Thầy cô đến trường sau lũ: Không điện, không nước, thức ăn cũng không còn

(Dân trí) - Lội bộ hàng chục cây số đường rừng để đến trường, các giáo viên Trường tiểu học Mường Típ 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ngỡ ngàng bởi khung cảnh hoang tàn trước mắt rồi bật khóc. Toàn bộ vật dụng sinh hoạt, lương thực bị cuốn trôi, các thầy cô cầm cự qua ngày bằng gạo cứu đói và rau rừng.


Đường đến trường của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ 1 (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) sau lũ.

Đường đến trường của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ 1 (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) sau lũ.

Vượt chặng đường 35km trèo núi, lội suối, sình lầy, các giáo viên có mặt tại Trường Tiểu học Mường Típ 1 (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm bên dòng Nậm Típ. Không ai còn nhận ra đây là trường nữa bởi một lớp đất đá cao gần 1m đã án ngữ trước cổng trường. Sân trường ngổn ngang bùn đất, cây đổ. Hậu quả cơn lũ ngày 17/8 vẫn còn nguyên vẹn. Có cô giáo lên đến trường, người lấm len bùn đất, nhìn khung cảnh hoang tàn ấy ngồi thụp xuống cổng khóc tu tu.

“Lũ đã cuốn trôi dãy nhà bếp của các thầy cô và dãy bếp của học trò bán trú, cuốn sạch những vật dụng cần thiết…. Lũ cũng cuốn trôi hoàn toàn hệ thống đường ống dẫn nước sạch và gây mất điện. Tại điểm bản Na Mì, nhiều bàn ghế, sách vở bị cuốn trôi, hư hỏng. Năm học này sẽ là một năm cực kỳ khó khăn đối với nhà trường”, thầy Nguyễn Quốc Trí - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Típ 1 thông tin.

Cơn lũ ngày 17/8 cuốn theo một khối lượng đất đá cực lớn án ngữ trước công trường tiểu học Mường Típ 1, tràn cả vào sân
Cơn lũ ngày 17/8 cuốn theo một khối lượng đất đá cực lớn án ngữ trước công trường tiểu học Mường Típ 1, tràn cả vào sân

Chỉ kịp cất đặt tạm thời chỗ nghỉ, các thầy cô giáo lao vào dọn dẹp, khắc phục hậu quả cơn lũ. Một lượng lớn đất đá cuốn theo dòng lũ từ con sông Nậm Típ và đất đá từ trên núi lở xuống đã khiến nhiều trụ sơ cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn xã Mường Típ bị hư hại, vùi lấp. Hiện, các đơn vị cũng đang tự mình khắc phục, chưa thể giúp đơn vị bạn. Việc dọn dẹp cũng chỉ thực hiện được phần nào bởi lượng đất đá trôi xuống quá nhiều phải chờ máy vào xử lý.

Một số vật dụng ít ỏi còn sót lại khi cơn lũ cuốn trôi khu nhà bếp của giáo viên và bếp ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Mường Típ 1
Một số vật dụng ít ỏi còn sót lại khi cơn lũ cuốn trôi khu nhà bếp của giáo viên và bếp ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Mường Típ 1

Niềm vui có điện chưa đầy 1 năm nhưng cơn lũ dữ đã làm hư hỏng toàn bộ hệ thống điện của cả xã. Điều an ủi duy nhất là sóng điện thoại vẫn đang được duy trì. Chiếc máy phát điện của Trường Phổ thông Bán trú THCS Nậm Típ hoạt động cầm chừng vì xăng dầu cũng hiếm, mỗi ngày cũng chỉ phát một thời gian ngắn để các thầy cô giáo 2 trường sạc pin điện thoại gọi về cho gia đình.

Đất đá, cây rừng bủa vây, chực vùi lấp khu nhà ở của giáo viên
Đất đá, cây rừng bủa vây, chực vùi lấp khu nhà ở của giáo viên

Toàn bộ công trình nhà ăn bị cuốn trôi, lương thực thực phẩm trở nên khan hiếm, Mường Típ vẫn đang bị chia cắt với trung tâm huyện.

“Lúc vào, mỗi thầy cô đều cố gắng mang theo một ít cá khô, tép khô làm thức ăn dự trữ, không nghĩ trường lại bị lũ cuốn hết sạch thế này. Gạo không có phải dùng gạo cứu đói nhưng mưa tạt ngấm nước nên gạo cũng bị mốc hết, dù bỏ muối vào đãi, chà xát nhưng cũng không dùng được.

Cứ mỗi trận mưa, nước bùn lại đổ vào khu vực bếp và khu kí túc của các thầy cô giáo
Cứ mỗi trận mưa, nước bùn lại đổ vào khu vực bếp và khu kí túc của các thầy cô giáo

1 tuần qua, số thức ăn dự trữ cũng cạn rồi. Hôm trước thầy hiệu phó vào rừng hái được một bì quả sung, các cô giáo chế biến thành món sung xào, sung muối để ăn dần. Hết sung, hết măng rừng, chúng tôi cũng chưa biết ăn gì?”, cô Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.

Đời sống của giáo viên Trường Tiểu học Mường Típ 1 cũng như các trường học trên địa bàn Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) trở nên khó khăn, thiếu thốn ngay trước thềm năm học mới
Đời sống của giáo viên Trường Tiểu học Mường Típ 1 cũng như các trường học trên địa bàn Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) trở nên khó khăn, thiếu thốn ngay trước thềm năm học mới

Tranh thủ nắng ráo, các thầy cô bắt tay vào dọn dẹp nhưng đang vào mùa mưa, đang nắng, mưa có thể xối xả trút xuống ngay được. Những cơn mưa rừng ầm ào, dai dẳng, nước từ sườn núi đổ xuống như thác. Đất đá cuồn cuộn trôi theo, có thể đổ ập lên những căn nhà ký túc ghép bằng gỗ của các thầy cô bất kỳ lúc nào.

“Đêm qua mưa lớn lắm không ai ngủ được. Mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng sơ tán bởi tình hình này cũng khó nói trước được điều gì. Trước mắt khắc phục được gì thì khắc phục thôi, có khi hôm này dọn dẹp xong, tối một trận mưa về, lũ xuất hiện lại dọn tiếp”, cô Lê Thị Hằng lo lắng. Mưa thì lo sạt lở đất nhưng cũng nhờ mưa các thầy cô mới hứng được nước sạch để sử dụng.

Giao thông đang bị chưa cắt, thực phẩm dự trữ đã cạn kiệt, bữa ăn của các thầy cô chỉ có măng rừng, sung muối
Giao thông đang bị chưa cắt, thực phẩm dự trữ đã cạn kiệt, bữa ăn của các thầy cô chỉ có măng rừng, sung muối

Nhưng lo lắng lớn nhất của các thầy cô giáo nơi đây không phải là nỗi lo đói ăn, thiếu mặc. “Hiện tại nhiều bản vẫn đang bị cô lập, đặc biệt là bản Phà Nọi, cách trường 18km. Trước tình hình này việc vận động học sinh đến trường cực kỳ khó khăn, đường sá như vậy phụ huynh cũng không dám đưa trẻ đến trường dù tựu trường đã được 1 tuần. Các phụ huynh hứa sẽ cố gắng đưa con ra trường trước ngày khai giảng.

Điện mất, tủ cấp đông dự trữ thức ăn cũng không thể hoạt động, mà tìm nguồn thực phẩm ăn hàng ngày cũng không có. Hiện giờ mỗi gói mì tôm 7-8 nghìn đồng nhưng cũng không có mà mua. Đưa được các cháu ra đi học chúng tôi cũng không biết tổ chức bữa ăn bán trú cho các cháu như thế nào”, thầy Trí thở dài.

Hoàng Lam