24 khuyết điểm của cha mẹ có con tuổi phổ thông

(Dân trí) - “Cha mẹ đừng bao giờ nghĩ con mình đặc biệt hoặc gia đình mình khác gia đình khác. Chúng ta luôn có cách để dạy con trở nên ngoan ngoãn trong mọi hoàn cảnh”, TS Vũ Thu Hương, Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội cho biết.

Theo TS Hương, cha mẹ là số phận của con cái. Và dưới đây, là một trong số những "tội" mà bố mẹ vấp phải khi giáo dục con ở độ tuổi phổ thông.

Không dạy con cách tự thức dậy sớm vào buổi sáng: Sáng nào cũng hò hét con dậy, con dậy muộn thì lại mắng chửi con.

Không giáo dục việc học là việc của con, là quyền lợi và nghĩa vụ của con: Luôn nhắc nhở con học bài nên con không có ý thức tự giác. Đến khi con lười học thì đánh mắng con.
Luôn tìm cách can thiệp vào việc dạy học của cô giáo: Hễ cô than phiền về con là nghĩ hoặc con mình quá hư hoặc cô gây sự để vòi tiền.
Luôn nghĩ rằng cô giáo và bạn bè có thể hại con: Mới nghe mâu thuẫn chút xíu đã đến gặp cô giáo, các thày cô hiệu trưởng hiệu phó để gây sức ép trong khi không biết rằng làm vậy là bảo kê cho tính xấu của con, can thiệp vào việc dạy dỗ của thày cô thì con mình ngày càng xấu tính.

Bản thân có khi học chẳng giỏi nhưng luôn muốn con phải đầu bảng để đem khoe.

Lấy các gương điển hình người tốt việc tốt về để con học tập: Sự so sánh kiểu đó chỉ gây ra ức chế cho con và làm con nghĩ bố mẹ ghét, bố mẹ thất vọng vì con. Con sẽ cùn lên, càng ngày càng lá. Đến lúc con hư lại mắng mỏ, đánh đập.

Lấy các gương điển hình người tốt việc tốt về để con học tập: Sự so sánh kiểu đó chỉ gây ra ức chế cho con và làm con nghĩ bố mẹ ghét, bố mẹ thất vọng vì con. (Ảnh: Minh họa)
Lấy các gương điển hình người tốt việc tốt về để con học tập: Sự so sánh kiểu đó chỉ gây ra ức chế cho con và làm con nghĩ bố mẹ ghét, bố mẹ thất vọng vì con. (Ảnh: Minh họa)

Không cho con tham gia vào các câu chuyện của gia đình, các buổi bàn bạc giữa các thành viên: Đến khi con thờ ơ với các vấn đề xảy ra trong gia đình thì lại mắng con là ích kỉ.

Luôn nghĩ “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nên khi con hư lại tự bảo là “số phận”, không thay đổi được: Suy nghĩ tiêu cực này chắc chắn không bao giờ đem lại điều gì tốt lành cho con.
Cư xử mỗi đứa con một khác: Cứ nghĩ thằng anh phải chiều chuộng con em. Đến khi các con sinh tính ghen tị lẫn nhau thì lại cáu kỉnh mắng mỏ con.
Thoải mái hành động thiếu suy nghĩ, thiếu văn hóa như: tè bậy giữa phố, gây gổ với người khác, đánh nhau, chửi bậy, nói dối, ăn cắp vặt ở cơ quan hoặc "nhặt được của rơi" ngoài phố mà không biết sẽ là tấm gương thực sự xấu xí cho con học theo.
Hoặc cho con tè bậy giữa phố, con nhặt được đồ rơi định trả lại người bị mất thì mắng con chửi con là ngu.

Không dành thời gian cho con: Khi ai đó khuyên cần làm bạn cùng con, cần dạy con điều này điều kia thì lấy lí do không có thời gian” để trốn tránh việc dạy dỗ. Luôn nói rằng, nếu có 48 tiếng/ngày thì…. Nhưng đã đẻ con ra thì phải có trách nhiệm dạy con nên người. Hi vọng các cha mẹ hiểu nghĩa vụ của mình.

Coi thường pháp luật: Đã hay đi vượt đèn đỏ, xông vào đường cấm rồi, các cha mẹ còn hay cãi lý và tỏ thái độ ức chế khi bị các cơ quan chức năng xử phạt. Cảnh cha mẹ nói xấu cảnh sát khi bị phạt, con nghe thấy sẽ nghĩ là cảnh sát thật xấu tính, cảnh sát gây sự và trấn lột tiền của bố mẹ. Chúng sẽ suy nghĩ cảnh sát không khác gì kẻ cướp và căm ghét cảnh sát. Chúng cũng sẽ nghĩ rằng việc cha mẹ mình vượt đèn đỏ hay đi vào đường cấm là bình thường. Như vậy, con cũng sẽ học theo và coi thường pháp luật, đến khi con vi phạm pháp luật thì cha mẹ lại cho rằng đó là do lỗi của nhà trường và xã hội.

Bao biện: Mỗi lần cha mẹ phạm lỗi, các cha mẹ bao biện rất khiếp. Việc này làm cho trẻ cảm thấy phạm lỗi không phải là vấn đề. Vấn đề là mình sẽ bao biện như thế nào cho ổn. Bố mẹ đã bao biện rất tốt nên lỗi lớn hóa nhỏ, lỗi nhỏ hóa không có. Vì thế, việc mình cần làm là không việc gì phải sống cho tử tế mà chỉ cần khi có lỗi thì hóa giải lỗi đó thế nào.
Nhưng đến khi con cái mình bao biện lúc phạm lỗi, cha mẹ lại điên tiết đánh con và giáo huấn con. Điều vô lý này sẽ khiến bọn trẻ ức chế vô cùng.
Không suy nghĩ mọi việc xa hơn hiện tại: Mỗi khi làm một việc gì đó, hoặc con có biểu hiện gì đó, cha mẹ thường phản ứng rất tức thì miễn là có lợi ngay tức khắc mà quên hẳn đi lợi ích dài lâu.
Không quan tâm đến khoa học: Nhiều trường hợp, các cha mẹ suy xét mọi việc dựa trên những quan niệm của riêng mình mà bỏ qua các nguyên lý khoa học.
Bênh con quá thô bạo: Không thiếu những trường hợp cha mẹ bênh vực con vô lối, không có chút suy nghĩ gì.

Việc các cha mẹ áp đặt đủ thứ sẽ chính là áp lực để con phải vất vả sống. (Ảnh: minh họa)
Việc các cha mẹ áp đặt đủ thứ sẽ chính là áp lực để con phải vất vả sống. (Ảnh: minh họa)

Đổ lỗi cho người khác: Khi con hư, cha mẹ có sẵn câu nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” để tự bao biện cho việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái. Ngoài ra, cha mẹ cố gắng đổ lỗi cho nhà trường, cho ông bà nội ngoại, cho hàng xóm và môi trường sống.

Như vậy, rõ ràng cha mẹ đã né tránh trách nhiệm và tự tạo cho mình một vỏ bọc vô cùng đáng thương vì đã có một đứa con hư. Thật ra, những đứa con không ngoan chính là sản phẩm của những cha mẹ thiếu trách nhiệm giáo dục con cái. Họ đáng phải bị xã hội lên án.

Coi con cái là đồ vật riêng của mình, có suy nghĩ “khi nào nó lớn, nó khắc biết”: Với suy nghĩ này, cha mẹ hành xử với con vô lối tùy theo cảm xúc và nhận thức của mình.

Nhiều người đánh con nhưng hễ thấy con có một vết bầm khi đi học, không cần biết lý do là gì, họ cứ xông đến trường xỉ vả cô giáo. Họ chẳng quan tâm rằng hành vi đó của họ sẽ làm cho lũ trẻ coi thường hết thầy cô lẫn bố mẹ. Nhân cách lũ trẻ bị ảnh hưởng rõ ràng.
Bao bọc con quá mức: Có nhiều cha mẹ nghĩ con như đồ vật thiếu suy nghĩ nên con chuẩn bị vào đại học vẫn dắt đi làm hết cho mọi việc. Có cha mẹ còn nói “nó mới 18 tuổi đã biết gì”. Thật ra, người đủ 18 tuổi là đủ trách nhiệm dân sự. Nếu “nó” 18 tuổi mà còn “chưa biết gì” thì lỗi của cha mẹ quá nặng.

Công dân đủ 18 tuổi là phải tự quyết định mọi việc và chịu trách nhiệm mọi hành vi. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên dần dần cho con tự quyết và tự chịu trách nhiệm để con dần dần hiểu những vấn đề mình phải đối mặt.
Không quan tâm đến sở thích cho con: Có bé chẳng bao giờ có sở thích do bố mẹ không quan sát và tạo ra cho con. Cũng có bé có sở thích khác với quan niệm của bố mẹ thì bị vùi dập tơi bời.
Coi thường khoa học của cuộc sống: Cha mẹ chỉ quan tâm đến việc con thi và đỗ mà không cần biết con cần học những gì. Những bộ môn khoa học thường thức như Sinh, Sử, Địa, Lý, Hóa vô cùng quan trọng sẽ giúp con rất nhiều trong cuộc sống nhưng cha mẹ không quan tâm. Có những cha mẹ nói con rằng con không cần học những môn học đó và hướng con chỉ học các môn đi thi. Khi con trưởng thành, con trở nên ngô ngọng vì quá thiếu hiểu biết thì cha mẹ lại đổ lỗi đó cho nhà trường.
Không quan tâm đến việc hướng nghiệp cho con: Đến khi con cả thèm chóng chán, không thích cái gì lâu quá vài tháng thì lại mắng mỏ con.
Tội áp đặt con: Tội này nhiều cha mẹ mắc phải. Các cha mẹ lúc nào cũng chỉ muốn con phải suy nghĩ như mình mong muốn, hành động như mình trông đợi thậm chí đến tình cảm dành cho ai cũng do mình điều khiển.
Các con không phải cha mẹ. Các con là cá thể khác, cá thể cần tôn trọng. Việc các cha mẹ áp đặt đủ thứ sẽ chính là áp lực để con phải vất vả sống. Con không có hạnh phúc, niềm vui chính do nguyên nhân đó đó.
Kết tội con từ các biểu hiện nhỏ nhặt: Tội này là dễ cáu nhất.

Theo tôi, các cha mẹ đừng bao giờ nghĩ con mình đặc biệt hay gia đình mình khác gia đình khác. Chúng ta luôn có cách để dạy con trở nên ngoan ngoãn trong mọi hoàn cảnh. Tôi muốn nhắc lại câu đã nói rất nhiều: Cha mẹ là số phận của con cái.

Vũ Thu Hương

(Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm