Ấn tượng sách giáo khoa điện tử Classbook

Tôi đã qua lâu rồi cái thời kỳ lục tìm những quyển sách giáo khoa trên cái giá sách bừa bộn để nhét vào cặp cõng đến lớp, nhưng có lần tôi được một chuyên gia công nghệ trao đổi về một loại sách giáo khoa mới - sách giáo khoa điện tử - kích thước nhỏ gọn hơn cả cái Ipad tôi đang dùng.

Thú thật là tôi không ấn tượng lắm với những phần nội dung bên trong, có gì lạ đâu, toàn những quyển sách mà tôi đã học qua thời còn học sinh, chỉ thấy thú vị vì nó nhỏ gọn, nếu những em học sinh như cô cháu gái mình ở nhà có một quyển như thế thì coi như cái cặp của nó cõng đến trường cũng giảm đi được vài cân, sức lực tiết kiệm được biết đâu cũng có thể bổ sung thêm một chút cho việc tư duy nghĩ ngợi.

Chợt nhớ về sách giáo khoa, thế hệ 8x đời đầu như chúng tôi thì ấn tượng về những quyển sách giấy chắn chắn là vẫn còn đậm nét. Những quyển sách giáo khoa mới cóng được mua về, tôi thấy mình đã hạnh phúc hơn khối đứa trong lớp phải dùng lại sách giáo khoa của anh chị chúng nó, sách vừa cũ vừa nhàu, bên trong lại ghi lăng nhăng đủ thử tên gán ghép. Mùi sách mới trong ký ức có lẽ thơm đến tận bây giờ, rồi lại hí hoáy kiếm hoạ báo về bọc sách, rồi dán nhãn vở, rồi nắn nót ghi tên mình, tên lớp… Mấy năm cấp I, sách của tôi quyển nào học xong cũng mới, nhưng chẳng để lại cho ai được vì cứ hết kỳ, thi xong môn nào là ông anh tôi lấy sách cắt ra quấn pháo quyển đó. Từ cấp II trở đi cấm đốt pháo thì sách lại cải cách liên tục mỗi năm, sách học xong cũng lại chẳng biết cho ai… Loanh quanh lại bán đồng nát lấy tiền mua truyện tranh.

Càng ngày công nghệ càng phát triển, nhu cầu đọc sách của tôi vẫn nhiều nhưng không phải lúc nào cũng tha lôi những quyển sách dầy cộp trong ba lô để mà đọc khi đi công tác, tôi đã mua một sách điện tử, nạp đủ các loại sách truyện vào, mang đi công tác nhỏ gọn và đọc cả tuần chẳng hết pin. Nhưng thú thực là vẫn có gì đó không được hứng thú bằng sách giấy, nó không có mùi giấy mới, nó không có tiếng sột soạt lật trang, nó không có những cú đập nặng trịch vào mặt khi tôi đang nằm đọc và ngủ quên tuột tay… Những lúc đó lại nghĩ về cảnh cô cháu đang học cấp 2 loay hoay nhét sách vào cặp mỗi khi đến trường tôi lại ngẫm để hôm nào lên mạng tìm thử xem có sách giáo khoa của cấp II bản điện tử không để nạp vào sách điện tử, mang về cho cháu dùng cho nhẹ người, đằng nào thì mình cũng thích dùng sách giấy hơn cái sách điện tử, còn cháu mình thì giờ đã sử dụng Ipad để chơi game nhoay nhoáy, chắc nó cũng dùng sách điện tử cũng chẳng khó gì. Nhưng rồi lên mạng tìm cũng chẳng có bản sách điện tử nào, thế là việc này vào lãng quên.
 
Anh Đinh Tiến Dũng - tác giả bài viết đang nghiên cứu sách giáo khoa điện tử Classbook
Anh Đinh Tiến Dũng - tác giả bài viết đang nghiên cứu sách giáo khoa điện tử Classbook.

Bẵng đi một thời gian, câu chuyện sách giáo khoa điện tử lại quay lại qua câu chuyện với chuyên gia công nghệ nói trên, sự tiện dụng thì khỏi phải bàn rồi, một thiết bị có đầy đủ các bộ sách giáo khoa, vừa có khả năng cập nhật thêm, vừa có khả năng bảo mật để không ai có thể tuỳ tiện thay đổi, phá hoại nội dung. Chưa kể các loại tiện ích đi kèm như hình ảnh, video minh hoạ bài học, nhấn dòng, ghi nhớ… Nhưng khi hỏi đến giá thì hơi giật mình, đâu đó cũng cỡ một tháng lương công nhân của ông anh mình ở nhà chứ không ít. 

Ấn tượng sách giáo khoa điện tử Classbook

Ngồi trong cuộc nói chuyện đó cũng có nhiều đàn anh có kinh nghiệm trong kinh doanh, họ nhận định giá sách phải xuống cỡ chỉ còn gấp 5 - 7 lần một bộ sách giấy thì may ra tính phổ cập của nó mới khả thi, nhưng bù lại thì vấn đề kinh doanh sẽ thua lỗ thê thảm. Sao có thể bán một thiết bị điện tử hiện đại phục vụ giáo dục, chứa đủ cả 12 bộ sách và tài liệu minh hoạ, nâng cao cho các bậc học chỉ với giá 1 - 2 triệu đồng được. Câu chuyện lại rơi vào lối mòn “ngon bổ rẻ” muôn thủa.

Thế rồi tôi được biết có một nhà giáo dục có uy tín lo ngại rằng: “Sản phẩm này sẽ càng làm cho người ta nhìn thấy sự bất bình đẳng trong giáo dục. Nếu trong một lớp học, học sinh này có sản phẩm mà học sinh khác không có, sự bất bình đẳng này là tội ác?”. Tôi biết mình không phải nhà giáo dục nên có thể chưa hiểu hết được các tầng nghĩa của sự lo ngại này, nhưng theo cách nghĩ của tôi, sự bình đằng trong giáo dục đúng là vô cùng quan trọng. Nó được thể hiện bằng việc các em được hưởng sự quan tâm như nhau từ nhà trường, thầy cô, được học một chương trình như nhau. Nếu việc trang bị sách giáo khoa điện tử là chủ trương của việc đào tạo, thì đúng là các em nên được trang bị bình đẳng như nhau, còn nếu như việc trang bị này là tuỳ thuộc vào sự quyết định của phụ huynh các em thì gia đình nào có điều kiện hơn, con cái họ cũng sẽ có những lợi thế phát triển hơn. Không thể “cào bằng” theo kiểu “cao hay thấp không quan trọng, quan trọng là phải đều nhau” được.

Vấn đề ở đây không phải là mất bình đẳng hay không, mà là phải nghiên cứu cách nào để những sản phẩm tốt, mang tính cách mạng trong giáo dục được đến tay học sinh càng nhiều càng tốt, để học sinh của chúng ta cũng có cơ hội tiếp cận với điều kiện học hành tốt nhất, không thua kém gì học sinh các nước phát triển. Biết đâu có một mạnh thường quân đủ tiền trợ giá cho các sản phẩm, biết đâu có nhà tài trợ nào đó, biết đâu có phương thức mua bán trả góp phù hợp, biết đâu có nhiều loại thiết bị có giá khác nhau để phụ huynh có thể chọn lựa… Việc thiết thực mà tôi nên làm đó là “hỗ trợ” cô cháu ít tiền để bố mẹ nó mua cho nó một cái classbook.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm