Thanh Hóa:

85 tuổi vẫn miệt mài làm khuyến học

(Dân trí) - Năm nay đã bước sang tuổi 85, thế nhưng hàng ngày cụ vẫn miệt mài học thêm môn Toán, nghiên cứu sách để dạy kèm và làm gương cho con cháu trong nhà. Cụ còn rong ruổi khắp các làng xóm và từ đó cho ra đời tiếng kẻng khuyến học.

Cụ là Phạm Đình Toại, 85 tuổi, ở thôn Thủ Lộc, xã Quảng lợi, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Mặc dầu ở cái tuần gần đất xa trời nhưng cụ vẫn là tấm gương mẫu mực khiến cho người dân xã Quảng Lợi hết lòng thán phục về cách làm khuyến học của cụ trong thời gian qua.  
 
Người thầy giáo tận tâm 
 
Năm 1947, sau khi tốt nghiệp xong phổ thông ở trường Đào Duy Từ, chàng thanh niên Phạm Đình Toại tràn đầy lý tưởng bắt đầu sự nghiệp của mình từ những lớp tiểu học. Một thời gian sau, thầy theo học lớp sư phạm 7 + 2 rồi ra đi dạy cấp 2. Trong khoảng thời gian từ năm 1967 - 1971, thầy tiếp tục theo học ở trường Đại học sư phạm 1 Hà Nội và trở về quê hương dạy môn tâm lý học. Mãi đến năm 1981 thầy về nghỉ hưu. 
 
85 tuổi vẫn miệt mài làm khuyến học  - 1
Thời gian rảnh rỗi, cụ Toại chăm sóc cây cảnh cho thoải mái tinh thần (Ảnh: Duy Tuyên)

Thầy luôn trăn trở đến sự học ở cái vùng quê nghèo khó của mình ngày ấy. Nên sau khi về nghỉ hưu, được ban giám hiệu trường THPT Quảng Xương IV mời phụ trách hội cha mẹ học sinh thầy đồng ý ngay. 

Nhớ lại những ngày bắt đầu phong trào, thầy tâm sự: “ngày ấy chưa gọi khuyến học như bây giờ, vì thấy tôi cũng từng công tác trong ngành giáo dục nên nhà trường đã mời ra phụ trách hội cha mẹ học sinh. Hội được phân về các thôn, mỗi thôn do một phụ huynh đảm nhận, tập hợp lại thành Ban chấp hành Hội toàn xã phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường để động viên các cháu học hành”. 

Thầy chia sẻ: “bản thân mình làm khuyến học thì mình phải là một tấm gương thì người khác mới nghe theo mà làm, cho đến tận bây giờ tôi vẫn luôn tự rèn luyện và giữ trọn phẩm chất người thầy giáo. Có được điều đó là vì sự nghiệp của tôi bắt đầu từ những năm khói lửa chiến tranh, là một người được kết nạp vào Đảng từ năm 20 tuổi và trong quá trình đó tôi được rèn luyện”. 

Tiếng kẻng khuyến học 

Ngày còn làm thường trực Công đoàn ngành giáo dục tỉnh, trong một lần có dịp đến thăm trường Tiểu học xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, thầy vô cùng ngạc nhiên với tiếng trống khuyến học nơi đây. Thấy vậy thầy suy nghĩ sao mình không học hỏi để mà áp dụng. Nghĩ là làm, thầy tìm hiểu và sau đó đã áp dụng ở địa phương mình. Những ngày đầu còn khó khăn chưa có điều kiện sắm trống hay kẻng báo hiệu, thầy dùng thanh tà vẹt của đường sắt để đánh báo hiệu giờ học buổi tối của các cháu học sinh trong thôn.  

Dần dần tiếng kẻng khuyến học được nhân rộng ra nhiều thôn rồi cả xã áp dụng, mọi người gọi đây là tiếng kẻng chất lượng. Đã nhiều năm nay nó trở thành nếp sống văn hoá ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân và nhất là các thế hệ học sinh nơi đây.  

Thầy không ngờ tiếng kẻng khuyến học lại thành công đến vậy, giờ đây khi mà hệ thống loa truyền thanh của xã ra đời, cứ đúng 7 giờ tối khi tín hiệu từ hệ thống loa truyền thanh báo là các phụ huynh nhắc nhở con cháu vào học bài.  

Trong nhiều năm qua, nhờ tiếng kẻng khuyến học mà phong trào học tập ở địa phương không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tích. Cũng từ đó đã có nhiều em học hành đỗ đạt và trưởng thành đi làm ăn xa, cũng có những em trở về cống hiến cho quê hương. 

 
Còn sống thì còn cống hiến  

Niềm trăn trở lớn nhất của thầy là không chỉ động viên tinh thần cho các cháu mà đã sinh ra phong trào phải có cái gì đó để thưởng cho các cháu học sinh. Nhưng biết kiếm đâu ra nguồn kinh phí đó, với đồng lương hưu ít ỏi mà một mình đứng ra thì chỉ như là hạt cát bỏ biển, người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, mình lại vận động thì không hiểu quả. Sau nhiều đêm trăn trở, thầy nghĩ đến tầng lớp hưu trí ở địa phương như thầy. Ngay lập tức thầy bắt tay vào cuộc vận động và suy nghĩ làm thế nào để các cụ hưu trí hưởng ứng và duy trì được suốt đời để khỏi mất công đi vận động nhiều lần.  
 
85 tuổi vẫn miệt mài làm khuyến học  - 2
Đã 85 tuổi nhưng cụ hằng ngày vẫn miệt mài đèn sách xem thêm những kiến thức để dạy các cháu (Ảnh: Duy Tuyên)

Để làm gương cho cuộc vận động, thầy đã xung phong trích mỗi tháng 40 ngàn để ủng hộ quỹ khuyến học của thôn. Sau đó, thầy vận động các cụ hưu trí mỗi người đóng góp 1.000 đồng/tháng. Cho đến nay mức đóng góp đã tăng lên 3.000 đ mỗi tháng. Hiện tại quỹ khuyến học của thôn đã lên đến hàng chục triệu đồng, cũng từ nguồn quỹ này đã động viên khích lệ kịp thời cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh vượt khó vươn lên. 

Ý tưởng trên được xuất phát từ suy nghĩ về giải thưởng Nobel, thầy luôn suy nghĩ tại sao người ta có một sáng kiến vĩ đại thế mà mình không làm theo. Theo thầy cái hay ở đây là chết đi vẫn để lại lợi ích cho đời. Để áp dụng mình phải tuỳ thuộc vào hoàn cảnh điều kiện của địa phương mình, từ ý tưởng đó mà giờ đây Hội đã có nguồn quỹ để động viên cho các cháu học sinh. 

Ngày nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, với số tiền thưởng 1 triệu đồng, thầy suy nghĩ ngay đến việc làm thế nào để phát huy tác dụng của số tiền đó. Và rồi ý tưởng lại nảy ra trong đầu, thầy suy nghĩ tiền này là của Đảng, nên thưởng cho sinh viên được kết nạp vào Đảng. Và em Trịnh Đức Cường, sinh viên Đại học Hồng Đức được kết nạp vào Đảng đã vinh dự được nhận món quà trên.  

Thầy còn nhớ mãi câu nói của liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm: “những ngày còn sống thì phải sống xứng đáng”. Đã bước sang tuổi 85, thế nhưng ít ai nghĩ rằng, hàng ngày thầy vẫn tự mua sách giáo khoa về học. Hiện thầy đã học xong chương trình Đại số lớp 9 và đang chuẩn bị học chương trình Đại số lớp 10, thầy học để có kiến thức kèm cho các cháu học sinh trong thôn, từ đó làm gương cho mọi người và phấn đấu vì xã hội học tập. 

Động cơ khiến thầy luôn luôn học tập và rèn luyện là sống phải sống vui, sống khoẻ và sống có ích, muốn vậy đầu óc phải minh mẫn mà muốn đầu óc minh mẫn thì không có gì bằng học tập và rèn luyện. 

Ở cái tuổi 85 nhưng trông thầy vẫn quắc thước với dáng người thon nhỏ, mái tóc trắng bạc phơ và đôi mắt đen sáng ngời. Hàng ngày vào buổi sáng thầy thường tiếp khách, buổi chiều ngồi vào bàn học chương trình Toán các cấp, tối đến đọc sách Lịch Sử. Ngoài ra thầy còn dành thời gian để tìm hiểu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.  

Chia sẻ về sở thích học môn Toán thầy tâm sự: “môn Toán đòi hỏi phải tư duy logic, phải nhớ có hệ thống, khoa học và từ đó suy nghĩ về cuộc sống nó mới chuẩn, mới có hệ thống. Có nhiều đêm chưa làm xong bài toán là tôi không sao ngủ được, muốn vậy phải có sức khoẻ, với tôi bài thuốc duy trì sức khoẻ tốt nhất là tập thể dục, sáng tập tối tập, nhưng tập phải có cơ sở khoa học”. Thầy luôn tâm đắc câu nói của liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm rằng: “những ngày còn sống là phải sống xứng đáng”. 
Tâm nguyện lúc này của thầy với tư cách là một người Đảng viên phải sống sao cho xứng đáng với danh hiệu người Đảng viên, phải có niềm tin vững vàng. Với tấm lòng tâm huyết của người thầy giáo, người dân nơi đây đã gọi thầy bằng một cái tên trìu mến, cụ già khuyến học. 
Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm