30 sinh viên Việt Nam hoàn thành khóa thực tập tại Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh ở Nga
Nhóm sinh viên thứ ba thuộc khóa thứ 5 của Viện Kỹ thuật Năng lượng Hạt nhân Obninsk thuộc Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (NRNU MEPhI) đã hoàn thành khóa thực tâp tại Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh của Nga.
Chương trình thực tập kéo dài ba tuần rưỡi tại Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh bao gồm các giờ học lý thuyết và thực hành nhằm tạo điều kiện giúp cho học viên bước đầu tiếp cận với các công nghệ và giải pháp tiên tiến của Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Chương trình thực tập tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như các nguyên tắc vận hành lò phản ứng hạt nhân, các hệ thống điều khiển và các công nghệ bảo vệ tiên tiến nhất.
Đặc biệt, các sinh viên Việt Nam đã được nghiên cứu chuyên sâu về các đặc tính kỹ thuật của tổ máy số 1 của Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh 2 – lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3+ đầu tiên trên thế giới. Đây là lò phản ứng hạt nhân kiểu VVER-1200 được đưa vào vận hành cho mục đích thương mại từ ngày 27 tháng 2 năm 2017. Tổ máy được thiết kế với các tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn sau sự cố Fukushima và hiện là tổ máy có công suất lớn nhất và tiên tiến nhất của Nga.
Nguyễn Thảo - một sinh viên thực tập khóa 5 cho biết: “Em rất háo hức tham gia chương trình thực tập ở Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh vì đây là một trong các cơ sở hạ tầng về năng lượng hạt nhân hiện đại nhất trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam sản xuất điện chủ yếu từ các nhà máy thủy điện và nhiệt điện. Về cơ bản, các nguyên tắc vận hành hai loại nhà máy này cũng tương tự như các nhà máy điện hạt nhân, do vậy em tin chắc rằng mình sẽ không gặp khó khăn trong vấn đề tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Trưởng nhóm sinh viên thực tập Phạm Thắng cũng chia sẻ cùng quan điểm: “Việc học tập của chúng em được Nhà nước hỗ trợ nên tất nhiên Nhà nước sẽ mong muốn chúng em đóng góp các kiến thức đã học được”. Sinh viên Thắng cũng cho biết thêm rằng việc được tham gia chương trình thực tập này cũng không hề dễ dàng. Sau khi thông báo về kế hoạch phát triển điện hạt nhân, chính phủ Việt Nam bắt đầu tiến hành lựa chọn các sinh viên xuất sắc nhất trên toàn quốc. Chẳng hạn như ở tỉnh Quảng Bình - quê hương của Thắng, với dân số là 850.000 người, chỉ có hai sinh viên xuất sắc được lựa chọn cho khóa học tại Đại học Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga.
Ông Viktor Filkin, giảng viên của Trung tâm đào tạo của Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh phát biểu cảm tưởng: “Rất dễ để có thể thấy rằng các em sinh viên Việt Nam đều rất hăng say học tập. Các em rất năng động, tích cực đặt các câu hỏi và hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Sau khóa học, các sinh viên đều thi đỗ qua các bài kiểm tra. Tôi tin rằng các em sẽ trở thành các chuyên gia hạt nhân giỏi trong tương lai”.
Các sinh viên đều mong muốn có thể đóng góp các kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình cho sự phát triển của đất nước. Sinh viên Phạm Thắng nhấn mạnh thêm: “Năng lượng hạt nhân là động lực chính cho phát triển khoa học và kinh tế của đất nước. Phát triển công nghệ hạt nhân sẽ giúp nâng cao nền tảng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng như y tế, khảo sát địa chất và nông nghiệp. Bản thân em mong muốn tiếp tục được phát triển trong lĩnh vực này và mang lại nhiều lợi ích cho quê hương em”.
Chương trình thực tập của sinh viên Việt Nam tại Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh được triển khai từ tháng 3 năm 2017 theo Biên bản thỏa thuận giữa Viện Kỹ thuật Năng lượng Hạt nhân Obninsk thuộc Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (NRNU MEPhI) và Công ty Rosenergoatom về việc tổ chức các khóa thực tập cho sinh viên nước ngoài tại các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành tại Nga. Cho tới nay, các chuyên gia của Novovoronezh đã đào tạo được ba nhóm với tổng số khoảng 100 sinh viên. Dự kiến trong năm 2017, Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh sẽ tổ chức các khóa thực tập cho 160 sinh viên quốc tế.
Nga và Việt Nam đã có quan hệ đối tác hợp tác lâu dài và thành công trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Điển hình là lò phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt đã được các chuyên gia từ Nga nâng cấp trong thập niên 80 và được vận hành thành công đến hiện tại.
Bên cạnh đó, Nga và Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp điện hạt nhân từ năm 2010. Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2016, hơn 400 sinh viên Việt Nam đã theo học các khóa học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga.
***
Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh là một đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Rosenergoatom. Nhà máy nằm ở sông Don, cách Voronezh 42 km về phía Nam. Đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Nga sử dụng lò VVER (Lò phản ứng nước nhẹ). Mỗi lò phản ứng trong tổ hợp năm lò hoạt động như các trạm phát điện gốc. Các tổ máy này được đưa vào hoạt động lần lượt trong các năm 1964, 1969, 1971, 1972 và 1980.
Hiện nay, tổ máy thứ 1 và thứ 2 đã ngưng hoạt động lần lượt trong các năm 1984 và 1990. Tổ máy thứ 3 cũng đã đóng cửa dừng hoạt động và hiện được dùng là nơi lưu trữ nhiên liệu.
Kể từ năm 2007, công ty Rosenergoatom là đơn vị tiên phong trong việc xây lắp hai tổ máy thế hệ mới với kiểu lò phản ứng VVER-1200 có công suất lên tới 1200 MW tại Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh.