang trải kinh phí ăn học để đỡ đần bố mẹ ở nhà.
“Chúng em sẽ cố gắng học thật tốt để có học bổng, đó cũng là cách để bố mẹ ở nhà đỡ lo”, hai anh em Ân và Ẩn tâm sự.
Công Bính