Tân giáo sư “2 nhất”: Chức danh không phải để “oai”

Đó là GS.TS, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Ngọc Canh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam. Những ngày vừa qua, ông được mọi người gọi với cái tên trìu mến là “Vị GS già - 2 nhất”.

Ấy là vì ông là GS cao tuổi nhất được công nhận chức danh GS tại Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho giáo sư, phó giáo sư năm 2014 vừa qua (81 tuổi). Ngoài ra ông còn là GS duy nhất của ngành nghệ thuật múa của việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

GS Lê Ngọc Canh tự hào được nhận Giấy chứng nhận chức danh Giáo sư ở tuổi 81
GS Lê Ngọc Canh tự hào được nhận Giấy chứng nhận chức danh Giáo sư ở tuổi 81.

Hành trình “5 trong 1”

Những ngày vừa qua, GS Canh liên tục nhận được những lời chúc mừng của người thân, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của mình. Gặp GS tại nhà riêng, qua câu chuyện chúng tôi nhận thấy ở GS có một tình yêu “máu lửa” với nghệ thuật và niềm say mê nhiên cứu khoa học.

Hiện tại ông hoàn thiện nốt cuốn từ điển về âm nhạc và tiếp tục cộng tác giảng dạy, đào tạo với các trường đào tạo về nghệ thuật.

Trước đó, GS chính là tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng như “Sách lịch sử múa Việt Nam, Nghệ thuật múa thế giới, Đại cương nghệ thuật múa” và nhiều công trình cấp bộ, cấp Nhà nước nhiều năm. 

“Tôi làm việc không phải là vì để đạt được chức danh GS, mà để con cháu, các thế hệ trẻ thấy rằng, sự học là không có giới hạn, nghiên cứu khoa học không có tuổi tác.” - GS Lê Ngọc Canh

Sau 18 năm, kể từ ngày GS được phong chức danh PGS (1996), đến nay GS đã 17 quyển sách sách riêng cho mình; 24 đầu sách do GS tham gia với tư cách là: Chủ biên, cố vấn; 85 bài báo khoa học và rất nhiều công trình nghiên cứu trở thành giáo trình giảng dạy cho các trường nghệ thuật đào tạo đại học và sau đại học.

GS tâm sự: “Tôi còn làm nghệ thuật và nghiên cứu khoa học đến khi không còn sức thì thôi. Vì vậy chức danh GS, hay PGS với tôi không là để “oai”, để cất giữ nơi trang trọng mà là động lực để tiếp tục cống hiến và làm việc. 

Tôi luôn tâm niệm và thường nói vui với đồng nghiệp rằng, hành trình làm khoa học của tôi lúc nào cũng theo các bước đó là: Sưu tâm, nghiên cứu, giảng dạy, làm công trình và viết sách”.

Truyền lửa đam mê nghệ thuật

Theo GS Lê Ngọc Canh, nghệ thuật vốn đã khó, vì thế làm nghệ thuật không dành chỗ cho những người lười biếng, làm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này càng cần phải có những người đam mê, tinh thần trách nhiệm.

“Tôi vẫn thường nói với học trò của tôi rằng, đã chọn và gắn bó với nghệ thuật thì phải có niềm mê và nhiệt huyết. Mỗi người cần phải biết tự cách tự rèn luyện, tự đào tạo, tự tào nguồn cảm hứng để phấn đấu trong công việc của mình.

Tôi cũng khuyên các em, học trong nhà trường là một phần, nhưng các em cần phải học trong thực tiễn, học trong đời sống nhân dân để có thêm kinh nghiệm. Tôi sẵn sàng làm cầu nối và hỗ trợ các bạn trẻ đi tới chân trời khoa học” – GS chia sẻ.

Bên cạnh đó, GS cũng mong muốn, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của bản thân các bạn trẻ, rất cần sự qiam tâm, tạo điều kiện của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực nghệ thuật, để họ có nhiều cơ hội được cống hiến cho nghệ thuật của nước nhà.

Theo Minh Phong

Giáo dục & Thời đại