Đắk Nông:

Trường không có lãnh đạo, giáo viên hai tháng chưa nhận lương

(Dân trí) - Từ đầu năm học tới nay, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Đắk R'Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) không có hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán nên gần 20 giáo viên nhân viên vẫn chưa được chi trả lương. Bị nợ lương, đời sống của nhiều thầy cô gặp khó khăn, buộc phải vay mượn để chi trả chi phí sinh hoạt gia đình.

Theo tìm hiểu, từ đầu năm học 2019-2020, hiệu trưởng của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn nghỉ hưu theo chế độ, hai hiệu phó vì không đủ tiêu chuẩn nên không được bổ nhiệm lại. Trong khi đó kế toán của trường cũng đủ 5 năm công tác, dù đã làm hồ sơ nhưng cũng chưa được bổ nhiệm lại nên toàn bộ giáo viên, nhân viên của trường chưa được chi trả lương.

Trường không có lãnh đạo, giáo viên hai tháng chưa nhận lương - 1
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn 2 tháng nay rơi vào tình trạng thiếu lãnh đạo

Cô Trần Thị Lam, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết, 17 cán bộ nhân viên của trường đều đang nợ tiền ngân hàng. Không có vườn rẫy, các thầy cô chỉ trông chờ vào tiền lương hàng tháng, nhưng hơn hai tháng nay chưa được nhận một đồng nào. Đời sống của các thầy cô ở đây thực sự rất khó khăn.

Trước tình cảnh trên, các thầy cô đã có ý kiến lên Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ huyện Tuy Đức. Các phòng đều trả lời là hiện nay trường chưa có hiệu trưởng mà giao cho thầy Trần Đức Đoàn, Phó trưởng Phòng GD-ĐT phụ trách trường. Khi nhận phụ trách, thầy Đoàn đã làm hồ sơ cho để bổ nhiệm lại kế toán trưởng nhưng vẫn chưa được. Đến nay chữ ký của cô kế toán không có giá trị nên kho bạc không chi trả lương.

Trường không có lãnh đạo, giáo viên hai tháng chưa nhận lương - 2
Cô Thùy và chồng cùng 15 thầy cô giáo khác bị nợ lương 2 tháng nay

"Tội nhất là có vợ chồng cô Trương Thị Thùy, cùng công tác trong trường. Cả hai vợ chồng chưa có lương, tiền sinh hoạt phí hàng ngày, tiền đóng học cho con cũng phải đi vay mượn”, cô Lam thở dài.

Cô Trương Thị Thùy, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết, cô vừa là giáo viên bộ môn, vừa là thư ký hội đồng, nhà trường đang thiếu lãnh đạo hai tháng nay. “Hiện tại trường đang được giao cho một phó phòng, thế nhưng thầy ấy bận việc trên huyện nên mới xuống trường được hai lần. Mấy tháng nay, chủ yếu là các thầy cô tự quản, thầy phó phòng chỉ chỉ đạo từ xa".

Nhà có hai con nhỏ, phải đi gửi ở trường tư thục, mỗi tháng hết gần 4 triệu đồng. Để có chi phí cho ăn uống, trả tiền sinh hoạt, xăng xe đi lại, tiền đóng học cho con vợ chồng cô Thùy phải đi vay mượn “nóng”. “Bây giờ phải vay mượn bạn bè, người thân để đóng cho các cháu. Ăn uống hàng ngày cũng phải ký sổ mua chịu của người ta, đến khi nào có lương thì mới thanh toán được”, cô Thùy cho biết.

Nữ giáo viên bày tỏ sự lo lắng vì nếu tình trạng này kéo dài, hai vợ chồng phải tìm cách bán một miếng rẫy để trả nợ ngân hàng và tiền vay mượn sinh hoạt trong mấy tháng qua.

Tương tự cô Thùy, gia đình thầy Lê Danh Thắng cũng gặp rất nhiều khó khăn, chật vật vì chưa có lương. Toàn bộ tiền sinh hoạt, thuốc mem cho con đều phụ thuộc vào tiền lương của vợ thầy Thắng, hiện đang là giáo viên mầm non của xã.

Trường không có lãnh đạo, giáo viên hai tháng chưa nhận lương - 3
Dù thiếu lãnh đạo, nợ lương nhưng trường vẫn hoạt động bình thường

Nam giáo viên cho biết, vợ chồng không có đất đai, ruộng vườn gì, nay lại bị nợ lương buộc hai vợ chồng phải chắt bóp từng khoản trong sinh hoạt, riêng tiền lãi ngân hàng thì phải vay người thân để trả.

“Thú thực, với những người làm công ăn lương như chúng tôi, chỉ có nguyện vọng làm sao được có lương để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống ở đây khó khăn, cái gì cũng phải mua bán mà bây giờ không có tiền. Hai tháng chưa có lương, nên sắp tới ngày 20/11, các thầy cô giáo trong trường cũng không có tâm trí đâu mà chuẩn bị cả”, thầy Thắng cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Quốc Trọng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức cho biết, từ đầu năm học tới nay trường Tiểu học Bế Văn Đàn thiếu lãnh đạo và kế toán. Dù giao cho một phó phòng khác phụ trách trường, nhưng chủ là chuyên môn. Hiện đơn vị này đang cùng Phòng Nội vụ rà soát, tham mưu bổ nhiệm lãnh đạo và kế toán trường, đảm bảo quyền lợi cho các thầy cô về tiền lương và chế độ công tác.

Dương Phong