Ai chọn nghề một nách chăm vài trẻ 6 tháng tuổi?
(Dân trí) - Lấy đâu ra giáo viên trông trẻ từ 6 tháng tuổi, nhất là bây giờ các em toàn con cưng, con một, đến việc nhà còn không biết làm nói chi việc lo cho nhiều đứa trẻ.
TPHCM đang từng bước thực hiện lộ trình nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi ở trường mầm non. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, chế độ chính sách và phát triển đội ngũ. Có không ít lo ngại, cơ sở vật chất có thể đầu tư nhưng kiếm đâu ra cô trông trẻ 6 tháng tuổi?
Một nách... vài ba con
Trường mầm non Minh Long (Q.7, TPHCM) là một trong số hiếm trường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi. Vậy nhưng, hiện tại trường cũng chỉ nhận 12 trẻ trong độ tuổi này. Nhiều gia đình tìm đến gửi con độ tuổi này nhưng nhà trường phải từ chối vì không có giáo viên (GV).
Tại lớp dành cho trẻ 6 - 18 tháng tuổi của trường, trẻ đến giờ ngủ các cô vẫn không hết tất bật. Trẻ cựa quậy, cô vừa phải vỗ về vừa phải để mắt đến trẻ khác lại phải chuẩn bị mọi thứ khi trẻ dậy.
Kể về công việc của mình, cô giáo Dương Thị Hoàn nói ngắn gọn: “Một tấc không đi, một li không rời”. Công việc của họ, có lẽ ngay cả ai đã làm mẹ cũng khó hình dung hết sự vất cả này khi mỗi người phải trông vài ba trẻ.
Bà Lữ Thị Đông - hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi là một... “bước liều” do thấy nhu cầu rất cao. Khâu khó nhất để tổ chức lớp là chính là GV.
“Tuyển GV bình thường đã khó, ở lứa tuổi này còn khó hơn do yêu cầu đảm bảo an toàn rất cao. Cô phải có kinh nghiệm chuyên môn, phải thật sự nắm bắt được tâm lý lứa tuổi, hiểu trẻ qua biểu cảm vì trẻ chưa nói được”, bà Đông nói.
Một hiệu trưởng trường mầm non ở quận Bình Tân cho hay, một đứa trẻ ở nhà có khi cả bố mẹ, điều động luôn cả ông bà còn đuối. GV chăm trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi rất cực, chưa kể một lúc “cặp” 5 - 6 cháu, mệt hơn cả phụ trách 10 - 15 trẻ ở độ tuổi lớn hơn. Bởi vậy, GV người ta cũng chẳng dại nhận lớp sữa.
Chưa kể, hầu hết các trường sư phạm hiện nay, chỉ tập trung đạo tạo GV giáo dục trẻ từ 24 tháng tuổi, bỏ ngỏ việc đào tạo GV chăm trẻ 6 - 19 tháng. “GV không được đào tạo mà họ lấy kinh nghiệm từ bản thân và học hỏi lẫn nhau. Có những người thử chăm trẻ độ tuổi này nhưng một vài hôm là… chạy, nhà trường muốn tuyển để mở lớp cũng không nổi”, hiệu trưởng này cho hay.
Chính sách nào hút nổi người giữ trẻ?
Chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc đưa trẻ từ 6 tháng tuổi vào trường học, trước mắt TPHCM đã có kế hoạch bồi dưỡng 500 quản lý, GV mầm non về công tác chuyên môn, kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ 6 - 18 tháng tuổi trong năm 2014.
Về lâu dài, nhiều phương án cũng đã được đặt ra. Công việc thống kê và phân loại số trẻ từ 6 - 18 tháng ở từng quận huyện để xác định có bao nhiêu trẻ đang học, bao nhiêu trẻ chưa đi học và nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh đang được thực hiện. Từ đó có cơ sở xác định số lớp, số GV cần có cho công tác chăm sóc trẻ độ tuổi này.
Đồng thời, các trường sư phạm sẽ bổ sung nội dung về kiến thức kĩ năng chăm sóc trẻ ở lứa tuổi đặc thù trên vào chương trình đào tạo hiện nay. Bên cạnh đó, những chế độ chính sách cho GV nhóm trẻ này cũng đang được ngành giáo dục thành phố xây dựng và đề xuất.
Về lý thuyết, đây là những bước cần thiết để tạo tiền đề vững chắc cho việc thu hút học sinh chọn sư phạm mầm non. Nhưng thực tế nhiều lo ngại liệu điều này có thu hút nổi người học hay không khi chăm trẻ, nhất là trẻ nhỏ là công việc áp lực, trách nhiệm nặng nề nhưng công việc ít được coi trọng.
Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung - Phó trưởng phòng Lao động Văn xã (Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM) cho rằng, việc xây trường để đảm bảo chỗ học cho trẻ chỉ mới là một vấn đề không quá khó để giải quyết. Nhưng xây trường mà thiếu GV thì cũng sẽ không đem lại kết quả. Trong khi việc đào tạo GV không thể có ngay, cần một quá trình đào tạo và cả kế hoạch “giữ chân” GV.
Tại cuộc họp Hội đồng hiệu trưởng khối ngành sư phạm TPHCM 2014, bà Bùi Thị Băng Tuyết - chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) băn khoăn cho rằng đào tạo là một chuyện, nhưng sinh viên ra trường có trụ nổi với công việc này hay không? Một em tốt nghiệp mới ngoài 20 tuổi, lấy đâu khả năng và kinh nghiệm xử lý tình huống để chăm nuôi trẻ nhỏ. Cũng vì thế mà dễ dẫn đến những việc đau lòng như cho trẻ uống thuốc ngủ, bịt miệng trẻ.
“Đây là việc cần cân nhắc để không rơi vào tình trạng sinh viên ra trường là “chạy mất dép” rất lãng phí. Có bao nhiêu em sau một vài năm có thể bám nghề? Nhất là bây giờ các em toàn con một, con cưng đến việc nhà còn không biết làm nói gì chăm đứa trẻ 6 tháng tuổi”, bà Tuyết cảnh báo.
Kế hoạch nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, chăm lo cho cả trẻ không có hộ khẩu của TPHCM được người dân đồng tình. Vậy nhưng, đây cũng là một thách thức đối với ngành giáo dục mầm non thành phố.
Hoài Nam