Trao giấy chứng nhận đến 571 giáo sư, phó giáo sư

(Dân trí) - Sáng nay 18/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2013.

Tới dự buổi lễ có TS Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; GS.TS Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cùng hàng nghìn người thân và gia đình của 571 tân GS, PGS.

Trao giấy chứng nhận tới 571 giáo sư, phó giáo sư tại Văn Miếu

Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao Giấy chứng nhận chức danh tới các tân GS.

2 vợ chồng cùng nhận chức danh Phó Giáo sư

GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) cho biết: “571 tân GS, PGS được phong tặng năm nay là đợt đầu tiên, may mắn nhất để thiết thực chào đón Nghị định 141 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

GS Nhung cho hay, có điều thú vị là cho đến nay với chỉ có 2 người ở trong nước được đặc cách GS, đó là TS Trần Đình Hòa (năm 2013) và TSKH Phùng Hồ Hải (năm 2012), cả hai đều sinh năm 1970, cùng quê Hà Tĩnh. Điều thú vị thứ hai là trong nhiều năm vừa qua, ít nhất là trong 5 năm gần đây, chưa từng có cặp vợ chồng nào được trao giấy chứng nhận PGS ở cùng một địa điểm vào cùng một thời điểm. Đó là tân PGS Nguyễn Anh Tuấn (54 tuổi) ngành Y học và tân PGS Ngô Kim Chi (50 tuổi), ngành Hóa học.

Nhận xét về đội ngũ GS, PGS năm nay, GS Nhung cho rằng, mật độ phân bố các GS, PGS chưa hợp lý. Kể từ năm 2009 đến hết 2013, số tân GS, PGS ở Hà Nội chiếm 73,17%, ở TPHCM là 10,84%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại, tỷ lệ chỉ chiếm 15,99%.

Theo GS Nhung, nhìn chung các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn. Trong 57 GS, người cao tuổi nhất là nữa, TS Lê Nguyệt Nga, ngành TDTT, 72 tuổi, người trẻ nhất là TS Trần Đình Hòa, ngành Thủy lợi (43 tuổi), PGS cao tuổi nhất là TS Lê Văn Thơm, ngành Hóa học (72 tuổi). PGS trẻ nhất là TS Lê Anh Vinh, ngành Toán học (30 tuổi). Theo thống kê, những tân GS, PGS trẻ nhất trong 4 năm qua hầu hết nằm trong lĩnh vực Toán học, sau đó đến Vật lý và Hóa học nhưng năm nay “đổi ngôi” sang ngành Thủy lợi. GS duy nhất của ngành Toán là TS Nguyễn Văn Quảng (56 tuổi). Cùng với Toán, những ngành như Luyện kim, Văn học, Cơ học, Dược học trong 5 năm qua có ít tân GS, PGS được bổ sung, ngược lại những ngành được bổ sung nhiều hơn là Y học, Kinh tế học, Khoa học Quân sự, Hóa học, Tâm lý học, Giáo dục học.

Tân Giáo sư nhận hoa chúc mừng của người thân và đồng nghiệp.

Tân GS Nguyễn Đình Đức - Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận hoa chúc mừng của người thân và đồng nghiệp.

Nhiều nhà khoa học giỏi vẫn chưa được vinh danh!

Phát biểu tại buổi lễ chúc mừng các tân GS, PGS, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, trưởng Ban tuyên giáo TW Đinh Thế Huynh cho biết: Năm 2013, nhà nước công nhận 57 GS và 514 PGS là một sự cố gắng phấn đấu rất lớn của các nhà giáo - nhà khoa học trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn. Số GS, PGS mới được trẻ hóa so với các năm trước đây, nhiều người là tác giả của những công trình khoa học có giá trị, được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Đặc biệt, trong số GS, PGS được công nhận đợt này, những cán bộ là giảng viên cơ hữu trong các trường đại học chiếm phần lớn. Điều đó chứng tỏ, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy trong các trường đại học ngày càng được nâng cao, đội ngũ cán bộ khoa học trẻ ngày càng được trưởng thành”.
 
Thay mặt các tân GS, PGS năm nay, tân GS. TS Trần Đình Hòa, Viện Khoa học Thủy lợi (người được đặc cách chức danh GS) phát biểu tại buổi lễ, GS Hòa xúc động nói: “Tôi rất thấm thía với suy nghĩ và quan điểm của GS Ngô Bảo Châu và thấy rằng, tôi trưởng thành một phần do đã được làm việc với các nhà khoa học không chỉ làm chuyên môn mà còn trao cho các nhà khoa học trẻ như chúng tôi nhiều cơ hội và đã cùng nỗ lực để phát triển cả trong khoa học và trong cuộc sống. Để có được niềm vinh dự trong ngày trọng đại hôm nay, chúng tôi thấu hiểu rất rõ: Ngoài sự kiên trì bền bỉ, đam mê nghề nghiệp và những nỗ lực hết mình của mỗi GS, PGS, chúng tôi thấm thía, ghi sâu hơn bao giờ hết công ơn sinh thành dưỡng dục, sự hi sinh chia sẻ động viên về mọi mặt của cha mẹ và những người thân trong gia đình. Và điều hết sức quan trọng là sự dạy bảo, dìu dắt, tấm gương sáng về nhân cách và đạo lý làm người của các thế hệ Thầy, cô giáo. Bên cạnh đó, là sự tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ của các đơn vị, cơ quan nơi chúng tôi làm việc; sự phối hợp, cộng tác chân thành và hiệu quả của các nhà khoa học, các đồng nghiệp và đối tác trong và ngoài nước suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.

Tại buổi lễ, tân GS Hòa đã bộc bạch những trăn trở không chỉ riêng anh mà của nhiều nhà khoa học khác. GS Hòa cho rằng: “Trong thực tế, vẫn còn nhiều nhà khoa học giỏi, có những đóng góp to lớn, rất thiết thực và hiệu quả, có khi âm thầm, có khi hiện hữu nhưng vẫn chưa được vinh danh. Vẫn còn đó sự lựa chọn khó khăn giữa những lo toan của đời sống thường ngày với sự tập trung cho công việc đào tạo, nghiên cứu của các nhà giáo, nhà khoa học.

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới và ban hành các quy định, quy chế cụ thể, thật sự đi vào cuộc sống; tạo dựng được môi trường làm việc thẳng thắn, cởi mở và chuyên nghiệp giúp các nhà giáo, nhà khoa học lấy công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là mục đích duy nhất, là khởi nguồn của mọi đam mê khoa học, là động lực lớn lao nhất trong công việc hàng ngày” - tân GS Trần Đình Hòa kiến nghị.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm