Trí thức Việt kiều góp ý:
“Tiến bộ cho giáo dục đại học ở Việt Nam chính là tự chủ”
(Dân trí) - Đó là một trong các ý kiến mà các giáo sư, tiến sĩ Việt kiều chia sẻ tại buổi thảo luận nhóm về giáo dục trong khuôn khổ hội nghị “Gặp gỡ trí thức kiều bào” do UBND TPHCM tổ chức ngày 6/4.
Những góp ý của các đại biểu không chỉ nhằm giúp TPHCM tìm hướng phát triển mạnh hơn mà qua đó còn hiến kế cải thiện giáo dục đại học của Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc (VIBAK), Ban liên lạc chuyên gia tri thức Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng: “Nhìn tổng thể một cách khách quan, trình độ học sinh ở từ tiểu học đến phổ thông trung học trong nước không thua kém các nước khác trên thế giới, song đến bậc đại học thì nảy sinh nhiều vấn đề. Đào tạo đại học tại sao chúng ta lại diễn ra một cách tràn lan đến mức độ tốt nghiệp ĐH, thậm chí có bằng thạc sĩ vẫn thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp này không giảm đi mà càng ngày càng gia tăng”.
Với kinh nghiệm nhiều năm sống và làm việc ở Hàn Quốc, ông Linh cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm văn hóa, lịch sử tương đồng, có thể học hỏi trao đổi về mặt giáo dục.
"Hàn Quốc không có tài nguyên thiên nhiên gì và nguồn tài nguyên duy nhất của họ chính là con người. Thời gian đầu tiên họ gửi những sinh viên ưu tú nhất sang các nước tiên tiến trên thế giới để học tập tất cả tinh hoa của thế giới để mang về phục vụ đất nước. Họ tận dụng tất cả những tinh hoa đó và kết hợp với trí tuệ của mình để tạo ra một sản phẩm mới. Hiện nay nền giáo dục của Hàn Quốc thuộc nhóm những nước tiên tiến trên thế giới”, ông Linh chia sẻ.
TS Trần Hải Linh cho rằng đào tạo đại học ở Việt Nam quá tràn lan dẫn đến tình trạng thất nghiệp không giảm
Theo TS Linh, giáo dục đại học Hàn Quốc hiện chia ra làm hai nhóm: đại học nghiên cứu và đại học đào tạo nghề tuy nhiên đều ứng dụng vào việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Có nghĩa đại học nghiên cứu chỉ tập trung ở một số trường mạnh, nghiên cứu tạo ra sản phẩm để ứng dụng mà chủ yếu phát triển về khoa học công nghệ. Còn nhóm đại học tạo nghề tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở những chuyên ngành đặc thù mà xã hội đang cần. Với mối liên kết đó nên sinh viên ra trường đáp ứng ngay yêu cầu của thực tế, hay sản phẩm của sinh viên nghiên cứu cũng đáp ứng ngay cho xã hội và tạo ra giá trị kinh tế. Để thực hiện được điều đó thì bên cạnh các trường ĐH, các nhà nghiên cứu, các sinh viên chất lượng cao… chính là có những công ty, tập đoàn thương mại sẵn sàn đầu tư cho các trường ĐH, các nghiên cứu.
Từ đó, ông Linh hi vọng: “TPHCM cần tập trung chương trình đào tạo trọng điểm mà xã hội đang cần, có sự phân loại rõ ràng ngành nào cần "đi tắt đón đầu", ngành nào chiến lược lâu dài để có sự đầu tư phù hợp"
Ông Linh cũng cho rằng con đường tiến bộ cho giáo dục đại học ở Việt Nam chính là tự chủ đại học. Ở Hàn Quốc không có trường đại học xin ngân sách, các trường đại học mạnh không phải là các đại học quốc gia mà chính là các trường tư thục, phía sau có các tập đoàn lớn. Tự chủ ở đây là tự chủ về tài chính, tự chủ về con người, chương trình đào tạo, nghiên cứu và họ chỉ làm việc với Bộ GD-ĐT ở một số khía cạnh để phù hợp với quy chuẩn. Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình.
"Trong vấn đề tự chủ cũng cần ai là người làm chủ? Người ta thường hiểu đó là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất trong trường - chính là hiệu trưởng. Ở Hàn Quốc, hiệu trưởng thường được tuyển lựa rất gắt gao và dựa trên rất nhiều yếu tố đánh giá khác nhau. Đây không chỉ là người đơn thuần chịu trách nhiệm quản lý mà làm sao để tạo ranking cho trường ở mức độ cao nhất. Tức là phải phụ thuộc sản phẩm nghiên cứu, chất lượng sinh viên sau khi ra trường, tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường có việc làm và có sản phẩm nghiên cứu có ứng dụng thực tế hay không?”, ông Linh chia sẻ.
TS Trần Hải Linh đề xuất TPHCM cần học tập mô hình mang tên Brain Korea 21 của Hàn Quốc được phát triển từ cuối những năm 1990. Chương trình này phát triển các đại học nghiên cứu cạnh tranh trên toàn cầu, đưa ra các chương trình sau đại học và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nghiên cứu. Chương trình còn cung cấp, tài trợ học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh.
“Lãnh đạo thành phố nói ngân sách không thiếu, vậy thì mong sao thành phố tạo một nguồn ngân sách nào đó, giao cho một chương trình trọng điểm nào đó để các trường ĐH mạnh nhất của TPHCM, của ĐHQG TPHCM và mời những chuyên gia kiều bào cùng tham gia tạo thành một nhóm nghiên cứu mạnh. Tạo một chu trình từ đầu đến cuối: đào tạo sinh viên ra và phải có sản phẩm nghiên cứu, bài báo khoa học, có bằng sáng chế và kết hợp với các doanh nghiệp hình thành trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh. Làm được như thế thì có thể những ngành, lĩnh vực TPHCM đang cần sẽ phát triển nhanh hơn”, ông Linh nói.
Là người từng sống bên Thuỵ Sĩ hơn 10 năm, Mỹ hơn 20 năm và trở về nước được 10 năm nay, GS.TS Võ Văn Tới, ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM cũng chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm về giáo dục của mình. “Tôi nhận thấy học sinh, sinh viên Việt Nam mình có nhiều tiềm năng và giỏi, các em chỉ mong có điều kiện học tập. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng nhưng vấn đề làm sao để phát triển tốt”, GS Tới nói.
“Dù Việt Nam có rất nhiều tiềm năng không chỉ trong xã hội và ngay ở tri thức của học sinh, sinh viên nhưng đất nước vẫn chưa đột phá như các nước xung quanh. Theo tôi, cần phát triển hai điểm, thứ nhất đào tạo học thực tế và thứ hai là nghiên cứu khoa học. Học thực tế chính là dạy cho học sinh, sinh viên biết cách giải quyết những vấn đề thực tế trong xã hội, ngoài ra còn dạy người học những kỹ năng làm nghiên cứu khoa học để biết nhìn về tương lai. Nói tóm lại chính là giải quyết vấn đề hiện tại và mở ra chân trời mới”, GS.TS Võ Văn Tới đưa ra góp ý.
Lê Phương