450 chuyên gia, giảng viên quốc tế bàn về tiếng Anh chủ động thời đại mới
(Dân trí) - Trong 2 ngày 11, 12/10 tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã diễn ra Hội thảo quốc tế VietTESOL 2019 chủ đề “Giảng dạy tiếng Anh: Chủ động, Tích cực và Đa dạng” với sự tham dự quy mô lớn 450 đại biểu trong nước, là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, giáo viên tiếng Anh phổ thông.
Đến tham dự phiên khai mạc sáng 11/10 có lãnh đạo và chuyên viên Vụ, Cục, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo, chuyên viên các Sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc và 450 đại biểu trong nước, là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, giáo viên tiếng Anh phổ thông.
Đây là hội thảo do Đề án Ngoại ngữ Quốc gia phối hợp với Phân hội Giảng dạy và Nghiên cứu tiếng Anh Việt Nam (Phân hội VietTESOL) và trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế đồng tổ chức, được giới giảng viên, nghiên cứu về tiếng Anh trong toàn quốc đánh giá rất cao về mức độ chuyên môn chuyển tải.
Quy tụ đầy đủ giới học thuật, giảng viên trong toàn quốc và quốc tế về tiếng Anh, Hội thảo nhằm thúc đẩy nghiên cứu, thực hành giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam tích cực và đa dạng trong thời đại mới hiện nay
Hội thảo lần này có mục tiêu xây dựng diễn đàn chuyên môn năng động, kết nối tất cả các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu và quản lý nhằm phát triển cộng đồng giảng dạy tiếng Anh. Qua đó thúc đẩy công tác nghiên cứu, thực hành giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam một cách tích cực và đa dạng.
Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, sẽ có hơn 240 báo cáo chuyên đề tại các phiên song song, các bài trình bày poster, triển lãm ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tập trung vào các lĩnh vực: Trao đổi và phổ biến sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả trong giảng dạy tiếng Anh; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giáo viên; Sử dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh.
Đáng chú ý trong báo cáo phiên toàn thể do các học giả trong nước và quốc tế trình bày, nhiều chủ đề cốt lõi mang tính thời sự, chuyên môn cao đã được giới thiệu đến người tham dự như “Sử dụng công nghệ số trong đánh giá việc học tiếng Anh” của TS. Nick Saville, Hội đồng Khảo thí tiếng Anh ĐH Cambridge; “Vì sao giáo viên ngoại ngữ (cần) sử dụng ý tưởng của người khác” của GS. Donald Freeman, ĐH Michigan, Hoa Kỳ; “Trao quyền và thu hút học sinh: Đưa ra lời cam kết về việc hướng dẫn đọc trôi chảy” của GS. Fredricka l.Stoller, ĐH Nothern Arizona, Hoa Kỳ; “Trao quyền cho giáo viên tiếng Anh trong thời đại thay đổi - bạn có dám” của PGS.TS. Phạm Thị Hồng Nhung, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế; và “Hành trình từ sự tự chủ của người học đến trao quyền cho người học: Sự chuyển đổi và nguồn cảm hứng” của TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Đại Dương