Tạp chí khoa học Việt Nam đầu tiên có chỉ số IF lọt top 25% thế giới

(Dân trí) - Tạp chí Khoa học: Vật liệu và Linh kiện tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) lần đầu tiên đạt chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor-IF) = 3.783 từ Web of Science, lọt top 25% thế giới.

Ngày 29/6/2020, Web of Science - Clarivate công bố chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor - IF) năm 2020 (cho kết quả năm 2019). Theo đó, Tạp chí Khoa học: Vật liệu và Linh kiện tiên tiến (Journal of Science: Advanced Materials and Devices - JSAMD) của ĐHQGHN đã đạt được chỉ số IF = 3,783.

Như vậy, sau hơn 4 năm thành lập, Tạp chí JSAMD thu về kết quả: Là tạp chí thuộc hệ thống SCIE, SCOPUS, IF của Web of Science = 3.783, IF theo Scopus = 5.8, được xếp nhóm Q1 (25%) của Scimago.

Các nhà số nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đánh giá, đây là những chỉ số đáng tự hào, cho thấy sự phát triển nhanh và thành tựu xuất sắc của JSAMD.

Nếu nhìn sang các cộng đồng tạp chí rộng lớn của Ấn Độ và các ấn phẩm của châu Á, hiếm có tạp chí nào đạt được chỉ số cao trong thời gian như vậy.

Các nhà khoa học kỳ vọng, JSAMD sẽ là đầu tàu thúc đẩy các tạp chí khác, góp phần thiết thực đưa các nghiên cứu của Việt Nam lên tầm thế giới.

Tạp chí khoa học Việt Nam đầu tiên có chỉ số IF lọt top 25% thế giới - 1

Tổng biên tập sáng lập, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - người có công đầu trong việc phát triển tạp chí JSAMD, chia sẻ: “Sự kiện nối dài thành công của ĐHQGHN nói riêng và cộng đồng khoa học Việt Nam nói chung trong chiến lược vươn tầm quốc tế”.

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển, GS Đức cho biết, có được “quả ngọt” này, trước tiên phải kể đến ý tưởng, sự tin tưởng và quyết tâm thành lập tạp chí của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, nguyên Giám đốc ĐHQGHN. Giám đốc đương nhiệm ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn quan tâm sát sao đối với tạp chí, đồng thời, thúc đẩy, hỗ trợ Ban biên tập thiết lập hợp tác với NXB Elsevier để phát triển thêm một tạp chí mới về “Các vấn đề phát triển đương đại” trong lĩnh vực khoa học xã hội liên ngành”.

Chỉ số IF là một số đo phản ánh số lượng trích dẫn trung bình theo năm của các bài báo khoa học được xuất bản gần đây trên tạp chí đó, dựa vào các thống kê của các tạp chí nằm trong danh mục Journal Citation Reports (Báo cáo Trích dẫn Journal - JCR).

Hiện nay, có khoảng trên 12.800 tạp chí được nằm trong danh sách của danh sách JCR và có chỉ số IF.

Theo xu hướng chung, các tạp chí sẽ có IF tăng do số lượng các bài báo có xu hướng tăng nhưng cũng có nhiều tạp chí có IF thay đổi không đáng kể hoặc thậm chí giảm.

Tạp chí khoa học Việt Nam đầu tiên có chỉ số IF lọt top 25% thế giới - 2

 Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chúc mừng Ban biên tập Tạp chí khoa học: Vật liệu và Linh kiện tiên tiến

GS Nguyễn Trí Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu tiên tiến sử dụng cho y tế và an toàn lao động, Trường Đại học Québec tại Trois-Rivieres, Canada cho biết, mặc dù rất khó để đưa ra một tiêu chí hoàn hảo để đánh giá chất lượng của tạp chí, nhưng chỉ số ảnh hưởng có thể coi là một chỉ số quan trọng mà các nhà khoa học chấp nhận nó để đánh giá uy tín của một tạp chí.

“Các quỹ nghiên cứu hay các trường đại học ở Việt Nam cũng thường sử dụng tiêu chí này để đánh giá chất lượng bài báo khoa học. Ngoài ra, nếu làm việc lâu trong một chuyên ngành thì sẽ biết tạp chí nào là tốt và chất lượng”, GS Phương cho hay.

Nhiều tạp chí ngành vật liệu “polymers” hay “composites” rất uy tín nhưng IF không cao như các ngành năng lượng mới hay môi trường, tuy nhiên, đã đạt những bước tiến đáng kể. Trong đó, “năm nay, Tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến của ĐHQGHN có IF = 3,783 và nằm trong nhóm Q1 theo bảng xếp hạng của SCImago là một thành tích tuyệt vời”, GS Phương đánh giá.

Bước phát triển của giáo dục đại học Việt Nam

Năm 2016, JSAMD đặt mục tiêu trở thành một địa chỉ uy tín để công bố các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có chất lượng cao của cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế theo tiêu chí Scopus trước năm 2020; hỗ trợ đào tạo sau đại học và phát triển ĐHQGHN theo định hướng nghiên cứu; góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, hội nhập khoa học và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ra đời và không ngừng phát triển từ cái nôi ĐHQGHN, đến nay, JSAMD đạt chỉ số IF = 3,783 đã đánh dấu sự trưởng thành, uy tín của ngành vật liệu học của Việt Nam, đồng thời cho thấy giáo dục đại học Việt Nam đang ngày càng hội nhập và tiếp cận tới trình độ và chuẩn mực của quốc tế. Đó là nhận định của GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN, cũng là thành viên Hội đồng ban biên tập quốc tế của JSAMD.

Tròn một năm trước, JSAMD lần đầu tiên được Scimago xếp hạng, trong đó, 2 lĩnh vực Vật liệu composite và Vật liệu từ, điện tử, quang được xếp nhóm Q1; còn 2 lĩnh vực Khoa học vật liệu và Vật liệu sinh học được xếp nhóm Q2.

Đầu tháng 6/2020, theo xếp hạng Tạp chí Scimago 2020 (cho kết quả xuất bản 2019), JSAMD tiếp tục duy trì nhóm Q1 với 3 nhóm lĩnh vực, cụ thể: Khoa học Vật liệu: top 18%; Vật liệu từ, điện và quang: top 15%; Vật liệu composite: top 19%. Riêng lĩnh vực vật liệu sinh học còn ở nhóm Q2, top 38%.

JSAMD xuất bản 4 kỳ/năm, mỗi kỳ dày khoảng 120 trang, với hội đồng biên tập gồm 31 nhà khoa học uy tín, trong đó có 23 nhà khoa học nước ngoài, và được cố vấn bởi GS S. Bland - Tổng biên tập Tạp chí Materials Today (IF= 24.537). JSAMD ra số đầu tiên vào tháng 3/2016, và đã được đưa vào hệ thống danh mục Web of Science và Scopus. Tạp chí được phát hành trên hệ thống Science Direct của Nhà xuất bản Elsevier.

Tạp chí khoa học Việt Nam đầu tiên có chỉ số IF lọt top 25% thế giới - 3

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội trong phòng nghiên cứu khoa học

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm: “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chúc mừng và đề nghị Ban biên tập chuyển giao mô hình và kinh nghiệm xây dựng tạp chí để thúc đẩy dự án nâng cao chất lượng tạp chí của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”.

Theo GS Nguyễn Hữu Đức, hiện tại, dự án đang được Bộ khởi động tốt, riêng Tạp chí Kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đang hợp tác có hiệu quả với một nhà xuất bản nước ngoài.

Liên quan đến hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học, theo số liệu của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ GDĐT, các trường đại học Việt Nam đang đóng góp tới 85% số công bố quốc tế của cả nước, với 6.549 bài trong tổng số 7.705 (công bố ISI năm 2019).

Con số này cho thấy, để nâng cao xếp hạng của các trường đại học, gia tăng uy tín, xếp hạng của tạp chí khoa học nói riêng, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ số lượng và chất lượng các công bố quốc tế của Việt Nam nói chung, cần đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu kết hợp với đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, nhất là đào tạo sau đại học, đào tạo nghiên cứu sinh.

Đồng thời, bên cạnh tiếp tục phương thức truyền thống, các trường đại học Việt Nam cần phải thúc đẩy nhanh việc phát triển các tạp chí quốc tế của Việt Nam.

“Không phải chúng ta chỉ quan tâm đến việc xuất bản các phát minh, sáng chế KH&CN mà việc công bố các kết quả nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, chủ quyền biển đảo của Việt Nam cũng vô cùng cần thiết. Việt Nam phải có diễn đàn và các ấn phẩm khoa học có tầm ảnh hưởng rộng lớn và chủ động trong lĩnh vực này”, GS Nguyễn Hữu Đức khẳng định.

Cơ sở dữ liệu Web of Science (trước đây là Web of Knowledge) là một sản phẩm của Institute for Scientific Information (ISI) do Eugene Garfield sáng tạo và thành lập. Năm 1992, ISI được mua lại và phát triển bởi Thomson Reuters và cho đến năm 2016 thì chuyển nhượng sang cho Clarivate Analytics.

Trong giới khoa học, khi nói đến ISI thì nghĩa là nhắc đến CSDL Web of Science này. ISI chỉ mục hóa khoảng 15.000 tạp chí, 50.000 đầu sách học thuật và khoảng 160.000 kỉ yếu hội nghị ở nhiều ngành khác nhau (con số này thay đổi theo thời gian).

Hệ số Journal Impact Factor của một tạp chí được tính toán bằng cách đếm số trích dẫn có được trong một năm (t) của tất cả các bài đã công bố trong tạp chí đó trong 2 năm trước đó (tức là t-1 và t-2), rồi chia cho tổng số bài đã công bố của tạp chí cũng của 2 năm đó. Hằng năm IF được công bố trên JCR vào tháng 6.

GS Nguyễn Trí Phương cho biết, đây là một chỉ số tương đối vì phụ thuộc vào lĩnh vực. Toán học hay các ngành khoa học xã hội thường có IF thấp, các ngành năng lượng, ngành y, sức khỏe cộng đồng hay công nghệ sinh học thường có chỉ số ảnh hưởng khá cao.

Để so sánh, bên cạnh IF, cần căn cứ thêm vào xếp loại của tạp chí trong chuyên ngành hẹp của tạp chí đó. Thông thường dựa vào phân loại của Scimago, các tạp chí được phân thành 4 nhóm Q1, Q2, Q3, Q4 theo các chủ đề nghiên cứu, trong đó Q1 bao gồm 25% các tạp chí hàng đầu. Chỉ số này có thể biến đổi, phụ thuộc vào kết quả đánh giá hàng năm.

Hồng Hạnh