4 bước quan trọng để định hướng nghề nghiệp phù hợp

(Dân trí) - Để định hướng nghề nghiệp phù hợp, bác sĩ Di Ái Hồng Sâm, tốt nghiệp Excutive Education tại ĐH Harvard (Mỹ) khuyên rằng có 4 bước quan trọng: khám phá, tìm hiểu về bản thân; tìm hiểu về ngành nghề; trải nghiệm công việc; chọn ngành phù hợp, bắt đầu rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết.

Hàng trăm học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, TPHCM vừa được trực tiếp được lắng nghe đàn anh đàn chị đi trước là những doanh nhân, ca sĩ nổi tiếng chia sẻ về định hướng nghề nghiệp.

Chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia nhưng nhiều học sinh lớp 12 vẫn còn rất lúng túng, băn khoăn với quyết định chọn ngành, chọn trường của mình. Nhiều em còn chưa biết mình chọn lĩnh vực gì để theo học và không ít học sinh lo lắng, hoang mang với chính lựa chọn của mình.


Nhiều học sinh lớp 12 còn rất ngây ngô với việc chọn ngành nghề theo học

Nhiều học sinh lớp 12 còn rất ngây ngô với việc chọn ngành nghề theo học

Đến giờ phút này, chưa đầy hai tuần nữa bước vào kỳ thi THPT quốc gia, nhiều học sinh rụt rè bày tỏ các em không hề biết mình yêu thích, đam mê lĩnh vực gì để ra quyết định phù hợp. Có em chọn đăng ký rất nhiều nguyện vọng mà các lĩnh vực không liên quan gì đến nhau.

Với kinh nghiệm của người đi trước, bác sĩ Di Ái Hồng Sâm, tốt nghiệp Excutive Education tại ĐH Harvard (Mỹ), người gốc Việt được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao bằng khen trọn đời "Lifetime Presidental Award" đưa ra lời khuyên hết sức bất ngờ cho các bạn trẻ: Nếu thật sự đến giờ phút này các em vẫn không biết mình thích cái gì, đam mê gì, có khả năng gì... thì hãy lắng nghe cha mẹ.

Bởi theo bà, cha mẹ là người gần gũi với con, họ sẽ hiểu rõ hơn về khả năng, năng lực của con để ít nhất là có định hướng phù hợp nhất có thể.

Bác sĩ, doanh nhân Di Ái Hồng Sâm trao đổi với học sinh về định hướng nghề nghiệp
Bác sĩ, doanh nhân Di Ái Hồng Sâm trao đổi với học sinh về định hướng nghề nghiệp

Trước sự ngây ngô trong việc định hướng nghề nghiệp của các bạn trẻ, bác sĩ Hồng Sâm cũng chỉ ra thực tế tư vấn ngành nghề học sinh đang được tiếp cận lâu nay trong trường học chưa có tính định hướng nghề nghiệp.

Các trường ĐH, CĐ đến giới thiệu, tư vấn cho các em đó là quảng bá chứ rất ít tính định hướng. Điều này thể dẫn đến sai lầm trong chọn nghề của rất nhiều học sinh là nghe giới thiệu, nghe trường có chương trình học này nọ, có các mức ưu đãi... thấy thích rồi đăng ký.

Hào nhoáng bên ngoài có thể làm nhiều em bỏ quên đến các yếu tố cần thiết để định hướng nghề nghiệp phù hợp. Theo bà Hồng Sâm, có 4 bước quan trọng: khám phá, tìm hiểu về bản thân; tìm hiểu về ngành nghề; trải nghiệm công việc; chọn ngành phù hợp, bắt đầu rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết.

Quá trình làm việc với thanh thiếu niên, nhất là ở Việt Nam, bà Sâm nhận thấy điều đáng lo là nhiều bạn trẻ vào ĐH nhưng chưa biết lo cho bản thân, không biết mình thích gì, học gì, học nghề này để làm gì... Trong khi đây là những yêu cầu cơ bản nhất các em cần phải trả lời được khi chọn theo học ngành hay trường nào đó.

Tham gia với vai trò khách mời, ca sĩ Quang Lê cũng chân tình chia sẻ nhiều bạn trẻ theo đuổi đam mê nào đó nhưng lại thiếu sự nhìn nhận khả năng của bản thân.

Theo anh, đúng là các bạn cần đam mê, cần không ngừng ước mơ và phải mạnh dạn để thể hiện, thực hiện đam mê của mình. Nhưng đồng thời, cũng phải quan tâm đến khả năng, tố chất bản thân, nhất là đối với những lĩnh vực đòi hỏi năng khiếu.

Ca sĩ Quang Lê trực tiếp thử tài năng ca hát của các bạn học sinh ước mơ làm ca sĩ
Ca sĩ Quang Lê trực tiếp thử tài năng ca hát của các bạn học sinh ước mơ làm ca sĩ

Trước đó, trao đổi tại Trường THCS-THPT Đức Trí, TPHCM, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam cũng nêu quan điểm cần thay đổi về cách thức tư vấn trong ngày hội tuyển sinh ở các trường như hiện nay. Không nên chỉ thầy cô trong ban tuyển sinh đến trao đổi, tư vấn về ngành này, ngành nọ với các em mà nên mời các nhà tuyển dụng, những người đang làm việc trong những ngành nghề cụ thể đến trao đổi, tư vấn với học sinh bằng những kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn.

“Hướng nghiệp như lâu nay chưa định hướng cho các em, nhiều khi người lớn chỉ mới vẽ ra tương lai màu hồng như đi làm lương bao nhiêu, bổng lộc thế nào mà chưa giúp các em chọn nghề theo đam mê, năng lực cũng như giúp các em hiểu công việc nào cũng phải nỗ lực. Nên nhiều em đi học, ra trường va chạm thực tế thì bị sốc. Đây là lỗi của người lớn chúng ta”, TS Nguyễn Thị Hậu bày tỏ.

Hoài Nam