Ai muốn học thêm, dạy thêm?
Mặc dù, vấn đề dạy thêm, học thêm không thuộc tầm vĩ mô như chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa hay chất lượng đội ngũ giáo viên, song câu chuyện này đã và đang được dư luận xã hội, nhất là các bậc cha mẹ học sinh bàn luận, tranh luận khá gay gắt với nhiều luồng ý kiến trái chiều mà chưa có hồi kết.
Trong khi đó, đối tượng chính là học sinh hầu như không được “lên tiếng” đồng tình hay phản đối, chỉ đến mới đây khi một tập thể học sinh viết đơn bày tỏ nguyện vọng không muốn học thêm thì công luận mới “bừng tỉnh”.
Thực ra trong thời gian qua, các cuộc họp bàn về chuyện dạy thêm, học thêm diễn ra ở các địa phương đã vô tình... bỏ quên một “nhân vật” trọng yếu không thể vắng mặt, đó là học sinh. Dường như giới phụ huynh đứng về phe ủng hộ thì nêu đủ lý lẽ thuyết phục phải cho con em mình học thêm thì mới theo kịp bạn học. Thậm chí, không ít người tha thiết yêu cầu giáo viên ở lớp dạy thêm, gây áp lực cho thầy cô.
Trong giới nhà giáo cũng không ít người lập luận rằng, có cung thì phải có cầu, phụ huynh học sinh đòi hỏi chính đáng thì giáo viên phải đáp ứng. Mặt khác, dạy thêm cũng là lao động chân chính, tăng nguồn thu nhập ngoài đồng lương eo hẹp. Thực tế mà ai cũng thấy nhưng không muốn nói là ở các thành phố lớn, đô thị trung tâm, các lớp dạy thêm, học thêm ở các địa điểm xa trường, luôn chật kín học sinh đủ các cấp, các môn học quan trọng như Văn, Toán, Ngoại ngữ...
Ở một số tỉnh, thành phố, ngành giáo dục đã ban hành văn bản cấm giáo viên mở lớp dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào. Có nơi còn lập đoàn kiểm tra phối hợp với chính quyền địa phương ập vào các lớp dạy thêm, “bắt quả tang” giáo viên đang dạy, lập biên bản ngay trước mặt học sinh. Mạnh tay như vậy nhưng không ai dám cam đoan rằng, thực trạng này đã giảm bớt, chưa nói tới chuyện hạn chế, chấm dứt. Ngoại trừ những học sinh quá yếu kém, các trường phải tổ chức lớp phụ đạo riêng, nhưng rõ ràng không thể ngụy biện rằng, có học thêm thì tất phải có dạy thêm và có dạy thêm thì mới có học thêm.
Đã đến lúc phải lắng nghe, thấu hiểu, tiếng “kêu cứu” khẩn thiết của chính con cháu chúng ta không thể cứ “ngoan ngoãn” vâng lời cha mẹ học thêm, học nếm, học ngày, học đêm, học cả ngày nghỉ quên hết tuổi thơ. Học đến cận thị, vẹo lưng. Hãy cúi xuống, hỏi thử trẻ em có cháu nào thích đi học thêm hay không. Chắc chắn tất cả đều lắc đầu, ngao ngán.
Bản thân người làm cha, làm mẹ cũng không nên gây áp lực chất lên đôi vai con mình gánh nặng đã quá sức chịu đựng, nhất là hãy bớt đi tham vọng con mình nay mai phải xuất sắc, nổi trội, có địa vị và danh giá trong xã hội. Về phía các thầy cô giáo, mong mỏi, thiết tha của phụ huynh, đặc biệt là các em học sinh là hết lòng, dốc sức tận tụy truyền đạt những kiến thức bổ ích cho học sinh. Hơn thế, thầy cô càng không nên tạo cho học trò tâm lý lo sợ nếu không “tự nguyện” đi học thêm.
Câu hỏi này không khó tìm câu trả lời. Tuy nhiên, còn một vấn đề cực kỳ quan trọng quyết định đó là chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa phải giảm tải nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Theo Đan Thanh
An Ninh Thủ Đô