Thông báo của cô giáo “Sức học của các con còn chậm…”

(Dân trí) - Nhóm chat của phụ huynh lớp nhận được tin nhắn từ người đại diện trong hội phụ huynh: "Cô thông báo thời gian qua cô thấy sức học của các con còn chậm, nên cô sẽ mở lớp dạy thêm...".

Đó là thông báo mà chị Nguyễn Minh Hòa, có con vừa vào lớp 1 ở Hà Nội nhận được trong nhóm chat của phụ huynh lớp. Chị lặng đi, thở dài. Đầu năm học, chị đang khấp khởi, cô giáo lớp con mình không dạy thêm. Có lẽ cũng như chị, tất cả các phụ huynh đều đã đọc thông báo nhưng họ đều im lặng. 

Thông báo của cô giáo “Sức học của các con còn chậm…” - 1

Thông báo "các con còn chậm" cô giáo gửi đến tất cả phụ huynh 

Niềm vui "cô lớp con mình không dạy thêm" đến quá sớm với họ. Cô giáo dạy thêm cũng không phải là một việc gì xa lạ nhưng tin nhắn... "các con còn chậm" được cô giáo nhờ gửi đến tất cả phụ huynh một cách vô tâm, vô tình và cả thiếu trách nhiệm. 

Cô thản nhiên đánh đồng tất cả các em là học sinh của lớp mình phụ trách chính thức ở trường chỉ vì lớp học thêm mở tại nhà. 

Nếu thật sự học sinh cả lớp còn chậm như cô đánh giá, vậy vai trò, trách nhiệm, kế hoạch giáo dục của cô như thế nào để giúp các em tiến bộ. Trong giáo dục còn có hoạt động phụ đạo cho học sinh yếu. Hay tất cả đành phải... cậy vào lớp học thêm của cô. Vậy những em sẽ không đi học thêm thì cơ hội nào để "không còn chậm"?

Thông báo này làm chị Hòa khó chịu, tối đó chị không ngủ được. Bé nhà chị không đi học chữ trước, về nhà bố mẹ hướng dẫn thêm, nhìn chung mọi thứ rất ổn. Con đi học từ sáng, chiều đi làm về bố mẹ đón, việc phát sinh đi học thêm sẽ gây thêm áp lực về tài chính lẫn việc đưa đón của gia đình. 

Chị không đồng ý cho con đi học thêm nhưng dù sao, đó là một quyết định... đầy lăn tăn và cả lo lắng! Cũng như nhiều phụ huynh thân thiết, nhắn tin hỏi chị: Làm thế nào bây giờ?

Chị N.T.T, có con học tại một trường tiểu học điểm ở quận 9, TPHCM kể, chị cũng đau đầu vì việc dạy thêm của cô giáo. Đầu năm, cô giáo thông báo dạy thêm tại nhà, số ít phụ huynh mới đủ bản lĩnh... từ chối. Nhiều người cho con đi học, không phải vì nhu cầu thật sự. 

Nghe nhiều giáo viên luôn nói, học thêm là nhu cầu từ phía phụ huynh mà người mẹ không khỏi buồn lòng. Số đó có nhưng con số ngược lại - phụ huynh cho con đi học vì nhu cầu của giáo viên - cũng không ít. 

Như con chị học lớp 2, cháu học ở mức khá, nắm chắc bài học, ý thức học tập cũng ở mức tạm ổn. Hơn nữa, buổi tối, chị muốn cả nhà sum vầy cùng vui chơi, đọc sách. Chị không hề có nhu cầu cho con đi học thêm. 

Thế rồi, cũng như tất cả bố mẹ trong lớp, chị nhận được thông báo bằng văn bản của giáo viên phát cho từng người: Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh do học lực của các con yếu, cô sẽ dạy thêm... 

Thông báo của cô giáo “Sức học của các con còn chậm…” - 2

Sau giờ học cả ngày ở trường, nhiều học sinh và phụ huynh gánh thêm áp lực học thêm một cách bị động (Ảnh minh họa)

Chị T. tự trách mình đã không đủ bãn lĩnh để nói không. Tuần 3 tối, vợ chồng lại thay nhau chở con đến nhà cô trong nỗi buồn tận cùng. Còn con chị thì mệt mỏi vì suốt ngày học! 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tuyệt đối không dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Việc giáo viên dạy thêm cho học sinh là sai quy định. 

Nhưng thực tế, việc dạy thêm cho học sinh tiểu học diễn ra khắp nơi. Ở rất nhiều nơi, nhiều trường, vào năm học một thời gian, khi cô trò vừa quen mặt nhau là... phụ huynh nhận được ngay thông báo dạy thêm. 

Theo quy định của TPHCM, hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng như việc quản lý giám sát giáo viên thuộc đơn vị mình tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ cùng quản lý hoạt động học thêm, dạy thêm trên địa bàn.

Tại TPHCM, lãnh đạo nhiều quận huyện thừa nhận, họ có trách nhiệm quản lý, kiểm tra đối với tình trạng dạy thêm học thêm sai phép nhưng rất khó đối với tình trạng giáo viên dạy thêm tại nhà. 

Còn một số hiệu trưởng nói rằng, việc giáo viêntổ chức dạy tại nhà là việc quá tầm với của họ. 

Và khi đó, đau lòng khi phải nói rằng, việc dạy thêm học thêm vì "các con còn chậm" là "sân chơi" của phụ huynh và giáo viên. Mà tại "sân chơi" này, không ít phụ huynh cho con đi học thêm không phải để tìm kiến thức mà để "mua" sự yên tâm. 

Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, Sở công khai các tổ chức, cá nhân được cấp phép dạy thêm học thêm trên cổng thông tin điện tử của Sở để các địa bàn và người dân cùng giám sát. Phụ huynh có thể phản ánh đến đường dây nóng của Sở để kiểm tra, xử lý và có hồi đáp. 

Hoài Nam