Bạn đọc viết:
Ai đã từng đau với “con người ta” mới thấm thía…
(Dân trí) - Sáng đưa con đến lớp vội vã, tôi bỗng bắt gặp cậu bé lớp 1 đang ngồi trên ghế đá ăn ngon lành hộp xôi và xuýt xoa “Con thấy không, em chỉ mới lớp 1 đã tự mình ăn sáng chứ không như con bị mẹ nhắc bên hông còn lười ăn nên suýt trễ giờ?”. Con gái tôi liếc nhìn mẹ và im lặng vào lớp.
Chiều đón con, thấy đầu tóc con rối với sợi thun cột tóc lơ lửng, tôi cau mặt phàn nàn: “Con học lớp 2 rồi mà cột tóc cho mình cũng không xong! Con thấy bạn Chi Mai, bạn Liên Tâm tự mình cột tóc mà gọn gàng, tươm tất chưa kìa!”. Lần này thì mắt con rơm rớm mà lặng im suốt cả buổi.
Đem tâm sự về con gái nhỏ chia sẻ với những người bạn, tôi sững người với lời nói ngậm ngùi của cô bạn gái: “Ai đã từng đau với con người ta mới thấm thía…”. Bạn bảo hồi bé luôn bị so sánh với “con người ta” - cụm từ “kinh dị” mà mọi đứa trẻ đều sợ hãi. Dù bạn cố gắng thế nào, nỗ lực ra sao thì vẫn luôn bị quàng vào vai con áp lực thua “con người ta”.
Bạn còn nhớ như in năm học lớp 3, sau bao nỗ lực học tập, bạn được xếp vị thứ hai trong lớp ở tháng đầu tiên. Một cái cặp mới tinh tươm là phần thưởng sau ba năm đến trường được bạn nâng niu vô cùng. Nhưng đến tháng thứ hai, xếp hạng của bạn tụt xuống vị thứ 9 và bài ca “kể tội” bắt đầu.
Nguyên một tháng trời bạn phải đối diện với những so sánh “con người ta học hành càng ngày càng lấn tới, con mình tụt lùi một cách không phanh”. Cái cặp mới tinh đó bị giật ngang, bán rẻ lại cho bố mẹ cậu bé gần nhà trong ánh mắt tiếc nuối, thèm thuồng của con bé tuổi lên 9 ngày ấy.
Bạn là bé con có sức vóc nhỏ bé, thể trạng yếu ớt bởi ốm đau liên miên từ nhỏ. Nhớ hồi ấy nhà nào cũng phải ra giếng gánh nước về dùng, bạn cũng được sắm một đôi quang gánh chiều chiều theo chân các anh chị đi gánh nước.
Người ta gánh nguyên đôi nước đầy vun, còn bạn chỉ mới đặt lên vai hai thùng nước lửng lơ một nửa đã “chân đông đá chân tây”. Nhìn cô bé sát nhà, cùng tuổi gánh đôi nước đầy mập đi huỳnh huỵch, bạn lại bị chê suốt ngày: “Nhìn con người ta siêng năng, khỏe mạnh thấy mà ham…”.
Những năm bạn vào cấp ba mới thật sự là áp lực với việc học việc chơi. Gần nhà có những cửa sổ chong đèn sáng đêm, có những tiếng ra rả đọc bài vang lên và bao giờ bạn cũng bị đem ra “bàn cân”: “Con người ta siêng năng học hành suốt ngày mà còn chưa đâu tới đâu, học hành như nhà này chỉ có nước bán vé số, chăn bò…”.
Thế đó, suốt một thời tuổi thơ bạn đã sống với hình ảnh “con người ta” trong tủi hờn, cay đắng, buồn rầu và có những lúc gần như tuyệt vọng. Muốn bỏ đi đâu đó thật xa, ước chạy trốn khỏi căn nhà đó… là những cảm xúc tiêu cực mà bạn hoàn toàn không mong muốn con lại đi vào “vết xe đổ” của mình năm xưa.
Bạn khuyên tôi phải thay đổi, vui với những gì con làm được, bằng lòng với những gì con có thể đạt được. Từ ngày ấy, tôi nhủ lòng phải thay đổi vì niềm vui của con và hạnh phúc của chính mình.
Thỉnh thoảng, chỉ thỉnh thoảng thôi, cái ý nghĩ “con người ta” cũng xoẹt ngang trong tâm trí, tôi vội giật mình trấn tĩnh, hít một hơi thật sâu và nhìn vào nụ cười tươi tắn trên môi con, ánh nhìn rạng ngời trong mắt con mà chuyển hướng dòng cảm xúc.
Ai đã từng đau với “con người ta” mới thấm thía đến tận cùng nỗi lòng của con trẻ khi bị mang ra so sánh, săm soi và phủ nhận mọi nỗ lực, phấn đấu. Xin hãy dừng lại, nếu lỡ bước chân vào lối mòn gây thương tổn tâm hồn con trẻ bằng lời nói tưởng như vô thưởng vô phạt…
Một người mẹ phải hạnh phúc mới có thể nuôi dạy những đứa con hạnh phúc. Và hạnh phúc của người mẹ đâu phải ở cái nhìn sang hiên nhà hàng xóm, cửa sổ nhà đối diện! Hạnh phúc của mẹ là đứa con bé bỏng đang quẩn quanh bên chân mình…
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!