20/11, nhà trường xin từ chối nhận quà của phụ huynh
Một phụ huynh vừa đưa lên trang Facebook của mình bảng thông báo của một trường mầm non tư thục: "trong dịp 20-11, nhà trường xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào".
Thông báo của trường Mầm non tư thục Duy An. (Ảnh: Tùng Sơn)
Ngay lập tức, dòng trạng thái này đã được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Chính phụ huynh này cũng cảm thấy con mình “có phúc” khi được học tại đây. Nhiều phụ huynh cũng hoan hô nghĩa cử đẹp của trường khi đã mở lời trước, không “gây khó” cho phụ huynh khi dịp 20/11 đã cận kề.
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh đưa ra nhận xét: “Làm vầy có cái hay nhưng cũng có cái không hay. Hay là đỡ nỗi lo cho cha mẹ, nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trẻ không có quà không bị mặc cảm hoặc bị phân biệt đối xử. Nhưng nó mất đi cái truyền thống tri ân thầy cô”. Phụ huynh này cũng kể, hồi nhỏ, nhà nghèo không có gì mua tặng cô, ba anh lấy cọng dây treo nhánh chuối chín cho anh mang đến tặng cô kèm một lá thư nhỏ do anh viết. Vậy mà cô xúc động ôm học trò vào lòng.
Câu chuyện của anh làm tôi nhớ đến câu chuyện của tôi cũng như lứa học trò của chúng tôi thời xa xưa. Ngày ấy, chúng tôi cũng thường tự chuẩn bị quà tặng thầy cô. Ba mẹ chỉ cho ít tiền rồi chúng tôi tự bàn bạc với nhau sẽ tặng cô, thầy món quà gì. Và dứt khoát, đứa nào cũng viết cho cô, thầy một lá thư, nhân ngày 20/11. Những lá thư chứa đựng tình cảm rất thật của những đứa học trò thơ ngây, vụng dại. Còn quà, đó thực ra là cái tủ gỗ có gắn bóng điện quả nhót, có thể sáng chớp nháy, đó là là cái khung hình hay cái bình hoa giả. Và đặc biệt, tôi còn nhớ, năm đó, rộ lên phong trào tranh hình con vật được đóng trong khung gỗ nên món quà mà chúng tôi cất công tặng thầy cô là những bức tranh hình chó, mèo thiệt là dễ thương (là chúng tôi nghĩ vậy - NV). Mà chắc là dễ thương thật và thầy cô cũng vui thật vì mãi đến những năm sau này, khi chúng tôi ghé thăm thầy cô nhân dịp lễ, tết, chúng tôi vẫn thấy bức tranh ấy treo trên tường.
Cựu học sinh trường tiểu học Trần Quốc Thảo (TP.HCM) về thăm thầy cô giáo nhân dịp 20/11. (Ảnh Trí Nhiên)
Em tôi, khi ra trường, được phân về dạy tại một xã miền núi heo hút ở một tỉnh miền Trung. Và, quà 20/11 mà các phụ huynh tặng cô giáo chính là chai dầu ăn, bịch bột ngọt, cân đường, hộp xà bông…
Rồi cuộc sống khấm khá dần lên, dường như phụ huynh cũng lưu tâm hơn và thực tế hơn trước những vất vả của thầy cô giáo nên tính đến chuyện tặng tiền để thầy cô cải thiện. Vậy là 50, 100 rồi 200, 300.000 đồng, số tiền - quà ấy tăng theo từng năm theo từng thời giá, với lý do “không biết mua quà gì tặng thầy cô, thôi thì tặng tiền cho thầy cô dễ tính toán”. Lâu dần, việc tặng quà cho thầy cô giáo bỗng chốc trở thành gánh nặng, thành tiếng thở dài của phụ huynh mỗi khi đến “mùa”.
Vậy thì, làm gì để đừng biến cái ngày có một ý nghĩa thật cao cả - Tôn vinh thầy cô giáo - thành nỗi lo lắng của phụ huynh?
Tôi chắc rằng không một người thầy, người cô nào lại đi “trù ép” trò mình vì lý do trò không có quà tặng mình hay quà của trò này ít hơn của trò khác. Truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn đời nay thông qua việc tri ân, tặng quà cho thầy cô nhân ngày 20/11 sẽ không dễ gì bị loại bỏ trong một sớm một chiều. Riêng quan điểm của tôi thì không cần phải loại bỏ mà phụ huynh hãy tri ân thầy bằng chính tấm lòng chân thành một cách tốt đẹp nhất. Mỗi thời sẽ có một cách tri ân khác nhau nhưng không thể định lượng, định giá bằng tiền.
Từ tấm lòng đến đến tấm lòng, hãy để đó là những nghĩa cử đơn sơ, đẹp đẽ bằng những món quà mang tính tinh thần là quý nhất.
Theo Trí Nhiên
Pháp luật TPHCM