DNews

14 phép tắc bên bàn ăn cha mẹ có thể rèn cho con dịp Tết này

Bích Ngọc

(Dân trí) - Việc rèn phép tắc cho trẻ khi ăn uống rất tốt cho trẻ, bởi trẻ sẽ biết cách ứng xử phù hợp khi tham gia các hoạt động tập thể hay ăn uống ở bên ngoài.

14 phép tắc bên bàn ăn cha mẹ có thể rèn cho con dịp Tết này

Trong quá trình dạy con về phép tắc bên bàn ăn, cha mẹ cũng cần giúp trẻ hiểu rằng bạn bè, họ hàng có thể sẽ có cách hành xử khác với con, khác với gia đình mình, điều đó là hoàn toàn bình thường.

Điều quan trọng là con cần thể hiện sự tôn trọng và thiện chí với những người cùng ngồi ăn với con, biết trân trọng những món ăn người khác nấu cho mình thưởng thức.

Việc dạy con về phép tắc ứng xử bên bàn ăn sẽ giúp con cảm thấy thoải mái, tự tin và có thể tận hưởng những trải nghiệm ăn uống bên ngoài vừa tự nhiên vừa lịch sự.

Lợi ích của việc dạy con phép tắc bên bàn ăn

Dạy con biết cách ứng xử lịch thiệp bên bàn ăn giúp cha mẹ không phải cảm thấy ái ngại vì liên tục phải chấn chỉnh con, khi con ăn uống bên ngoài không gian gia đình. Những người khác cũng sẽ dành nhiều thiện cảm cho con hơn, vì con biết cách ứng xử.

Biết cách ứng xử bên bàn ăn là điều rất quan trọng, giúp trẻ biết cách tương tác hiệu quả. Chính năng lực tương tác tốt sẽ là nền tảng quan trọng cho sự thành công của trẻ trong tương lai.

Dù vậy, cha mẹ cần linh hoạt về thời điểm bắt đầu dạy con phép tắc bên bàn ăn. Ngoài ra, sau một ngày bận rộn hoặc nếu con đang cảm thấy mệt mỏi, cha mẹ đừng ép con phải tuân thủ các phép tắc chuẩn mực. Lúc này, chính sự thoải mái bên bàn ăn sẽ giúp cả gia đình cảm thấy vui vẻ hơn.

Khi bắt đầu dạy con phép tắc bên bàn ăn, cha mẹ cần tận dụng mọi cơ hội để giúp con tập luyện và ghi nhớ. Cha mẹ cần hiểu rằng trẻ nhỏ chưa có khả năng kiểm soát tốt bản thân, nên việc dạy con sẽ đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn.

Dưới đây là những quy tắc bên bàn ăn cơ bản nhất cha mẹ nên dạy con từ sớm:

14 phép tắc bên bàn ăn cha mẹ có thể rèn cho con dịp Tết này - 1

Việc dạy con về phép tắc ứng xử bên bàn ăn sẽ giúp con cảm thấy thoải mái, tự tin khi tận hưởng những trải nghiệm ăn uống bên ngoài (Ảnh minh họa: iStock).

Rửa tay trước khi ăn: Cha mẹ cần giúp con hình thành thói quen rửa tay trước khi ăn. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể giúp con rửa tay. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể chuẩn bị ghế để con có thể tự đứng lên ghế, với được tới bồn rửa tay để tự vệ sinh bàn tay trước khi ăn uống.

Thói quen sử dụng khăn giấy/khăn ướt/khăn ăn: Tùy thuộc vào sở thích của trẻ, cha mẹ nên giúp con hình thành thói quen sử dụng các loại khăn khi dùng bữa, để con không làm bẩn quần áo trong bữa ăn.

Chờ mọi người cùng ngồi xuống trước khi bắt đầu ăn: Đây là quy tắc cơ bản để con thể hiện sự tôn trọng dành cho những người cùng ngồi ăn với con.

Ngồi yên tại chỗ trong khi ăn: Việc trẻ có thể ngồi yên tại chỗ trong quá trình ăn uống sẽ giúp trẻ duy trì các phép tắc một cách dễ dàng hơn, bởi nội tâm trẻ sẽ vững vàng, ổn định hơn. Ngoài ra, việc không "nhấp nhổm", không chạy nhảy trong lúc ăn, sẽ giúp trẻ ăn uống tốt hơn, tiêu hóa dễ dàng hơn.

Dù vậy, cha mẹ cũng cần chú ý tới độ tuổi của trẻ, trẻ càng ít tuổi càng không thích ngồi lâu bên bàn ăn.

Đối với trẻ đã ở lứa tuổi thiếu niên, cha mẹ cần dạy con cách xin phép khi muốn rời khỏi bàn ăn, sau khi con đã ăn xong. Thực tế, người lớn có thể cảm thấy rất vui khi ngồi bên bàn ăn trò chuyện "dông dài", nhưng đối với trẻ em thì khác, trẻ có thể cảm thấy thời gian phải ngồi yên bên bàn ăn là không mấy thú vị.

14 phép tắc bên bàn ăn cha mẹ có thể rèn cho con dịp Tết này - 2

Biết cách ứng xử bên bàn ăn là điều rất quan trọng, giúp trẻ biết cách tương tác hiệu quả (Ảnh minh họa: iStock).

Không nhai nhồm nhoàm: Trẻ nhỏ thích nghịch ngợm hoặc đôi khi trẻ quá vội vàng, muốn ăn xong bữa thật nhanh để tiếp tục cuộc chơi, vì vậy, trẻ ăn vội, nhai miếng lớn, nhồm nhoàm. Những lúc như vậy, cha mẹ cần nhắc con ăn chậm lại, ăn miếng nhỏ hơn, nhai kỹ và nuốt chậm lại.

Không tạo ra những âm thanh bất lịch sự: Chẳng hạn như tiếng nhai "tóp tép" hay tiếng ợ. Nếu trẻ vô tình bị ợ, cha mẹ nên cảm thông, nhưng cũng cần dạy trẻ cách nở nụ cười và nói lời xin lỗi nhẹ nhàng với những người đang cùng ngồi ăn với trẻ.

Không nhoài người qua bàn để lấy đồ ăn: Cha mẹ hãy dạy các con cách nhờ người khác lấy đồ ăn giúp mình, nếu món ăn ở cách xa trẻ. Trẻ không nên nhoài người qua bàn để lấy đồ ăn. Đối với trẻ còn quá nhỏ, chưa diễn đạt tốt, cha mẹ có thể hướng dẫn con chỉ món con muốn ăn để cha mẹ lấy giúp con.

Không dùng thiết bị điện tử bên bàn ăn: Việc dùng các thiết bị điện tử bên bàn ăn khiến những cuộc chuyện trò bị gián đoạn, thiếu gắn kết.

Đối với trẻ nhỏ, việc sử dụng thiết bị điện tử trong khi ăn sẽ khiến trẻ xao nhãng, không thực sự chú tâm vào đồ ăn, thiếu quan tâm tới những người xung quanh.

Việc yêu cầu trẻ không sử dụng thiết bị điện tử bên bàn ăn cũng đòi hỏi cha mẹ phải làm gương cho con. Chính cha mẹ cũng không được sử dụng điện thoại trong lúc dùng bữa.

Không chê bai đồ ăn: Việc chê bai đồ ăn người khác nấu cho mình là điều rất bất lịch sự, rất thiếu tôn trọng và có thể khiến người chuẩn bị món ăn cảm thấy buồn. Trẻ có thể chia sẻ thẳng thắn với cha mẹ rằng con không thích món ăn nào, nhưng chỉ được phép chia sẻ nhẹ nhàng sau khi bữa ăn đã kết thúc.

Nếu trẻ có vẻ kén ăn, việc cho phép trẻ thoải mái nói về việc không thích món này, món kia sẽ càng khiến trẻ trở nên khó tính, kén chọn.

Khép miệng khi nhai đồ ăn: Hãy giúp con hiểu rằng hình ảnh đồ ăn đang được nhai và chuyển động trong khoang miệng không phải là hình ảnh đẹp, vì vậy, khi nhai, con cần khép miệng lại để giữ phép lịch sự.

14 phép tắc bên bàn ăn cha mẹ có thể rèn cho con dịp Tết này - 3

Khi bắt đầu dạy con phép tắc bên bàn ăn, cha mẹ cần tận dụng mọi cơ hội để giúp con tập luyện và ghi nhớ (Ảnh minh họa: iStock).

Cách giao tiếp cơ bản bên bàn ăn: Những câu giao tiếp cơ bản bên bàn ăn như mời mọi người trước khi bắt đầu "đụng đũa", nhờ người khác lấy đồ ăn giúp mình, cảm ơn sau khi được giúp... cần phải được luyện tập ngay từ bữa ăn trong gia đình. Điều này sẽ giúp trẻ ứng xử tự nhiên, thoải mái hơn khi dùng bữa ở bên ngoài.

Tạo nên trải nghiệm tích cực trong bữa ăn: Để trẻ biết thưởng thức ẩm thực, tận hưởng không khí của những bữa ăn ấm cúng bên gia đình, cha mẹ cần tạo nên không khí dễ chịu trong bữa ăn, khơi gợi những cuộc chuyện trò vui vẻ giữa các thành viên.

Cha mẹ hãy coi bữa ăn là khoảng thời gian đặc biệt để gia đình cùng thưởng thức đồ ăn và tận hưởng thời gian ở bên nhau. Dần dần, các con sẽ biết tôn trọng khoảng thời gian dành cho bữa ăn gia đình. Đừng coi những bữa ăn là cơ hội để dạy bảo con một cách nghiêm khắc hoặc rao giảng quá nhiều điều. Đừng khiến con cảm thấy áp lực trong bữa ăn bởi con sẽ mất hứng thú ăn uống.

Cha mẹ hãy hỏi và nghe con chia sẻ về một ngày của con, đặc biệt thể hiện sự quan tâm tới những trải nghiệm tích cực khiến con thấy vui vẻ. Với các thành viên khác cũng vậy, hãy để bữa ăn là lúc để các thành viên cởi mở nói về những trải nghiệm vui vẻ của mình.

Biết cảm ơn người nấu: Trẻ nhỏ cần biết trân trọng công sức của người đã chuẩn bị bữa ăn cho mình. Điều này thể hiện ở việc trẻ không dễ dàng buông lời chê bai đồ ăn, biết nói lời cảm ơn sau khi dùng bữa xong. Trong gia đình, việc cảm ơn sau mỗi bữa ăn có thể quá khách sáo, nhưng khi trẻ ra ngoài, dùng bữa tại nhà họ hàng, bạn bè, lời cảm ơn chân thành là điều nên làm.

Giúp dọn dẹp sau bữa ăn: Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đã nên dạy trẻ biết giúp người lớn dọn dẹp sau bữa ăn với những phần việc phù hợp với độ tuổi của trẻ. Chẳng hạn, trẻ có thể phụ giúp bê bát đĩa ra khu vực rửa bát, lau bàn ăn, quét dọn khu vực ăn uống, rửa bát, lau dọn khu vực nấu nướng...

Theo Children's Nutrition