Hà Tĩnh:
5 anh em trong một gia đình nghèo đều lần lượt đậu vào lực lượng vũ trang
(Dân trí) - Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm bám mấy sào ruộng, thế nhưng 4 người con trai của vợ chồng ông Hồ Sỹ Trân (SN 1962, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đều lần lượt đậu vào Học viện Cảnh sát Nhân dân. Mới đây, niềm vui trọn vẹn với gia đình ông Trân khi cậu con trai út vừa trúng tuyển vào Trường Sỹ quan Chính trị.
Gia đình ông Trân có 4 người con trai ruột thì 3 con đều học Học viện Cảnh sát Nhân dân, đó là: Hồ Sỹ Tích (SN 1987, học viên D31, hiện đang công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh); Hồ Sỹ Tùng (SN 1992, học viên D38, đang công tác tại Công an huyện Mai Sơn, Sơn La); Hồ Sỹ Tiến (SN 1997, học viên D41, hiện đang theo học năm 4 Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Người con út Hồ Sỹ Tâm (SN 1998) vừa đậu Trường Sỹ quan Chính trị với số điểm 27,5 khối C.
Ngoài ra, gia đình ông còn có một người con nuôi là Trần Văn Huần (SN 1994, học viên D39 Học viện Cảnh sát Nhân dân, hiện công tác tại Công an huyện Bắc Yên, Sơn La.
Bán lúa cho con đi thi
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, ông Trân với dáng người nhỏ bé, gầy gò vui vẻ rót nước mời khách rồi chia sẻ về việc học của những đứa con. Đó là những cực nhọc lẫn hạnh phúc trào nước mắt khi các con đã không phụ công lao sinh thành dưỡng dục của đôi vợ chồng nghèo.
Ông Trân cho hay, gia đình ông vốn nghèo khó nhất xã, tất cả 7 miệng ăn đều trông vào mấy sào ruộng và những vất vả ngược xuôi buôn hàng xáo của vợ chồng. Những năm 2000, gia tài quý nhất của cả nhà chỉ có mỗi chiếc xe đạp cũ nát, vậy nên để nuôi được 4 đứa con khôn lớn là việc không phải dễ dàng nhưng ông quyết tâm không để chuyện học hành của con xao nhãng.
“Thấy bố mẹ vất vả những đứa con của tôi luôn chăm chỉ học tập, và không ngờ các cháu luôn đạt những thành tích cao được thầy cô bạn bè khen ngợi. Cũng vì thế nên vợ chồng tôi cố gắng không quản ngày đêm mong cho con học hành nên người” - ông Trân kể.
Để đỡ gánh thêm cho bố mẹ, khi còn học cấp 3, anh Hồ Sỹ Tích làm bạn với chiếc xe đạp cà tàng đi hết đường làng, ngõ xóm để bán kem que kiếm thêm tiền mua sách vở tới trường. Nhiều lúc đi bán kem không kịp về nhà, anh Tích đã tấp xe ngoài cổng trường để vào học.
“Năm 2005 khi làm hồ sơ thi đại học, anh cũng không biết Học viện Cảnh sát Nhân dân rõ lắm, chỉ nghe người ta nói đậu vào đó rất khó và bố mẹ không phải nuôi ăn học. Chỉ nghĩ đến việc bố mẹ không phải nuôi thôi là anh đã nỗ lực hết mình, kết quả kỳ thi anh đạt điểm cao thừa đậu vào trường đó” - anh Tích nhớ lại.
“Năm thằng Tích đi thi cả gia đình còn 2,8 tạ lúa đành bán 1,4 tạ để có chi phí cho con đi thi, cũng vì thấy bố mẹ khó khăn như vậy mà các đứa em sau này lần lượt noi gương anh để không mang gánh nặng thêm cho bố mẹ” - ông Trân kể.
Cậu con nuôi cũng đậu trường cảnh sát
Đang vất vả lo cho con học hành nhưng năm 2010, thấy trong xóm có một em học sinh là Trần Văn Huần có nguy cơ thất học vì gia đình quá khó khăn, ông Trân đã về bàn với vợ nhận cậu học trò ấy làm con nuôi, về ở với gia đình ông Trân có rau ăn rau, có cháo ăn cháo rồi ông bà cố thêm phần nữa chu cấp cho Huần học hành.
“Hồi đó nhiều người trong làng cứ cho rằng vợ chồng tôi dở hơi khi lo cho các con ăn học còn chưa đủ mà lại nhận thêm người khác về nuôi. Tuy nhiên, dù ai có nói gì thì chúng tôi đều im lặng cho qua, và rồi Huần đã không phụ lòng gia đình, cháu đã xuất sắc tiếp bước các anh” - vợ ông Trân nói.
Hiện tại cậu con nuôi của ông Trân đã ra trường và có việc làm ở Sơn La, hễ có thời gian là Huần lại về thăm gia đình. Thành viên mới của gia đình luôn biết tạo niềm vui cho bố mẹ, tình cảm anh em giữa Huần và 4 đứa con ông Trân khăng khít như ruột thịt.
“Cứ mỗi lần được nghỉ phép là em lại về quê thăm bố mẹ, có những lần về em ở hẳn nhà bố mẹ nuôi luôn. Nếu không có sự quan tâm của bố mẹ nuôi, sự san sẻ của các anh em trong gia đình này thì tương lai của em giờ không biết ra sao” - Huần chia sẻ.
Tuy các con thành đạt nhưng ông Trân vẫn không ngừng lao động.
Được biết, trong số 5 người con của vợ chồng ông Trân, xuất sắc nhất là Hồ Sỹ Tiến, hiện đang là sinh viên khóa D41, Học viện Cảnh sát. Tiến không chỉ có số điểm thi đầu vào cao, Tiến từng được chọn đi đào tạo tại CHLB Nga. Nhưng do hoàn cảnh gia đình còn vất vả, khó khăn nên dự định của anh vẫn chưa thực hiện được.
Nhìn các con học hành nên người, nghĩ lại quãng thời gian khó khăn cực nhọc, vợ chồng ông Trân luôn cảm thấy toại nguyện, với họ dù khó khăn nhưng không bao giờ ngừng cố gắng thì niềm vui nhất định sẽ đến.
“Quan điểm của vợ chồng tôi dù khó khăn vất vả chỉ cần mình sống thật thà, nỗ lực vươn lên, cố gắng làm gương cho con cháu thì về già nhất định sẽ thảnh thơi. Bây giờ các con dù thành đạt nhưng tôi vẫn thường xuyên răn dạy phải sống làm sao cho xã hội này luôn tốt đẹp” - ông Trân cười vui vẻ.
Tiến Hiệp