7 nhóm giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục đại học VN

Ngày 2/11, Chính phủ đã có nghị quyết 14-2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) VN giai đoạn 2006-2020. Để triển khai thực hiện nghị quyết này, Chính phủ sẽ thành lập Ban chỉ đạo đổi mới GDĐH do một phó thủ tướng phụ trách.

Trong nghị quyết, Chính phủ đã đề ra bảy nhóm nhiệm vụ với những giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ GDĐH về cơ cấu, hệ thống và mạng lưới cơ sở GDĐH; qui trình và nội dung, phương pháp đào tạo; xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng của các cơ sở đào tạo ĐH; cơ chế tài chính nhằm đa dạng hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư của GDĐH; đổi mới quản lý GDĐH theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các trường ĐH; nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống GDĐH trong quá trình hội nhập quốc tế.

 

Từ nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành, Ban chỉ đạo đổi mới GDĐH của Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan xây dựng các đề án cụ thể, chi tiết cho từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp và bắt đầu thực hiện lộ trình đổi mới GDĐH VN từ năm 2006.

 

Được biết, chuẩn bị cho việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã chủ trì xây dựng đề cương đề án tổng thể “Đổi mới GDĐH VN” với mục tiêu đến năm 2020 GDĐH nước ta phải có bước chuyển cơ bản về chất lượng và qui mô, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao trí tuệ của dân tộc, tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nâng một số trường ĐH lên đẳng cấp quốc tế...

 

Bộ GD-ĐT cũng xác định phương hướng mở rộng qui mô đào tạo đạt tỉ lệ 200 SV/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 SV/1 vạn dân vào năm 2020; có khoảng 40% SV thuộc các trường ngoài công lập, 40% giảng viên có trình độ thạc sĩ và 25% có trình độ tiến sĩ vào năm 2010...

 

Theo Thanh Hà

Tuổi Trẻ