Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 6 nhóm ngành lọt vào top 400-500 thế giới

(Dân trí) - Kết quả này được công bố theo Tổ chức xếp hạng đại học thế giới theo thành tựu học thuật (University Ranking by Academic Performance: URAP) về xếp hạng các ĐH theo ngành/nhóm ngành giáo dục năm 2020.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa cho biết, URAP đã công bố kết quả xếp hạng các đại học theo ngành/nhóm ngành giáo dục (Field Based Ranking) năm 2020. Theo đó, trường có 10 ngành/nhóm ngành được xếp top 400, 500; và một số ngành thuộc top 600-900 của thế giới.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 6 nhóm ngành lọt vào top 400-500 thế giới - 1

Theo xếp hạng của URAP, ngành Kỹ thuật xây dựng của trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp vị trí 373 thế giới

Đáng chú ý trong bảng này, ngành Kỹ thuật Xây dựng (Civil Engineering) của trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp vào vị trí 373 thế giới; kế sau ĐH Kyushu và ĐH Nagoya của Nhật Bản và đứng trên National Central University của Đài Loan.

Bên cạnh đó, các ngành/nhóm ngành khác của trường như: ngành Khoa học Thông tin và Khoa học Máy tính (Information & Computing Sciences), ngành Kỹ thuật Hóa học (Chemical Engineering), ngành Toán học (Mathematical Sciences), nhóm ngành Kỹ thuật (Engineering) đều nằm trong top 500 thế giới của bảng xếp hạng.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 6 nhóm ngành lọt vào top 400-500 thế giới - 2

Nhóm ngành kỹ thuật của trường cũng nằm ở top 400-500 (theo URAP)

Ngoài ra các ngành/nhóm ngành khác cũng được xếp top 600 đến 900 thế giới như: ngành Vật lý (Physical Sciences) hạng 579, nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử (Electrical & Electronics Engineering) hạng 653, nhóm ngành Công nghệ (Technology) hạng 725, ngành Hóa học (Chemical Sciences) hạng 865.

Trước đó vào tháng 12/2019, URAP cũng đã công bố bảng xếp hạng các đại học trên thế giới năm 2019-2020 (World Rankings) thì Việt Nam có 8 trường nằm trong danh sách này. Trong đó, trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng vị trí dẫn đầu với thứ hạng 960 thế giới về mọi phương diện.

URAP sử dụng dữ liệu khoa học và giáo dục về tất cả các đại học do Web of Sciences thống kê để thực hiện xếp hạng. Các tiêu chí về số lượng, chất lượng công trình khoa học, chỉ số trích dẫn và ảnh hưởng khoa học... đều chiếm trọng số lớn nhất trong quá trình đo lường. Hệ thống này không dùng số liệu do các đại học tự cung cấp, cũng không dựa trên kết quả bầu chọn của chuyên gia.

Lê Phương