Trẻ em đang bị "bỏ rơi" trong 1000 ngày đầu đời

(Dân trí) - Theo nghiên cứu của tổ chức y tế thế giới (WHO), 1000 ngày của trẻ em được tính từ lúc bắt đầu thai kỳ đến khi trẻ tròn 2 tuổi là “cửa sổ cơ hội” duy nhất của cơ hội để định hình tương lai khỏe mạnh hơn và thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang “bỏ rơi” việc chăm sóc trẻ ở giai đoạn này.

Thông tin trên được PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người đưa ra tại Diễn đàn tham vấn và đề xuất chính sách cải thiện cơ hội chăm sóc, giáo dục sớm trẻ em từ 0-3 tuổi tổ chức sáng nay 12/11 tại Hà Nội.

Trẻ em đang bị "bỏ rơi" trong 1000 ngày đầu đời - 1

Trẻ em mới sinh cần được nâng niu chăm sóc đặc biệt

Não của em bé là một bí ẩn

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho biết, sự phát triển trong những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người, đó là “Giai đoạn vàng”, “Cửa sổ của cơ hội”, là nền tảng cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời.

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh phân tích: Não của em bé còn là một bí ẩn mà các nhà khoa học trên thế giới chỉ mới bắt đầu làm sáng tỏ. Người ta biết rằng hầu hết các tế bào não đã hình thành từ trước khi sinh. Nhưng trong 3 năm đầu đời nếu trẻ được sống trong môi trường chăm sóc, giáo dục sớm đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nghiệm phong phú kích hoạt não trẻ sớm ngay từ giai đoạn này, trẻ sẽ hình thành nên hàng tỉ các kết nối và mạng lưới thần kinh dày đặc trên bộ não, giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời.

Các nhà khoa học gọi cái mạng lưới đâm nhánh chằng chịt này là “rừng tế bào thần kinh”. Một trẻ 3 tuổi khỏe mạnh bình thường có số lượng các khớp thần kinh kết nối giữa các tế bào não nhiều hơn gấp 2 lần so với người trưởng thành. Điều này là bởi vì sau 10 – 11 tuổi, não trẻ bị mất đi các khớp thần kinh mà chúng không sử dụng đến.

Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời lúc thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật “sử dụng nó hay đánh mất nó”, nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng có được của con người được phát huy càng ít.

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh cho hay, ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định 3 năm đầu đời là giai đoạn rất quan trọng của sự phát triển não. Trong đó từ 0 – 2 tuổi là thời kỳ phát triển của não phải (đây là giai đoạn thần đồng); từ 3- 4 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp sang thời kỳ của não trái. Còn từ 6 - 8 tuổi là thời kỳ của não trái. Theo thuyết phát triển trí lực của nhà giáo dục học Shichida người Nhật Bản: Sự tăng tiến này giống như hình tam giác cân, lúc 0 tuổi (thời kỳ thai nhi) phát triển nhanh nhất chính là đáy của tam giác, lúc 8 tuổi là đỉnh của tam giác, trí lực không phát triển rõ rệt nữa, và sau đó con người chỉ có thể phát triển kỹ năng và tri thức.

Việt Nam chưa coi trọng giai đoạn phát triển “thần đồng” của trẻ

Bác sĩ Nguyễn Trọng An chuyên gia cao cấp CS&BV trẻ em cho biết, hiện tại Việt Nam vẫn đứng trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới (tỷ lệ năm 2013 là 29,7%). Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đứng trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật Tai nạn thương tích cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, số lượng trẻ em tử vong do TNTT trung bình hàng năm là 7.000 em.

Bác sĩ An nhận định: “Việt Nam chúng ta đang chưa thưc sự quan tâm đúng mức và đầu tư có chất lượng để chăm sóc trẻ em trong 3 năm đầu đời, trong từng gia đình cũng như các dịch vụ xã hội, hiện tại chúng ta đang làm ngược với thế giới là giải tán hệ thống nhà trẻ để chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi mà chỉ tập trung vào phát triển mẫu giáo 5 tuổi và cấp học cao hơn. Ngành y tế chưa chú trọng y tế dự phòng cho trẻ lứa tuổi từ 0 – 3; chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi trẻ em”.

Trẻ em đang bị "bỏ rơi" trong 1000 ngày đầu đời - 2

Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ

Thạc sĩ Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng vụ Gia đình, Bộ VHTTDL cho rằng, gia đình là môi trường đầu tiên mang tính quyết định đối với sự hình thành nhân cách con người ngay từ thủa lọt lòng… Giáo dục sớm cho trẻ phải bắt đầu từ gia đình và cộng đồng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Từ Đức Văn, khoa tâm lý – giáo dục trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, các nhà giáo dục đã khẳng định gia đình là trường học đầu tiên. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ. Chính vì trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 0 – 3 tuổi chủ yếu được chăm sóc và nuôi dưỡng trong môi trường gia đình nên việc áp dụng giáo dục sớm tại gia đình là thực sự cần thiết để không lãng phí tiềm năng của trẻ.

Tuy nhiên, đứng về khía cạnh xã hội, PGS.TS Từ Đức Văn cho rằng, hiện nay hệ thống nhà trẻ, các trường mầm non không đáp ứng nhu cầu chăm sóc – giáo dục trẻ thơ do thiếu phòng học, thiếu phương tiện học liệu. Các cơ sở giáo dục mầm non công lập chủ yếu là ưu tiên huy động trẻ em mẫu giáo đến trường để đảm bảo hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, do đó trẻ dưới 3 tuổi tỷ lệ đến trường lớp mầm non còn rất thấp. Hàng năm, có đến 3 triệu trẻ em lứa tuổi này không được hưởng quyền lợi học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non đặc biệt là trẻ em vùng sâu vùng xa.

Theo ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam nằm trong nhóm 14 quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam còn yếu về trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng công việc, mà nguyên nhân chủ yếu là từ hệ thống đào tạo còn lạc hậu và chậm phát triển. Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức tới giai đoạn giáo dục sớm trẻ em từ trong thai và từ 0 đến 6 tuổi.

Tại diễn đàn, các đại biểu đều khuyến nghị đề xuất bổ sung sửa đổi chính sách, pháp luật về trẻ em, chú trọng quan tâm đầu tư chăm sóc giáo dục phát triển trẻ em từ 0- 3 tuổi. Theo đó, phải Luật hóa quyền của trẻ được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục cho sự phát triển toàn diện, đặc biệt ưu tiên trong 1000 ngày đầu đời.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình vào việc thực hiện các chính sách liên quan đến trẻ em và chính sách về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, nhà nước và xã hội cần xác định vị trí, vai trò của giáo dục sớm tại gia đình là một bộ phận quan trọng của giáo dục quốc dân. Các bậc phụ huynh phải được trả lại vị trí là người đồng hành cùng gia đình trong sự nghiệp giáo dục sớm nói riêng và giáo dục nói chung cho mọi trẻ em.

Hồng Hạnh