2 vạn dân mới có 1 Giáo sư hoặc Phó giáo sư

(Dân trí) - GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, ở Việt Nam chỉ có xấp xỉ 1 GS hoặc PGS trên 2 vạn dân, không quá 5% giảng viên đại học là GS hoặc PGS.

Cho biết về số lượng thống kê giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ở Việt Nam hiện nay, GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết: Từ năm 1976 cho đến hết năm 2013, sau 37 năm, tổng số GS,PGS đã công nhận ở Việt Nam là 10.453, trong đó có 1.569 GS và 8.884 PGS, nhiều người đã mất và về hưu. Dân số nước ta hiện nay (tháng 11/2013) là 90 triệu người.

Theo thống kê năm 2012 của Bộ GD-ĐT, tổng số sinh viên đại học là 1,4 triệu, số giảng viên đại học trong toàn quốc là gần 59.700 người, trong đó có 348 GS và 2.224 PGS. Như vậy, chỉ có xấp xỉ 1 GS hoặc PGS trên 2 vạn dân, không quá 5% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 560 (nếu kể cả GV thỉnh giảng nữa thì khoảng 300) SV trên 1 GS hoặc PGS.

“Nói như vậy để thấy sự quý hiếm của đội ngũ GS, PGS ở nước ta, đỉnh cao nhất của nhà giáo. Trong khi đó, ví dụ ở CHLB Đức, cao hơn ta gấp nhiều lần: Trong 1 vạn dân có 3 GS và cứ 59 sinh viên có 1 GS” - GS Nhung cho hay.

Nói về mật độ phân bố các GS,PGS ở trong nước, theo GS Trần Văn Nhung, mật độ phân bố các GS, PGS chưa hợp lý. Kể từ năm 2009 đến hết 2013, số tân GS, PGS ở Hà Nội chiếm 73,17%, ở TPHCM là 10,84%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại, tỷ lệ chỉ chiếm 15,99%. Năm 2013, độ tuổi trung bình của các tân GS, PGS trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ thường thấp hơn so với các tân GS, PGS trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn.

Niềm vui khi nhận được chức danh Giáo sư năm 2013

Niềm vui khi nhận được chức danh Giáo sư năm 2013.

Phong tặng không bù kịp với số GS, PGS về hưu

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thống kê (HĐ CDGSNN), trong 5 năm từ 2009 - 2013, Hội đồng CDGSNN đã xét và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho tổng số 2.744 nhà giáo, trong đó 269 GS và 2475 PGS. Như vậy, trong 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm có thêm được 54 GS và 493 PGS, nhưng vẫn chưa bù kịp cho số GS, PGS về hưu hàng năm.

Để kéo dài tuổi nghề cống hiến của các GS,PGS, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 141/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH. Theo đó, GV có chức danh GS, PGS và GV có trình độ tiến sĩ đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc (10,7 hoặc 5 năm, tương ứng) kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Chức danh PGS được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp. Chức danh GS được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp.

GS Nhung cho rằng: “Từ khi có Nghị định 141 có hiệu lực, các con số TS, GS, PGS trong các trường đại học được tăng lên đáng kể. Đây là một quyết định rất sáng suốt và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta để sử dụng tối đa, tối ưu lực lượng “nguyên khí quốc gia”, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, để góp phần phát triển đại học và giáo dục Việt nam theo tinh thần Nghị quyết số 29 - NQ/TW”.

Được biết, trong 5 năm qua, các tiêu chuẩn về chất lượng khoa học và đào tạo đối với các ứng viên GS, PGS được nâng cao thêm một bước, theo yêu cầu của chính đất nước chúng ta và để dần dần đạt đến chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, là đánh giá cao các bài báo khoa học đích thực được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế và quốc gia, tiếp cận gần hơn đến việc phân loại (cả tiếng Việt và tiếng Anh) các chuyên ngành theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tăng yêu cầu về chất lượng đối với sách chuyên khảo và giáo trình, đòi hỏi cao hơn về khả năng ngoại ngữ, tăng số nghiên cứu sinh và học viên cao học hướng dẫn chính và tăng số giờ giảng đối với các ứng viên thỉnh giảng.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm