4 “không thể” đối với hình thức thi trắc nghiệm
(Dân trí) - Theo khuyến cáo của Bộ GD-ĐT, thí sinh không thể đạt kết quả thi tốt đối với bài thi trắc nghiệm nếu như mắc phải chỉ 1 trong 4 điều dưới đây:
1. Không thể học tủ
Thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) có ưu điểm rõ ràng là đánh giá phạm vi kiến thức rộng hơn hình thức thi tự luận. Thi tự luận, mỗi câu hỏi, bài tập có thể rơi vào một vấn đề nào đó. Đề bài có tổng hợp đi chăng nữa vẫn có xác suất trúng “tủ”. Tuy nhiên, với mỗi đề thi TNKQ có khoảng 40, 50 câu hỏi có thể phủ kín phạm vi kiến thức của một môn học trong chương trình THPT.
Vì vậy thi bằng TNKQ, thí sinh không thể học “tủ” mà phải học toàn diện. Muốn học toàn diện, thí sinh không được qua bất cứ kiến thức cơ bản nào có trong chương trình.
2. Không thể quay cóp
Với phạm vi bao quát rộng của đề thi, thí sinh khó có thể chuẩn bị tài liệu để quay cóp. Nhiều thí sinh đã có ý nghĩ thi trắc nghiệm chỉ cần bôi tròn câu trả lời thì chỉ cần thời gian rất nhanh để hoàn thành bài làm nếu được nhìn... trộm bài vào những phút cuối! Thật sai lầm vì các đề thi trắc nghiệm, nếu chỉ nhìn lướt qua thì rất khó phân biệt được sự khác nhau giữa các đề vì máy tính đã giúp xáo trộn thứ tự các câu hỏi trắc nghiệm và các phương án trả lời, thí sinh ngồi gần nhau sẽ nhận được các đề thi khác biệt nhau về hình thức, phải đánh dấu vào phiếu trả lời theo những cách hoàn toàn khác nhau, do đó rất khó cóp bài của nhau.
3. Không thể tồn tại may rủi
Với một đề thi tự luận còn có thể gặp may rủi do trúng tủ, lệch tủ. Còn với đề thi TNKQ, may rủi hầu như hoàn toàn không xảy ra. “Số đỏ” không bao giờ đến với những thí sinh đánh dấu bừa vào bài thi mà không cần nắm được kiến thức.
Một số người cho rằng đối với loại câu trắc nghiệm bốn phương án, nếu chọn ngẫu nhiên cũng có xác suất đúng được 25%. Nhưng, tần suất trả lời đúng đạt tối đa của xác suất này cũng chỉ là khoảng 25% câu hỏi thì theo cách chấm điểm TNKQ thông thường đối với đề thi chuẩn, làm đúng 25% số câu hỏi vẫn sẽ chỉ đạt ở ngưỡng lân cận với điểm 0.
4. Không thể ôn luyện thi cấp tốc
Thí sinh cần tích lũy kiến thức một cách toàn diện, nắm vững toàn bộ kiến thức cơ bản. Muốn làm như vậy phải học theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể trông cậy vào luyện thi cấp tốc, nhồi nhét kiến thức trong thời gian ngắn.
Nếu thí sinh không nắm thật vững kiến thức, chỉ chọn đáp án một cách hú họa, tương đối theo trí nhớ mang máng sẽ rất dễ mất điểm. Cùng đó, những đề thi TNKQ được in bán tràn lan bên ngoài hiện nay hầu hết là những đề thi không có chất lượng, chưa đúng với yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Vì thế, nếu luyện thi thì chỉ có thêm “hoạ“ cho thí sinh.
Để làm bài thi trắc nghiệm hiệu quả, thí sinh cần rèn luyện kỹ năng tư duy và khả năng vận dụng kiến thức bởi thi trắc nghiệm đòi hỏi thí sinh phải xử lý nhanh hơn khi làm bài trắc nghiệm để tiết kiệm thời gian.
M.M