“Thất bại hay thành công khi thực nghiệm chương trình đều có ích!”

(Dân trí) - Trong vòng một tháng qua, Bộ GD&ĐT và Ban soạn thảo chương trình đã tiến hành thực nghiệm chương trình mới tại một số địa phương trên cả nước. Tín hiệu ban đầu cho thấy nhiều giáo viên, học sinh khá “thích thú” việc thực nghiệm này. Ban soạn thảo thì khẳng định: Thất bại hay thành công khi thực nghiệm chương trình đều có ích!

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: “Thực nghiệm chương trình môn học là một khâu cần thiết phải làm trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. Còn đối với các tác giả sau này bắt tay vào viết sách giáo khoa thì lúc đó phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa.

Thực nghiệm chương trình nhằm thực nghiệm những nội dung mới, những phương pháp dạy học mới, phương thức đánh giá mới… Mục tiêu để đánh giá những cái mới này có khả thi hay không? Tác động của cái mới này đến giáo viên, học sinh như thế nào?...”.

Học sinh Đà Nẵng trong giờ thí nghiệm (ảnh: Khánh Hiền)
Học sinh Đà Nẵng trong giờ thí nghiệm (ảnh: Khánh Hiền)

Cũng theo GS Thuyết, Ban soạn thảo chương trình trực tiếp khảo sát tình hình ở các trường, các trường được chọn theo tính chất đại diện cho các vùng trong cả nước. Ban chỉ đạo đã trình và quyết định chọn 6 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu biểu cho 6 vùng miền trong cả nước, mỗi tỉnh/thành phố thì chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT (ở các vùng khác nhau của tỉnh đó, điều kiện dạy học khác nhau). Các trường thực nghiệm được phát phiếu trưng cầu ý kiến của giáo viên về chương trình các môn học, hình thức trả lời của giáo viên là theo hình thức online để đảm bảo tính khách quan.

Bên cạnh đó cũng tổ chức dạy học để kiểm nghiệm tính khả thi và tác động đến việc dạy và học của học sinh như thế nào. Các bài học này có thể chứa nội dung mới hoặc các nội dung đã có trong sách giáo khoa hiện hành nhưng dạy theo phương pháp mới, cũng có áp dụng một số phương pháp đánh giá mới.

Trong khi đó, GS.TS Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán nhấn mạnh: Việc thực nghiệm chương trình đối với các bài mới sẽ cho phép chúng ta đánh giá được tác động khi thực hiện chương trình mới cũng như đo được “sức ì” trong đội ngũ giáo viên.

Những tín hiệu khả quan về chương trình mới

Mặc dù quá trình thực nghiệm chương trình vẫn đang được tiến hành nhưng sau hơn một tháng triển khai cho thấy nhiều tín hiệu khả quan: Giáo viên sẽ hoàn thành tốt bài giảng nếu được tập huấn một cách kỹ càng, học sinh hứng thú hơn sau mỗi tiết học.

GS.TS Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình môn Lịch sử chia sẻ: Trước đây thì không có thực nghiệm chương trình, các thầy cô giáo ở bậc phổ thông thường là không tiếp xúc với chương trình mà thường tiếp xúc với sách giáo khoa, sách hướng dẫn giáo viên. Sách giáo khoa thường được coi như là pháp lệnh, nếu bài học này quy định 2 tiết mà sau hai tiết chưa hết bài thì gọi là “cháy giáo án”.

Còn bây giờ chúng ta tiếp cận theo chuẩn năng lực thì lại khác. Ví dụ như một chủ đề môn Sử ước lượng khoảng 20 tiết thì việc cắt thời lượng cho một bài cụ thể nào đó là bao nhiêu tiết là hoàn toàn do giáo viên, họ có quyền được chủ động để làm việc này.

“Mục đích của thực nghiệm chương trình là để chúng tôi kiểm tra được mức độ thích hợp, tính thực tiễn của điểm mới mà chúng tôi đưa vào. Quá trình thực nghiệm thì chúng tôi đánh giá là thành công, ở đây chúng ta chưa đánh giá, chưa chấm điểm bài dạy của giáo viên ở trên lớp. Với kết quả thực nghiệm chương trình môn Lịch sử thì chúng tôi tin chắc mình đang đi đúng hướng, chương trình mới chắc chắn có tính khả thi và mang lại sự đổi mới thực sự đối với môn lịch sử trong nhà trường” - GS Tung nói.

Cũng theo GS Tung, mỗi khi tiết thực nghiệm chương trình lịch sử kết thúc thì đều có 5 phút để trao đổi với học sinh. Qua cuộc trao đổi thì có em khẳng định trước đây không thích học Sử nhưng sau đó lại khẳng định là thích nếu thay đổi cách dạy và được tương tác mô hình thiết bị như dạy thực nghiệm.

“Đóng vai trò then chốt trong thành công triển khai chương trình mới chính là vai trò của giáo viên, ở đâu giáo viên hiểu đúng chương trình, đọc được đúng chủ ý của người biên soạn chương trình thì họ vận dụng rất thành công. Chính vì thế việc tập huấn giáo viên sau khi có đầy đủ chương trình và sách giáo khoa là rất quan trọng”, GS Tung nhấn mạnh.

Có một thực tế là khi triển khai thí điểm thì chúng ta luôn khẳng định sự thành công nhưng khi đại trà lại gặp rất nhiều khó khăn?

Trước câu hỏi này, đại diện của Ban biên soạn chương trình cho hay: Quá trình thực nghiệm chương trình cũng lựa chọn những trường thực sự khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt nhưng kết quả vẫn rất tốt. Có giáo viên hơi lúng túng ở lần dạy đầu tiên nhưng sau đó được trao đổi, thảo luận thì tốt dần ở các tiết tiếp theo…

Thậm chí ở các lớp học có sĩ số đông, một số thầy cô vẫn hoàn thành được bài giảng ở mức độ đạt yêu cầu. Tuy nhiên để có chất lượng tốt và bền vững thì sĩ số lớp nên tuân thủ theo Điều lệ trường học.

"Thất bại hay thành công khi thực nghiệm là chuyện bình thường!"

Đó là khẳng định của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ nhiệm chương trình môn Ngữ Văn khi nói về những khó khăn khi triển khai khi thực nghiệm chương trình.

Theo PGS Thống, kinh nghiệm của các lần cải cách trước cho thấy, ít nhất cũng phải mất 1-2 năm sau khi chính thức triển khai thì giáo viên mới có thể quen được. Ở trong quá trình thực nghiệm chương trình thì có giáo viên làm tốt, có giáo viên chưa làm được và điều này là hết sức bình thường.

“Nếu chúng ta triển khai thực nghiệm chương trình thành công thì cũng là điều vui, nhưng nếu chưa thành công thì cũng là dịp để nhìn nhận lại đánh giá và điều chỉnh. Dù có như thế nào thì việc thực nghiệm vẫn giúp ích rất nhiều cho Ban soạn thảo” - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Các thành viên Ban soạn thảo cũng khẳng định, việc triển khai thực nghiệm chương trình vừa qua cũng giúp cho ích cho việc biên soạn chương trình rất nhiều. Nhiều ý kiến đóng góp được các tác giả tiếp thu một cách cầu thị để điều chỉnh nhằm hướng tới hoàn thiện một chương trình tốt nhất.

Nguyễn Hùng