5 vấn đề đổi mới dạy học Lịch sử thời hội nhập

PGS.TS Trịnh Đình Tùng - Khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đặt ra 5 vấn đề cần giải quyết đối với phương pháp giảng dạy lịch sử ở các trường ĐH Sư phạm trong xu thế hội nhập quốc tế.

Xác định động cơ

Vấn đề đầu tiên PGS.TS Trịnh Đình Tùng đặt ra là phải xác định được động cơ, hứng thú, sự tập trung chú ý theo dõi bài giảng của sinh viên. Động cơ là động lực bên trong thúc đẩy trực tiếp con người hoạt động.

Tuyệt đại bộ phận động cơ của con người đều được thể hiện qua nhu cầu. Không có động cơ, không có nhu cầu lĩnh hội kiến thức, sinh viên không tích cực tham gia vào quá trình nhận thức, không thể có tính tích cực được.

Như vậy, bước thứ nhất của công việc dạy học này là làm thế nào để khêu gợi hứng thú học tập của sinh viên đối với việc học tập, làm rõ mục đích học tập, nhiệm vụ nhận thức của bài.

Công việc này tập trung tiến hành trong bài mở đầu cũng như phần đầu của mỗi bài trong suốt quá trình giảng dạy. Muốn làm được điều đó người thầy phải biết nêu ra một số vấn đề có tính hấp dẫn trong nội dung học tập và khêu gợi hứng thú học tập của sinh viên, khiến họ khát khao muốn biết, kích thích tính tích cực học tập của sinh viên.
 
Nguồn tư liệu phong phú


Nguồn tư liệu phong phú

Vấn đề thứ hai, theo PGS.TS Trịnh Đình Tùng là sưu tầm các sự kiện, tài liệu để tìm hiểu quá trình lịch sử đang học. Đây là giai đoạn quan trọng của quá trình dạy học. Xuất phát từ đặc trưng bộ môn, nhận thức lịch sử phải xuất phát từ sự kiện, tư liệu chính xác.

Phải tuân thủ nguyên tắc: không nhận xét, đánh giá, giải thích sự kiện, hiện tượng lịch sử mà lại không xuất phát từ sự kiện chính xác không thể chối cãi.
 
Sự kiện càng cụ thể bao nhiêu, sinh động bao nhiêu, phong phú bao nhiêu thì càng hay bấy nhiêu. Đồng thời, cũng không có sự kiện, hiện tượng nào lại không được giải thích, đánh giá xuất phát từ chính bản thân sự kliện hiện thực.

Trong giảng dạy lịch sử, điều kiện cơ bản nhất để tái tạo hình ảnh quá khứ là tư liệu lịch sử. Nếu thầy không có nguồn tư liệu phong phú, không cung cấp cho sinh viên nguồn tư liệu lịch sử cụ thể chân thực thì dù có phương pháp giảng dạy nào đi chăng nữa cũng không thể đạt được hiệu quả mong muốn.

Lý giải tài liệu, sự kiện, hiện tượng lịch sử

Với vấn đề này, PGS.TS Trịnh Đình Tùng cho rằng, khi sinh viên tiếp xúc với nguồn tư liệu lịch sử, họ mới chỉ tái tạo hình ảnh các sự kiện, hiện tượng, mới chỉ “biết” lịch sử diễn ra như thế nào một cách căn bản, tức là mới dừng lại ở giai đoạn nhận thức cảm tính.

Trong giai đoạn này, sinh viên chưa thể hình thành khái niệm sâu sắc, chưa hiểu được bản chất của sự kiện, mối liên hệ giữa sự kiện này với sự kiện khác, hiện tượng này với hiện tượng khác và giải thích quy luật của sự kiện lịch sử.

Củng cố kiến thức được tiếp nhận

Quá trình học tập ở trường ĐHSP là quá trình tích luỹ kiến thức. Ở một số môn học ở trường, nhiều kiến thức cơ bản có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình dạy học.

Do đó, sinh viên được củng cố một cách tự nhiên. Thế nhưng, những kiến thức lịch sử thường chỉ dạy cho sinh viên một lần mà không trình bày lại nữa. 

Điều này có thể gây những khó khăn nhất định trong ghi nhớ những kiến thức cơ bản. Vì vậy, việc củng cố kiến thức đã học lại càng đóng vai trò quan trong trong dạy học lịch sử.

Vận dụng tri thức lịch sử

Vấn đề thứ năm là hướng dẫn sinh viên vận dụng tri thức lịch sử trong học tập, nghiên cứu vào cuộc sống.

Trong dạy học lịch sử nếu sinh viên chỉ biết ghi nhớ những kiến thức đã học thì chưa đảm bảo yêu cầu học tập. Người thầy phải giúp sinh viên hiểu lịch sử, vận dụng những tri thức đã học vào thực tế để hình thành năng lực nào đó.

Đối với bộ môn lịch sử, quá trình vận dụng kiến thức là quá trình sử dụng những kiến thức đó nhận thức kiến thức mới, để hiểu hiện tại và giải quyết những vấn đề đặt ra theo quy luật.

***

PGS.TS Trịnh Đình Tùng khẳng định: Vấn đề nghiên cứu và giảng dạy các ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung, lịch sử nói riêng ở các trường ĐHSP trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay là một vấn đề lớn và khó.

Lớn và khó là ở chỗ việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược nếu muốn tồn tại và phát triển. Ai cũng nhận thức được điều đó và muốn thực hiện nó. Song hội nhập quốc tế như thế nào trong nghiên cứu và giảng dạy ở trường ĐHSP thì không dễ.

Nếu các ngành khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, Sinh hay Ngoại ngữ, sự hội nhập quốc tế có thể diễn ra thuận lợi, ít có những bất đồng quan điểm, các nhà khoa học dễ dàng thực hiện những hoạt động trao đổi, nghiên cứu giảng dạy thì ở các ngành khoa học xã hội, nhất là khoa học lịch sử lại bị nhiều rào cản trong quá trình hội nhập đó.

Điều đó giải thích vì sao trong khi các nhà khoa học tự nhiên ở nước ta ngày càng tăng cường hợp tác mở rộng nghiên cứu với nước ngoài, còn các nhà sử học của chúng ta thì ít nếu không nói là rất hiếm có sự giao lưu hợp tác đó.

Việc mời các nhà sử học nước ngoài tham gia đào tạo ở Việt Nam và ngược lại các nhà sử học Việt Nam tham gia giảng dạy đào tạo cho các trường đại học khác trên thế giới là rất hiếm.

Trong nghiên cứu giảng dạy lịch sử, nhất là ở trường ĐHSP, đối tượng nghiên cứu tức hiện thực lịch sử là không có biên giới còn nhà nghiên cứu thì có biên giới. Đây là những khó khăn đối với công tác sử học trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

”Nói như thế không có nghĩa là việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở các trường ĐHSP là “đóng cửa” không thể hội nhập được với quốc tế mà phải xác định lựa chọn được những thành tựu, những kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài để học hỏi, nâng tầm nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở nước ta đạt được trình độ của khu vực và quốc tế. 

Trong các lĩnh vực mà chúng ta cần hội nhập hiện nay thì phương pháp giảng dạy, hình thức đào tạo theo chúng tôi là cần hơn cả” - PGS.TS Trịnh Đình Tùng nhấn mạnh.

Theo Hải Bình
GD&TĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm