TS Lê Nguyên Phương: "Không thể biện minh cho việc dùng nhục hình để kỷ luật học sinh"

(Dân trí) - Thầy cô chúng ta đang phải chịu những "thảm cảnh" từ phụ huynh, nhà quản lý, xã hội... Nhưng điều đó không phải là biện minh cho việc có thể dùng nhục hình để kỷ luật học sinh.

TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý học đường, giảng viên chương trình cao học bộ môn Tâm lý học đường tại ĐH Chapman (Mỹ), tác giả giải Sách hay 2018 hạng mục Giáo dục chia sẻ với Dân trí quanh chủ đề đang làm nóng dư luận và cũng là vấn đề nhức nhối đã được đặt ra từ lâu: Chuyện phạt - kỷ luật học trò. 

TS Lê Nguyên Phương: Không thể biện minh cho việc dùng nhục hình để kỷ luật học sinh - 1

TS Lê Nguyên Phương trong buổi chia sẻ với phụ huynh, giáo viên về vấn đề giáo dục con trẻ

Thầy cô đang chịu đựng những "thảm cảnh"

TS Lê Nguyên Phương kể: Cách đây hai hôm, tôi nhận được một tin nhắn đầy trăn trở thế này: "Gần năm gần đây báo đài liên tục đưa tin về việc xử lý hành vi của trẻ ở trường. Con vẫn luôn thấy lưỡng lự giữa ngày trước và ngày nay. Ngày trước, việc thầy cô trách phạt trên lớp thì được phụ huynh hợp tác; ngày nay thì bị phản đối kịch liệt. Phụ huynh chưa lên tiếng thì trẻ đã tự tung tin lên trước để "phản kích" thầy cô.

Hay là thầy cô của chúng ta vẫn còn quá bao bọc học trò, vẫn còn thấm lối dạy truyền thống, còn học trò của ta thì tiếp thu văn hóa "tự do cá nhân" quá nhanh. Con vẫn thấy thương các thầy cô của chúng ta quá!".

Trong mười năm qua với hàng chục lần về Việt Nam và đã ở Việt Nam liên tục gần một năm qua, tôi đã không xa lạ với những “thảm cảnh” mà thầy cô hiện đang phải chịu đựng. 

Đồng lương không đủ sống, áp lực thi đua từ bộ phận quản lý, nội dung giảng dạy quá tải, phương pháp kỷ luật cũ không còn hiệu quả trước sự thay đổi nhận thức của học sinh (HS). Chưa kể đến một số trường hợp giáo viên (GV) còn phải chịu đựng sự sách nhiễu của bộ phận quản lý. 

Một số phụ huynh đã đi quá lố trong việc thách thức vai trò của thầy cô Có GV đã kể cho tôi nghe việc có HS, chỉ mới học mẫu giáo, đã thách thức cô: "Mẹ em bảo nếu cô phạt em mẹ sẽ vào trường cho cô biết tay". 

Hay tại một trường mà đa số HS là con của các giảng viên một đại học, một vài HS đã bắt nạt bạn cùng lớp với những lời lẽ hoạnh họe như “mẹ mày chỉ có bằng thạc sỹ, mẹ tao là giáo sư tiến sỹ.”. 

Trong một xã hội, mà “anh chị” như Khá "bảnh" được một bộ phân dân chúng trong đó có giới trẻ tôn sùng thì hiện tượng “dao búa” trong lớp học của một số HS là chuyện khó tránh. 

Thế nhưng, chúng ta cũng phải nhìn nhận, trong những năm gần đây, nhận thức của HS về quyền của mình, quyền thân thể và phẩm giá của mình - người khác không được bị xâm hại đã được nâng cao. 

Quyền bảo vệ nhân phẩm và thân thể của mình là những quyền căn bản và phổ quát nhất của con người, nhất là của trẻ em, mà pháp luật Việt Nam đã chấp nhận và ghi thành luật. Nếu GV chủ trương dùng nhục hình với trẻ em thì các bạn đã phạm pháp.  

Không thể biện minh cho việc chúng ta dùng nhục hình để kỷ luật học sinh

Tôi không cổ vũ cho một hệ thống giáo dục hoàn toàn không có trừng phạt. Tôi chỉ không cổ vũ cho việc dùng các “hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực...".

Hay “hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em” như một phương tiện để khép trẻ em hay HS vào một khuôn phép nào đó.

TS Lê Nguyên Phương: Không thể biện minh cho việc dùng nhục hình để kỷ luật học sinh - 2
TS Lê Nguyên Phương: Không thể biện minh cho việc dùng nhục hình để kỷ luật học sinh - 3

Bạo lực với con trẻ là đi lùi với sự tiến bộ, nhân văn

Trừng phạt vẫn cần được xem như một phần trong tiến trình giáo dục. Theo tôi, bỏ đi việc trừng phạt trong trường học - một xã hội thu nhỏ và một bước chuẩn bị cho trẻ em từ gia đình vào xã hội - sẽ khiến các em không hiểu được và chuẩn bị để tiếp nhận những hình phạt trong hệ thống pháp luật từ phạt tiền đến phạt tù.

Nhưng tôi không chấp nhận nhục hình là hình phạt trong nhà trường. 

Các nghiên cứu cho thấy trừng phạt không hiệu quả và có ảnh hưởng tích cực như khen thưởng. Và hiệu quả nhất vẫn là một hệ thống kỷ luật để giúp các em nhập tâm những tiêu chí đạo đức và luân lý, đặc biệt là nhân cách và phẩm chất của một con người trong xã hội.

GV đang chịu những áp lực, thảm cảnh nhưng điều đó không phải là biện minh cho việc chúng ta dùng nhục hình để kỷ luật HS.

Đừng so sánh nước này nước nọ, cái gì thấy đúng thì mình cứ làm 

Tôi yêu cầu GV chấm dứt việc dùng nhục hình làm biện pháp kỷ luật. Nhưng tôi không đòi hỏi họ một mình giải quyết được tất cả vấn đề của HS mà không có sự hỗ trợ của các chuyên viên khác trong nhà trường.

Giải quyết vấn đề đó cần có cái nhìn hệ thống, và cả hệ thống phải nhập cuộc. Hệ thống ở đây không phải chỉ là Bộ, mà còn là mỗi phụ huynh, mỗi GV, mỗi hiệu trưởng, mỗi nhân viên trong ngành giáo dục.

Nó phải bao gồm việc thiết lập lại hệ thống và phương pháp kỷ luật HS trong nhà trường, chương trình giáo dục cha mẹ cách kỷ luật con, biện pháp kỷ luật nhà trường và nhà giáo còn sử dụng nhục hình, các chế độ nghỉ ngơi và phụ cấp cho GV giảm căng thẳng,

Đừng nói là những điều này không thực tế và không làm được. Không có bắt đầu thì không có kết quả. Cũng đừng nói nước này hay nước kia còn bao nhiêu tiểu bang vẫn còn áp dụng nhục hình trong giáo dục. Đó là chuyện nước họ , điều chúng ta thấy đúng thì cứ làm không cần thiết phải theo nước này nước nọ. Cũng đừng nói cha ông chúng ta như thế. 

Những hạt giống phải bắt đầu được gieo hôm nay để con chúng ta sớm hái quả. Một câu thơ thế hệ cũ luôn ám ảnh tôi 35 năm nay: "Đường hy vọng nếu ta về quá chậm/ Đau nhức này lại đổ xuống tuổi thơ".

Phóng viên: Quan điểm giáo dục xuyên suốt của ông - thể hiện rõ qua bộ sách "Dạy con trong hoang mang" - chính là sự chuyển hóa trong mỗi con người. Theo ông, giáo viên có thể làm gì để chuyển hóa chính mình trong công việc "trồng người"?

TS Lê Nguyên Phương: Về phía phụ huynh, chuyển hóa là cơ bản. Nhưng đối với giáo viên, còn nhiều vấn đề thuộc hệ thống cần thay đổi, yêu cầu họ chuyển hóa thôi không đủ. 

Phải tạo điều kiện môi trường làm việc phù hợp, bình an, và hỗ trợ cho họ. Ngoài ra phải cung cấp cho họ những phương pháp sư phạm giảng dạy, quản lý lớp học, và can thiệp hành vi mới.

Về hệ thống hỗ trợ, cần phải có chuyên viên tâm lý học đường có kiến thức và kỹ năng đánh giá, tham vấn và can thiệp các lãnh vực trí thông minh, học tập, hành vi, cảm xúc, và kỹ năng xã hội. Vì giáo viên không thể giảng dạy hiệu quả trong một lớp học với khối HS có phổ trí năng, học lực, sức khỏe tâm thần quá rộng quá phức tạp cho dù giáo viên đã sử dụng phương pháp dạy học phân hóa.

Những học sinh có vấn đề trong các lãnh vực kể trên cần được hỗ trợ và can thiệp ở nhiều tầng mức khác nhau bởi chuyên viên tâm lý học đường. 

Song song với việc cung cấp sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý học đường, Ban giám hiệu phải đánh giá lại văn hóa học đường của trường mình, tổ chức những chương trình can thiệp toàn trường có hiệu quả và căn cứ trên khoa học để mọi HS đều được hưởng lợi.

Hoài Nam (ghi)