Âm thanh sợ nhất mùa hè là "tiếng mẹ từ trên cao vọng xuống"
(Dân trí) - Chị Mai Thị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) lặng người khi nghe con trai kể với bà nội rằng âm thanh sợ nhất mùa hè không phải tiếng ve mà là tiếng mẹ.
Con nghỉ hè, mẹ cả ngày ngồi soi camera
Chị Mai Thị Vân cười ra nước mắt khi kể lại đoạn hội thoại giữa con trai và bà nội cách đây ít ngày:
"Chuyện không có gì cho đến lúc con tôi hỏi bà có ngủ trưa không. Bà bảo bà không ngủ được vì ve kêu to lắm. Thế là con bảo ở Hà Nội ve cũng kêu to lắm, nhưng âm thanh đáng sợ nhất mùa hè không phải tiếng ve mà là tiếng mẹ con từ trên cao vọng xuống. Là con tả tiếng của tôi qua chiếc camera lắp trên tường nhà".
Con chị Vân là một trong hàng ngàn đứa trẻ thành phố nghỉ hè trong nhà. Quê vợ chồng chị Vân ở miền Trung, tháng 6 nóng 39, 40 độ, gió Lào, tháng 7-8 mưa bão. Vợ chồng chị ít cho con về quê nghỉ hè. Thay vào đó, cả nhà sẽ "canh" thời tiết mát mẻ về thăm ông bà trong 1 tuần hoặc 10 ngày.
Như vậy, gần như trọn hè, con chị Vân ở trong nhà. Khi con còn nhỏ, chị đón mẹ chồng hoặc mẹ đẻ ra trông cháu. Khi con lớn, chị cho con ở nhà một mình. Để trông chừng con, chị lắp camera.
Buổi sáng, chị Vân dậy sớm nấu cơm, sắp sẵn để con ăn trưa. Đến công ty, việc đầu tiên của chị là mở máy tính, vào ứng dụng theo dõi camera xem con đang làm gì.
Nếu con ngủ quá 9 giờ chưa dậy, chị Vân gọi qua camera để con dậy. Nếu con xem tivi quá giờ quy định, chị gọi qua camera nhắc con tắt tivi. Nếu con mải đọc truyện quá 12 giờ quên ăn cơm, chị Vân gọi qua camera nhắc con ăn…
"Ngày nào tôi cũng phải lặp đi lặp lại những lời nhắc nhở. Tuổi này con chưa tự giác nên bị nhắc nhở khá nhiều. Có lẽ vì thế mà cháu "ám ảnh" với tiếng mẹ qua camera chăng", chị Vân tâm sự.
Chị Trần Hạnh Thu (Hà Đông, Hà Nội) chung nỗi niềm với chị Vân khi cả ngày ở công ty chỉ ngồi "soi camera con. Chị không yên tâm với hai đứa con 10 và 13 tuổi của mình.
"Bảo con ăn sáng xong thì lau nhà rồi học tiếng Anh, con vâng dạ nhưng 10 giờ vẫn thấy con đang ngủ. Bảo con xem tivi một tiếng thôi nhé nhưng 2 giờ chiều vẫn thấy con đang xem tivi. Bảo con đi đọc sách đi, con bảo vâng con đi đọc đây. Một tiếng sau vẫn chưa thấy con lấy sách ra đọc.
Chiếc camera khiến mình không tập trung vào công việc. Mà không lắp camera thì thấp thỏm không yên, ngày dăm bảy cuộc gọi về nhà. Có lúc con gắt gỏng với mẹ vì phải nghe điện thoại liên tục. Nhưng để con tự giác thì con không", chị Thu giãi bày.
"Mùa hè bổ ích" luôn tốn tiền
Chị Thu từng cho con đi trại hè, cả Việt Nam và nước ngoài. Chi phí lên đến 60 - 70 triệu đồng cho khoảng 2 tuần. Những tuần hè còn lại, chị tìm nhiều cách thiết kế một lịch trình bổ ích cho con thay vì chỉ ngủ, xem tivi và chơi điện tử.
Chị làm thẻ thư viện, mua thẻ bơi, mua các khóa học online về toán tư duy, lập trình, các khóa học kỹ năng sống, tiếng Anh. Hai tuần một lần, chị cho con ra ngoại thành cắm trại. Chị Thu cho biết chi phí cho những hoạt động "bổ ích" này không nhỏ.
"Một khóa học toán tư duy 2,5 triệu đồng. Một khóa lập trình hai tháng 5 triệu đồng. Thẻ bơi một tháng 3 triệu đồng. Khóa kỹ năng mềm bốn tuần 4,8 triệu đồng. Chi phí nhân đôi cho hai con.
Nhiều bố mẹ có thể về sớm để đưa con đi bơi ở các bể bơi giá rẻ. Nhưng hai vợ chồng mình đều đi làm về muộn. Muốn con được bơi thì phải mua vé ở các bể bơi cao cấp, có cứu hộ túc trực và cho con tự đi", chị Thu chia sẻ.
Chị Thu từng mơ ước có quê để các con về chơi, thưởng thức một mùa hè được đào dế, bắt ve, lội đồng, tắm sông như trong sách truyện. Nhưng bạn bè cho chị Thu biết, trẻ con ở quê giờ cũng nghỉ hè trong phòng điều hòa. Không phải vùng quê nào cũng còn không gian phù hợp cho trẻ con chơi vui vẻ, an toàn.
Đồng quan điểm "bổ ích đi kèm với tốn kém", chị Vân không cho con tham gia các khóa học kỹ năng hay trại hè. Thay vào đó, con trai chị Vân học thêm ba môn toán, văn, ngoại ngữ 5 buổi tối trong tuần ở trung tâm, hai buổi đàn vào cuối tuần, một buổi vẽ vào sáng chủ nhật.
"Mùa hè con vẫn phải học, mẹ thì bận hơn. Các lớp học chủ yếu vào buổi tối. Nếu học ban ngày thì không có người đưa đón. Nhiều lúc thương con vì cả ngày ở nhà một mình nghe mẹ nhắc nhở càm ràm qua camera. Tối lại đi học rồi về ngủ. Mùa hè không thể buồn tẻ hơn", chị Vân tâm sự.
Cũng theo chị Vân, rất ít cha mẹ đủ dũng cảm cho con chơi hết 3 tháng hè. Bởi vì chơi đồng nghĩa với việc cả ngày chỉ nằm ngủ và làm bạn với thiết bị điện tử. "Cho con đi học lại bổ ích hơn vì con vừa có bạn nói chuyện, vừa có thêm kiến thức", chị Vân nêu quan điểm.