78,5% học sinh Hà Nội bị tâm lý căng thẳng vì thi cử

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi “Yếu tố nào ảnh hưởng đến căng thẳng của học sinh?”, qua khảo sát, học sinh ở Hà Nội thì có đến 65,5% học sinh được hỏi chia sẻ nguyên nhân từ học hành và 78,5% từ việc thi cử…

Thầy Đỗ Văn Đoạt (Trường ĐH SP Hà Nội) thực hiện một khảo sát nhỏ trên 290 học sinh THCS và THPT của Hà Nội về cách ứng phó với căng thẳng trong kỳ thi chuyển cấp. Kết quả nghiên cứu ban đầu đã tạo cơ sở khoa học cho các biện pháp hình thành kĩ năng ứng phó với căng thẳng cho học sinh trong các trường học.


Phần lớn học sinh cho rằng căng thẳng là một khuynh hướng, một phản ứng tâm lí của cơ thể.

Phần lớn học sinh cho rằng căng thẳng là một khuynh hướng, một phản ứng tâm lí của cơ thể.

Chủ yếu căng thẳng do học và thi

Chia sẻ của thầy Đỗ Văn Đoạt, 290 học sinh được khảo sát có độ tuổi trung bình 16, có hơn 90% khẳng định có các giai đoạn căng thẳng trong quá trình học thi chuyển cấp ở một hoặc nhiều thời điểm nào đó. Học sinh ngoại thành cảm thấy căng thẳng nhiều hơn một chút so với học sinh nội thành.

Những học sinh được hỗ trợ tài chính nhiều căng thẳng hơn so với những học sinh được hỗ trợ tài chính ít hơn. Điều này thể hiện sự kiểm soát về tài chính, những cam kết được thiết lập trong gia đình cũng là yếu tố gia tăng mức độ căng thẳng ở học sinh.

Các biểu hiện căng thẳng như: tâm trạng kém, không có khả năng tập trung, ưu phiền, thay đổi giấc ngủ thường xuyên và cô đơn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vấn đề khác.

Trả lời câu hỏi “Yếu tố nào ảnh hưởng đến căng thẳng của học sinh?”, qua khảo sát, có đến 65,5% học sinh được hỏi chia sẻ nguyên nhân từ học hành và 78,5% từ việc thi cử. Một số học sinh (6,8%) không nhận diện được lý do nào khiến mình căng thẳng…

Theo thầy Đỗ Văn Đoạt, thực tế cho thấy, phần lớn học sinh cho rằng căng thẳng là một khuynh hướng, một phản ứng tâm lí của cơ thể. Căng thẳng bắt nguồn từ những áp lực bên ngoài tác động đến công việc học hành, sức ép tâm lí, sự bất lực, không có khả năng ứng phó, khối lượng bài vở gia tăng và có kì vọng cao.

Số học sinh khác ví căng thẳng như là sự phá vỡ các thói quen thông thường, sự thiếu tập trung, nỗi thất vọng, phản ứng với môi trường nhiều áp lực, mất hứng thú, tự ti, trầm cảm,… Số ít học sinh lại nghĩ rằng, căng thẳng là vấn đề vượt quá sức chịu đựng về mặt cơ thể và tinh thần của cá nhân, làm cho cá nhân bị kiệt sức.

Chiến lược của học sinh ứng phó với căng thẳng

Số học sinh được điều tra có các chiến lược ứng phó khá đa dạng, như dành thời gian cho bạn bè, ngủ, nghe nhạc, chơi thể thao, tự cô lập bản thân, lao vào học tập… Bên cạnh đó, những chiến lược như: cầu nguyện, thiền định, thăm người thân, thay đổi thói quen ăn uống, xem phim và trò chuyện trực tuyến cũng được học sinh quan tâm chú ý.

Kết hợp với quan sát, phỏng vấn sâu, kết quả: nữ sinh thích học và ngủ, trong khi nam sinh thích đi chơi với bạn bè, chơi thể thao hoặc cô lập bản thân. Đối với những học sinh ngoại thành và nội thành, việc dành thời gian cho bạn bè và chơi thể thao chiếm số lượng nhiều hơn cả. Có sự khác biệt đáng kể giữa những học sinh ngoại thành và nội thành khi coi “hút thuốc” là một chiến lược ứng phó với căng thẳng.

Trong số được khảo sát, có 76% học sinh hài lòng với các chiến lược ứng phó với căng thẳng của mình. Học sinh nam ứng phó đa dạng với nhiều kĩ thuật hơn học sinh nữ; học sinh ngoại thành hài lòng hơn với chiến lược ứng phó của mình so với học sinh nội thành.

Mặc dù có tới 80,7% học sinh thích ngồi một mình ở nhiều thời điểm, nhưng trong những tình huống căng thẳng, có 71,6% học sinh muốn nói chuyện với ai đó.

80% học sinh lớp 9 được khảo sát thể hiện sự háo hức muốn nói chuyện với ai đó, trong khi học sinh lớp 12 chỉ có 67%. Nam giới có xu hướng thích điều này hơn nữ giới.

Trong số 22,7% học sinh thích tham khảo ý kiến của gia đình thì nữ thích làm việc này hơn nam. Học sinh nội thành tham khảo ý kiến của gia đình ít hơn học sinh sống ở ngoại thành. Những học sinh không tìm bạn bè, người thân chia sẻ thì họ tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc giáo viên chủ nhiệm.

Học sinh cần sẵn sàng đối diện với những thay đổi

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, thầy Đỗ Văn Đoạt cho biết, căng thẳng là hiện tượng phổ biến, đương nhiên xuất hiện trong cuộc sống của bất cứ lứa tuổi nào. Xã hội càng phát triển càng đòi hỏi cao ở người học, tạo sức cạnh tranh lớn. Do đó, yêu cầu giáo dục một mặt định hướng tốt cho sự phát triển của học sinh, mặt khác, học sinh có thể có căng thẳng nếu không có những chiến lược ứng phó phù hợp.

Căng thẳng có nhiều trường hợp tạo động lực phấn đấu và phát triển cho cá nhân. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài, liên tục, đột ngột và không thể quản lý được sẽ gây tổn hại. Do đó, để ứng phó tốt, học sinh cần sẵn sàng đối diện với những thay đổi và giải quyết vấn đề gây căng thẳng.

Cuộc sống của HS có nhiều yếu tố cấu thành, trong đó có những yếu tố gây căng thẳng ở họ. Những học sinh phải đối mặt với các vấn đề xã hội, tình cảm, thể chất và gia đình có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập và thành tích học tập

Cho nên, nhận thức rõ biểu hiện căng thẳng của bản thân và tìm cách ứng phó phù hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm căng thẳng, tạo lập cuộc sống khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần. Đặc biệt, đối với các kỳ thi chuyển cấp - kỳ thi có tính cạnh tranh cao và thường là yếu tố tạo áp lực, căng thẳng cho học sinh.

“Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào được tiến hành để đánh giá căng thẳng và các chiến lược ứng phó với căng thẳng của học sinh thi chuyển cấp ở thành phố Hà Nội. Bởi thế, tôi cho rằng, khảo sát chiến lược ứng phó với căng thẳng trong kỳ thi chuyển cấp của học sinh ở Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

Kết quả nghiên cứu vừa làm cơ sở cho quá trình tác động, giáo dục ở các nhà trường, vừa làm cơ sở so sánh giữa học sinh ở Hà Nội với học sinh ở các vùng khác trên toàn quốc.

Từ kết quả thực tiễn, nhà trường và gia đình cần thường xuyên tương tác với học sinh để giúp họ cải thiện thói quen học tập, quản lý thời gian hiệu quả, cách tự học, cách thư giãn và các kĩ thuật quản lý căng thẳng thiết thực, nhằm đạt hiệu quả của kỳ thì chuyển cấp” – thầy Đỗ Văn Đoạt cho hay.

Hội thảo Tâm lý học đường quốc tế lần thứ VI diễn ra tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong hai ngày 1 và 2/8/2018 với chủ đề: “Vai trò của Tâm lý học trường học trong việc đảm bảo Sức khoẻ tâm lý cho học sinh và gia đình”.

Tại đây, công chúng và chuyên gia trong nước và quốc tế có dịp lắng nghe, trao đổi và chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tâm lý học trường học.

Qua sự kiện, người tham dự đã thảo luận trực tiếp về nhiều nội dung: Những lưu ý của phụ huynh trong vai trò bảo vệ và vận động chính sách cho con em khuyết tật; các trường giới thiệu những chương trình đào tạo tâm lý học đường hiện nay cho sinh viên; các ban giám hiệu trình bày việc xây dựng phòng tham vấn học đường trong nhà trường...

Sự kiện còn có bàn tròn cho giới truyền thông sẽ thảo luận về việc tác nghiệp báo chí - truyền thông ở lĩnh vực tâm lý học đường, sức khỏe tâm thần, giáo dục đặc biệt...

Bùi Dũng (ghi)