51 trường ĐH ngoài công lập chưa từng thực hiện đề tài cấp nhà nước
(Dân trí) - Sau 20 năm hình thành và phát triển, các trường đại học ngoài công lập (NCL) đã góp phần nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục ĐH, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Tuy vậy, dù phát triển nhanh về số lượng, các trường ĐH NCL vẫn còn hạn chế trong nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại Hội nghị các trường ĐH NCL diễn ra ngày 14/4 tại TPHCM, PGS.TS Phạm Thị Huyền, đại diện nhóm nghiên cứu các trường ĐH NCL cho biết về cơ bản, các trường ĐH NCL quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không phải trường nào cũng đủ năng lực và có cơ hội tham gia, độ lệch chuẩn về số đề tài giữa các trường khá lớn - nhất là số đề tài cấp trường, số bài báo trong nước và quốc tế. Riêng đề tài cấp nhà nước, Nghị định thư, cấp Bộ/tỉnh độ lệch nhỏ một phần vì có rất ít trường có các đề tài ở cấp này.
Theo bà Huyền, khá nhiều trường có phản ánh rằng giảng viên, cán bộ của trường có tham gia các đề tài với tư cách thành viên nhưng để có thể chủ trì đề tài cấp Bộ hay Nhà nước trở lên thì rất khó khăn. Thậm chí, có tới 51 trường cho biết, họ chưa từng được thực hiện đề tài nào ở cấp nhà nước. Chỉ 2 trường đã từng có đề tài Nghị định thư là ĐH Duy Tân (2 đề tài) và ĐH Nguyễn Tất Thành; 42 trường có đề tài cấp tỉnh (đa số đều dưới 10 đề tài).
Một điều đáng lưu ý là có tới 26 trường chưa từng tài trợ hay đầu tư cho thực hiện các đề tài cấp trường - tương đương gần như không có nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, có tới 34 trường không có bài báo trong nước.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, do chất lượng đầu vào của sinh viên không đồng đều và thường thấp hơn mặt bằng chung, việc đào tạo tại các trường NCL gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chương trình đào tạo theo đánh giá của sinh viên là còn các bất cập về tỷ lệ giữa lý thuyết - thực hành và lộ trình đào tạo.
Sau 20 năm ra đời, thế nhưng vẫn có những trường có quá nhiều cơ sở, diện tích của một cơ sở nhỏ, chứng tỏ đầu tư manh mún và chưa có tầm nhìn dài hạn để tạo ra một môi trường học thuật. Bên cạnh đó, ở một số ngành thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ các điều kiện về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành còn hạn chế và ko được cập nhật liên tục, chỉ có một ít trường top đầu mới đảm bảo vấn đề này. Hệ thống thư viện của một số trường còn yếu, tình trạng học liệu nghèo nàn tồn tại ở nhiều trường.
Số liệu thống kê từ nghiên cứu cho thấy, có tới 12 trường đi thuê 100% cơ sở đào tạo, chiếm 27,3%; đáng lưu ý là trong đó 5/12 trường là những trường đã được thành lập trên 20 năm. Ngoài ra, số trường hiện nay đang hoạt động trên diện tích đất sở hữu là 24 trường, chiếm 54,5%.
Về tình hình và cơ chế thu chi, đa phần các trường ĐH NCL đã có thu đủ bù chi nhưng số trường có nguồn thu từ học phí và các khoản thu khác dôi dư để đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn khá khiêm tốn. Điều này xuất phát từ khó khăn mà nhiều trường ĐH NCL đề cập chính là vấn đề tuyển sinh.
Trong 43 trường cung cấp số liệu thu - chi tài chính 2016 thì 3 trường có tổng thu lớn nhất lần lượt là ĐH FPT, ĐH Công nghệ TPHCM và ĐH Nguyễn Tất Thành. Trường nộp ngân sách nhà nước nhiều nhất lại là các trường: ĐH FPT, Công nghệ Tp. HCM, Hoa Sen. Trường Nguyễn Tất Thành đứng đầu về tổng chi và ĐH Văn Lang đứng đầu về trích lập quỹ.
Trong năm 2016, đã có 33/43 trường hoạt động có thu vượt chi và 13 trường thu không đủ bù chi. Các trường hoạt động thu không đủ chi đa phần là các trường đang trong quá trình tái cơ cấu/chuyển đổi mô hình hoạt động và chủ đầu tư hoặc các trường có tiềm lực tài chính thấp. Trong năm 2016, tổng nộp ngân sách nhà nước của 43 trường ĐH NCL đạt hơn 111 tỉ đồng, tỷ lệ tổng lợi nhuận trên tổng chi đạt đến 119%.
Lê Phương